Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 8 năm 2024 | 10:32

Biến đất cằn thành vườn cây ăn quả cho thu tiền tỷ

Với ý tưởng làm giàu từ cây ăn quả, ông Đặng Quang Du (quê gốc Hưng Yên) đã biến rừng keo ở xã Yên Lạc (Như Thanh - Thanh Hóa) thành những đồi cam đường Canh và quýt Thái siêu ngọt, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhờ tạo thảm thực vật chống xói mòn ngược truyền thống, đồi cam bên sườn dốc của ông luôn xanh tốt, không bị xói mòn.

Đất lành lập nghiệp

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc, men theo triền dốc, xa xa nhìn thấy đồi bên kia màu xanh của cây cam, quýt bao trùm cả quả đồi. Dọc con đường nhỏ cánh cửa mở ra, nhìn vào hai bên hàng cây cam đường Canh đang trĩu quả, leo lên con dốc 500m, chúng tôi đến ngôi nhà ông Đặng Quang Du sinh sống.

Chúng tôi rất ngạc nhiên, hỏi ông Du ý tưởng trồng giống quýt, cam đặc biệt này mà không nơi nào ở Thanh Hóa có được, ông mỉm cười chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên, nơi cội nguồn trồng cây ăn quả, đã ấp ủ trong tôi khát vọng tạo nên thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, quỹ đất quê tôi hạn hẹp, không còn đất để phát triển. Nhận thấy Thanh Hóa là vùng đất tốt, quỹ đất còn khá nhiều, khí hậu phù hợp, nên tôi cùng 3 anh em quyết về vùng đất trồng keo cho thu nhập thấp này gây dựng trang trại cây ăn quả, đến nay đã có được 40ha cam và quýt Thái.

Hai bên hàng cây quýt thái trĩu quả trên đồi của ông Đặng Quang Du, thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc, huyện Như Thanh.

Theo ông Du, năm 2016, ông bắt đầu lập nghiệp nơi đây, từ 10ha đất rừng keo thuê của các hộ dân, trồng 5ha quýt Thái; còn 5ha trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi hồng, nhưng loại giống cây bưởi da xanh, bưởi hồng lại không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

“Do vậy, tôi quyết định sang Thái Lan mua tiếp giống quýt Thái về trồng và đem phôi cam đường Canh về ghép vào gốc bưởi Diễn. Đặc điểm của việc ghép phôi là nhanh cho ra quả, phát triển rất tốt, năng suất cao”, ông Du nói.

Vị trí ghép phôi cam canh đường trên thân cây bưởi diễn.

Vị trí ghép phôi cam canh đường trên thân cây bưởi diễn.

Thấy hiệu quả hơn cả mong đợi, năm 2020, gia đình ông Du tiếp tục mua 10ha đất trồng bưởi Diễn lấy gốc ghép cam đường Canh, diện tích này cuối năm nay được thu hoạch. Từ thành công đó, những người nông dân ấy lại chung vốn tiếp tục thuê thêm 20ha đất rừng của các hộ dân trong thôn để mở rộng trang trại.

Ông Đặng Quang Du (phía sau) cùng anh Đức Minh (áo sọc xanh trắng) kiểm tra đồi quýt thái trĩu quả đã cho thu hoạch năm 3.

Ông Đặng Quang Du (phía sau) cùng anh Đức Minh (áo sọc xanh trắng) kiểm tra đồi quýt thái trĩu quả đã cho thu hoạch năm 3.

Năm 2023, quýt Thái của trang trại ông Du cho thu hoạch năm thứ 3, với sản lượng 100 tấn, doanh thu hàng tỷ đồng. Năm nay, ông dự kiến sản lượng đạt 180 - 200 tấn, doanh thu ước 6-7 tỷ đồng.

Sản phẩm tạo thương hiệu

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn cam  đường Canh ghép trên gốc bưởi, ông Du cho biết, cả đồi cam, quýt này đều sử dụng hệ thống tưới nước tự động, chăm sóc rất kỹ lưỡng, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm mới biết nắm bắt sự sinh trưởng của cây, thường xuyên phải tỉa cành và bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây.

Theo ông Du, cam đường Canh và quýt Thái ở đây canh tác theo hướng hữu cơ nên chất lượng tốt. Trang trại có các hợp đồng liên kết với các đại lý và chuỗi cung ứng hoa quả thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Trước mỗi vụ thu hoạch, đều thông tin cho các đầu mối tiêu thụ vào tận đồi để kiểm tra sản phẩm. Tạo được uy tín nên sản phẩm tại đây có khách hàng khá ổn định.

Ông Đặng Quang Du cho biết với lượng quả trên cây quýt thái năm nay cho sản lượng tăng đáng kể.

Ông Đặng Quang Du cho biết với lượng quả trên cây quýt thái năm nay cho sản lượng tăng đáng kể.

“Quýt Thái không có hạt, trái ngọt và giòn tan, tôi đã đi bao tỉnh, thành nhưng không có loại quýt này, đấy là đặc trưng riêng sản phẩm của tôi gây dựng tại Thanh Hóa. Đối với loại cây ăn quả này thì thị trường tiêu thụ cả khu vực phía Nam chứ không phải chỉ mấy tỉnh lân cận Thanh Hóa”, ông Du nói.

Anh Nguyễn Đức Minh, người đang kiểm tra sâu, tỉa cành non mọc dưới gốc bưởi, cho biết: Kỹ thuật chăm sóc cây cam, quýt trong trang trại đòi hỏi con người phải cần mẫn, chịu khó thì mới có thể nắm bắt quá trình sinh trưởng của cây.

Anh Minh đang đi tỉa những mầm bưởi mọc ở gốc bưởi để cây cam ghép phát triển.

Anh Minh đang đi tỉa những mầm bưởi mọc ở gốc bưởi để cây cam ghép phát triển.

“Với cây có múi, thường cuối năm thu hoạch xong phải tỉa cành, tỉa tán, sau đó xới đất nhẹ ở gốc, bón phân hữu cơ, chế phẩm EM, ra Tết cây bật lộc Xuân. Ngoài ra, khi cây sinh trưởng đủ độ, cần phải xiết cây để giữ cây không phát triển cành, sau này cho sai hoa, trĩu quả. Thời điểm cây ra quả non, bổ sung 20% phân đa trung vi lượng để kích thích quả phát triển. Ở đây chúng tôi sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học, không chất độc hại, đảm bảo an toàn”, anh Minh nói.

Tạo thảm thực vật “lấy cây nuôi cỏ, cỏ nuôi cây”

Mới bước chân vào đồi cam, quýt, nhìn thấy cỏ um tùm trong vườn, nhưng cây cam trĩu quả, phải dùng cọc to ở giữa chằng chéo lại giữ cây khỏi gãy cành, điều đó không khỏi khiến chúng tôi tò mò hỏi ông Du: Vườn cỏ um tùm, hút chất dinh dưỡng của cây, nhưng tại sao vườn cây của ông vẫn xanh và trĩu quả vậy? Ông nói: “Tôi để cây nuôi cỏ, cỏ nuôi cây”, thấy chúng tôi chưa hiểu, ông Du nói rõ hơn, xưa kia truyền thống của người dân ta là phải làm cỏ cho thật sạch khu vườn, nhưng như vậy sẽ làm cho đất đồi bị xói mòn, không  giữ được đất và chất dinh dưỡng cho cây.

Đồi cam, quýt của ông Du được phủ lớp cỏ thân mềm tốt làm lớp thảm thực vật chống xói mòn, làm phân bón hữu cơ khi được cắt ủ mục nuôi lại cây.

Đồi cam, quýt của ông Du được phủ lớp cỏ thân mềm tốt làm lớp thảm thực vật chống xói mòn, làm phân bón hữu cơ khi được cắt ủ mục nuôi lại cây.

Ta bón phân cho cây, cỏ ăn phân phát triển, giữ ẩm cho đất vào mùa hè không bị khô cháy rễ, nuôi cỏ thật tốt vào mùa mưa. Khi cây cỏ tốt, phát quang cách gốc tầm 5-10 cm để cỏ hoai mục tạo thành phân hữu cơ bón lại cho cam, quýt. Có những loại cỏ xanh tạo ra phân đạm như cỏ tranh, cỏ chai… Mỗi lần cắt cỏ tại đồi thu được khoảng 10 tấn cỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, nhận xét: Ông Du là người dân tỉnh ngoài về đây xây dựng trang trại cam, quýt lớn. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho chủ trang trại phát triển, bởi trang trại này  giải quyết cho 5-7 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động mùa vụ, giúp người dân tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trang trại gây dựng một sản phẩm hữu cơ - cam, quýt Yên Lạc chất lượng và an toàn.

Năm 2023, gia đình ông Du đoạt giải 3 cuộc Thi vườn và trang trại kiểu mẫu, do Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Đây là mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả cao, với mong muốn người dân địa phương học tập, nhân rộng mô hình.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top