Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 1 năm 2024 | 9:53

Bị tước giấy phép, nhiều cơ sở kinh doanh gia cầm sống ở phường Đông Vệ vẫn ngang nhiên hoạt động

Nhiều cơ sở kinh doanh gia cầm sống tại lô 54 MBQH 2155, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật khi đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh do không thực hiện nghĩa vụ thuế. Không những thế, các cơ sở này còn bị người dân phản ánh là gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay.

Buôn bán trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại MBQH 2155, phường Đông Vệ,  nhiều năm qua, họ phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh do hoạt động của các cơ sở kinh doanh gia cầm sống tại lô 54 MBQH 2155.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh gia cầm bày bán tại khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Theo các hộ dân, tình trạng ô nhiễm diễn ra từ khi lô đất này được xây dựng, chia thành nhiều ki ốt để kinh doanh gia cầm. Tại đây, hàng ngày, có khoảng hàng chục lồng gà, vịt (ước chừng hàng trăm con) được các cơ sở này bày bán, giết mổ.

Cũng theo người dân, tình trạng ô nhiễm xuất phát từ chất thải (phân, nội tạng…) trong quá trình các cơ sở này giết mổ tại chỗ xả xuống cống rãnh. Bên cạnh đó, các cơ sở này nuôi nhốt gia cầm tại các ki ốt khiến cho mùi hôi thối phát ra, kèm theo tiếng kêu của gia cầm làm “xáo trộn” cuộc sống thường nhật, khiến người dân bức xúc.

Gia cầm được bày bán gần khu vực dân cư khiến phân và thức ăn dư thừa tràn ra đường bốc mùi hôi thối.

Chị Trần Thị Thu Trang, người sinh sống cạnh các cơ sở này, cho biết: Các cơ sở kinh doanh trước đây hoạt động trong chợ (chợ Đông Vệ), sau đó chuyển ra lô 54 MBQH 2155. Kể từ đó, mọi thứ bị “xáo trộn”, suốt ngày chúng tôi phải “kín cổng, cao tường”, khách đến chơi phải chạy vội vào nhà.

“Khu đất ở mà kinh doanh gia súc, gia cầm là không được. Dù có giấy phép kinh doanh đi chăng nữa, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ, không thể người ở cùng với gà, vịt… thế này được”, chị Trang bức xúc.

Hoạt động mua bán gia cầm tại khu dân cư vẫn ngang nhiên hoạt động, cho dù đã bị cơ quan chức năng tước giấy phép kinh doanh.

Nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết: Tình trạng ô nhiễm diễn ra ba năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền, thậm chí liên hệ báo cáo trực tiếp qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngay sau đó, chính quyền xuống kiểm tra, tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ dừng lại ở các văn bản, chưa có phương án xử lý.

“Việc kinh doanh, buôn bán gia cầm sống đến việc tập kết nuôi nhốt gia cầm ngay trong khu dân cư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng tôi. Không chỉ vậy, còn làm mất đi cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp của khu dân cư giữa thành phố…”, một số người dân bày tỏ quan điểm.

Cần bố trí nơi kinh doanh gia cầm phù hợp

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Phúc Hà, Phó Chủ tịch UBND phương Đông Vệ, xác nhận: Tình trạng ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh là đúng và diễn ra nhiều năm nay. Phường đã ban hành nhiều văn bản thông báo, quyết định xử phạt. Mới đây, phường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở kinh doanh tại đây.

Theo tìm hiểu, tại lô 54 MBQH 2155 có 4 hộ đang kinh doanh, cụ thể: Cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Hải, ngành nghề kinh doanh gia súc, gia cầm, hải sản, rau, củ quả (Hộ kinh doanh được kinh doanh khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật); Cơ sở kinh doanh Lê Thị Dung, ngành nghề kinh doanh gà, vịt, ngan, ngỗng, chim bồ câu các loại (Hộ kinh doanh được kinh doanh khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật); Hộ kinh doanh Lại Thị Lan Anh, ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt (kinh doanh ngan, gà, ngỗng, vịt, chim bồ câu các loại); Hộ kinh doanh cửa hàng Nguyễn Thị Tuyết, ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt (thực phẩm sạch tươi sống các loại thịt lợn, bò, gà, vịt).

Đủ các loại gia cầm được bày bán trên vỉa hè.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ thông tin phản ánh của người dân về việc kinh doanh, nuôi nhốt gia cầm tại lô 54 MBQH 2155, phường Đông vệ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, UBND TP. Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất tại đây.

Qua kiểm tra, tại thửa đất trên có 3 hộ đăng ký kinh doanh, mặt hàng kinh doanh là gia cầm sống (gà, vịt, ngan, ngỗng và chim bồ câu), được nuôi nhốt trong lồng chuyên dụng (lồng sắt) có bọc đáy lồng để thu gom phân và thức ăn thừa.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện các cơ sở kinh doanh tại đây thu gom phân và thức ăn dư thừa chưa triệt để, vẫn còn tình trạng phân và nước uống dư thừa thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước công cộng, đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính.

Các ki ốt kinh doanh gia cầm sống nằm trong khu dân cư.

Không chỉ vậy, ngày 03/1/2024, Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Thanh Hóa đã ra quyết định thu hồi giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh này do vi phạm trong công tác kê khai đăng ký thuế và nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, ngày 8/1/2024, quan sát và ghi nhận thực tế của phóng viên tại đây, các cơ sở kinh doanh này vẫn vô tư hoạt động, nhiều lồng ngan, gà, vịt vẫn được bày bán trước ki ốt mà không gặp trở ngại gì!?

Cần có chế tài nghiêm khắc của cơ quan chức năng về việc gây ô nhiễm tại khu việc dân cư sinh sống

Như vậy có thể thấy, các cơ sở này hoạt động trong khu dân cư không chỉ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân xung quanh mà còn không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước nhiều năm qua. Mặc dù đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động. 

Để giải quyết thực trạng trên, các ngành chức năng TP. Thanh Hóa cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về buôn bán gia cầm tại các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời phải có những biện pháp xử phạt nghiêm khắc đủ mạnh để răn đe, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống;  chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý chính quyền cơ sở, tránh những trường hợp “nhờn luật”.

Ngoài ra, để các hộ dân tiếp tục kinh doanh, ổn định đời sống, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, các ngành chức năng cần sớm quy hoạch, bố trí địa điểm, ngành hàng kinh doanh trong chợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Tiến tới quy hoạch, xây dựng khu giết mổ tập trung có đầy đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, vận động các hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm vào khu giết mổ tập trung...

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top