Những ngày qua, nhiệt độ trung bình thường xuyên ở ngưỡng rất cao, có ngày lên tới 40 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài có khả năng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển đàn vật nuôi, thủy sản.
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và người dân thực hiện biện pháp phòng chống nắng nóng, bảo toàn số lượng, chất lượng cho chăn nuôi.
Chăm sóc tốt và đảm bảo nguồn dinh dưỡng
Thời gian này, ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng (thôn Kiều Lương, xã Đức Long, huyện Quế Võ) cùng các thành viên tranh thủ dậy sớm, chuẩn bị thức ăn chăn nuôi và cho cá ăn trước 7 giờ sáng.
Ông Chiến chia sẻ: “Với quy mô nuôi lớn, hơn 300 lồng, nhiều lứa đến kỳ thu hoạch nên chúng tôi phải hết sức cẩn thận trong quá trình chăm sóc, bảo vệ đàn cá. Chúng tôi thường xuyên vệ sinh lưới để cho nước lưu thông trong và ngoài lồng, treo túi vôi với lượng 3-4kg/túi ở độ sâu bằng 1/3 mực nước trong lồng, bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Khi thả cá giống mới, hoặc thu hoạch cũng phải lựa thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để giảm tỷ lệ hao hụt tối đa”.
Trang trại của anh Tuyên áp dụng biện pháp tăng khẩu phần thức ăn thô xanh cho đàn trâu trong mùa nóng.
Với kinh nghiệm nuôi trâu thịt vài năm qua, anh Nguyễn Văn Tuyên (thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong) cũng luôn chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để bảo vệ đàn trâu hơn 100 con vào mùa nắng, nóng. Anh Tuyên cho biết: “Cứ vào đầu vụ, tôi phải chủ động dự trữ nguồn thức ăn xanh như cỏ, thân cây ngô, chuối... để bổ sung thêm chất xơ, tốt cho tiêu hóa của đàn trâu. Ngoài ra, hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh cho trâu vụ xuân - hè để tăng cường khả năng miễn dịch”.
Đồng bộ các giải pháp
Bắc Ninh hiện có hơn 300.000 con gia súc và khoảng 5,7 triệu con gia cầm. Trước sự thay đổi của thời tiết, khả năng chống chịu với dịch bệnh của đàn vật nuôi kém hơn thông thường dễ dẫn đến bị nhiễm bệnh. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện tốt biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi.
Cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu đối với tác động do thời tiết. Đối với chuồng trại, bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, có thể phủ rơm, trồng cây dây leo, hoặc phun nước... lên mái chuồng chống nóng trực tiếp. Tăng cường thức ăn giàu đạm, thức ăn xanh; giảm tinh bột, chất béo, chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa.
Đối với gia cầm, giảm mật độ nuôi, nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với trâu, bò, lợn, mùa nắng nóng nên tắm cho gia súc 2-3 lần/ngày, làm giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da. Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt..., những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm.
Đối với nuôi trồng thủy sản, khi nhiệt độ nước hơn 30 độ C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Trước và sau khi cho cá ăn 1-2 giờ nên bật máy quạt nước, tránh hiện tượng nước bị phân tầng, duy trì bật từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, tăng lượng oxy hòa tan, tránh hiện tượng cá bị ngạt do thiếu oxy. Sử dụng men vi sinh cho các ao nuôi nhằm phân giải các chất hữu cơ, khí độc như: H,S, NH3...
Đối với các lồng nuôi cần hạ thấp lồng hoặc di chuyển lồng đến nơi có mực nước sâu nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao; lựa chọn thời điểm thích hợp để tiến hành thu tỉa hoặc toàn bộ thủy sản thả nuôi nếu đạt kích cỡ thu hoạch nhằm giảm mật độ nuôi.
Theo dự báo, hè năm 2023, số ngày nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn năm 2022, có khả năng còn xuất hiện những ngày nhiệt độ cao vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Do vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống nắng, nóng bảo vệ đàn vật nuôi là rất cấp thiết, giúp hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh và thiệt hại kinh tế trong quá trình sản xuất.