Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 9 năm 2022 | 11:3

77 năm ngày khai trường đầu tiên: Ngành Giáo dục với những bước chuyển mạnh mẽ

Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học, luôn coi trọng và quan tâm đến vấn đề giáo dục. Trước khi giành được độc lập tháng 8/1945, có tới 95% dân số nước ta mù chữ.

Trải qua 77 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Hồ Chí Minh - người sáng lập nền giáo dục Việt Nam mới

Sau Lễ tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay, trong đó nhiệm vụ “Diệt giặc dốt” đứng hàng thứ hai. Bác cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hoá”. Vì vậy, Người đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và đích thân phát động chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí... “Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong hoàn cảnh éo le chúng ta cũng quả quyết tiến hành”.

 

chủ-tịch-hồ-chí-minh-thăm-một-lớp-học-của-phong-trào-bình-dân-học-vụ.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học của phong trào bình dân học vụ.

 

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 17-SL, thành lập Nha bình dân học vụ, quy định nhiệm vụ của Nha là lo việc học cho nhân dân, Sắc lệnh số 19-SL, quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao dân trí: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 4/10/1945, trong “Lời kêu gọi chống nạn thất học”, Bác nhấn mạnh “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”, “Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập, người biết chữ phải có nghĩa vụ dạy những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại càng cần phải học”.

Ngoài việc sắp xếp lại bộ máy học chính các cấp và các trường theo đúng tinh thần mới, ngày 10/10/1945, Người đã ra sắc lệnh 14/SL lập một Hội đồng cố vấn học chính. Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”.

Ngày 9/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 119/SL thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục. Tiếp đó, ngày 10/8/1946, ra Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh số 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới và mục đích tôn chỉ của nó. Tại Sắc lệnh 146/SL, Chủ tịch Chính phủ đã quy định ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới: đại chúng hoá, dân tộc hoá và khoa học hoá, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ.

Nền giáo dục mới theo quy định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học. Sắc lệnh 147/SL đã ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các bộ môn khoa học: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa…

Đặt trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên, nhất là ba nguyên tắc (ba tính chất) của nền giáo dục do Đảng , Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng của chính sách giáo dục thực dân, phong kiến, đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới. Nền giáo dục mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em”. 

 

giáo-viên-hướng-dẫn-học-sinh-thực-hành-tin-học-tại-trường-trung-học-cơ-sở-dịch-vọng-quận-cầu-giấy-ảnh-nguyễn-quang.jpg
Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành tin học tại Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

 

Bước chuyển mạnh mẽ

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đây là chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Việt Nam được tổ chức quốc tế công nhận và xếp hạng.

Kết quả xếp hạng giáo dục quốc gia của USNEWS dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: Có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không.

Đặc biệt, năm 2021 là năm có nhiều biến động nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực vượt qua các khó khăn thử thách và có nhiều dấu ấn.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học. Cùng với đó, Bộ cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ dạy học trực tuyến nhằm kịp thời giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến.

Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.

Năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố và duy trì. Theo đó, đối với giáo dục mầm non, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Đối với giáo dục phổ thông, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy các môn học phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm tính khoa học, không gây áp lực đối với học sinh. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%.

Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội. Cụ thể có 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 5 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm.

Đối với giáo dục thường xuyên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32%.

 

niềm-vui-ngày-khai-giảng-năm-học-mới.jpg
Niềm vui ngày khai giảng năm học mới.

 

Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước

Năm 2021, nước ta có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động.

Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025...

“Đoàn kết, đổi mới, nâng cao chất lượng” đưa giáo dục lên tầm cao mới

Có thể nói, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong toàn ngành Giáo dục đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; mỗi tập thể là nơi kiến tạo, hỗ trợ để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân.

Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức và khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đặc biệt là trong cuộc CMCN 4.0, giáo dục và đào tạo càng có vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Song trong bối cảnh tụt hậu của nước ta hiện nay so với trình độ chung của khu vực và thế giới, nếu muốn đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thì chúng ta phải nhanh chóng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phải có quyết tâm lựa chọn những cách làm bài bản, theo một lộ trình nhất định; xây dựng một hệ thống giáo dục thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và khả năng phát triển lâu dài của người học. Hơn hết, việc phân bổ ngân sách một  cách  hiệu  quả,  đi  kèm  với  cam  kết chính trị mạnh mẽ đối với giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra sự khác biệt cho tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quan trọng đặc biệt của giáo dục đối với việc đào tạo và phát triển con người, rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người đã chỉ ra mục tiêu, sứ mệnh của giáo dục là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.”

Thấm nhuần tư tưởng đó, trong suốt quá trình cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm đến phát triển  giáo  dục,  đào  tạo  và  khẳng  định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu,  là  nhân  tố  quyết  định  để  thực  hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa  học  công  nghệ,  yêu  cầu  phát  triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top