Nhìn lại một năm thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về những “kỷ lục” ghi dấu ấn và lan tỏa tư duy phát triền bền vững của ngành.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tiên tiến, tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hòa tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa, niềm tin xã hội với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Kính thưa Bộ trưởng, nông nghiệp được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2023. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn những dấu ấn nổi bật và những thành công đạt được của ngành?
Nhìn lại một năm thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, thấy một trong những thành công rõ nét của ngành Nông nghiệp là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường. Trước đây, ngành Nông nghiệp cố gắng tạo ra được sản lượng nhiều nhất. Có lúc chúng ta đã nghĩ sản lượng đi đôi với việc đáp ứng thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Những bài học về “được mùa, mất giá” đã cho chúng ta hiểu rằng, sản xuất có thể ít hơn nhưng tốt hơn thì lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) vẫn tăng cao, ước đạt 3,83% . Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn mắc ca tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Minh Hưng
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục (12,07 tỷ USD), tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Nổi bật có 6 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD (tăng 69,2%); Gạo 4,78 tỷ USD (tăng 38,4%); Hạt điều 3,63 tỷ USD (tăng 17,6%); Cà phê 4,18 tỷ USD (tăng 3,1%); Tôm 3,38 tỷ USD (giảm 21,7%); Gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD (giảm 16,5%).
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục, kể từ năm 1989 - khi nước ta xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên. Năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu gạo vượt mốc 8 triệu tấn, với giá trị khoảng 4,78 tỷ USD, khẳng định vị thế hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.
Và 2023 cũng là năm lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển ngành Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022).
Năm 2023 , cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Kính thưa Bộ trưởng, Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về quá trình chuyển đổi này?
Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.
Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ (Hải Dương), nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân nói rằng thu nhập bán rươi, cáy nhiều hơn bán lúa. Tính ra, 1ha lúa - rươi - cáy cho thu nhập 500 triệu đồng, gấp 10 lần Đồng bằng sông Cửu Long. Khi sản xuất lúa - rươi - cáy thì chắc chắn là sản xuất hữu cơ, xanh hoàn toàn.
Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp… cũng vậy. Nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp tuần hoàn sinh thái.
Trong bối cảnh “bão giá” vật tư đầu vào, những mô hình trên còn giúp nông dân giảm chi phí đáng kể bởi không cần phân, thuốc. Chúng ta cần lan tỏa những mô hình như vậy và đây là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.
Theo đó, nông dân và doanh nghiệp là hai đầu của ngành hàng. Cụ thể, một bên là đầu vào và một bên là đầu ra, một bên sản xuất và một bên thị trường. Khi hai đối tượng này không gặp nhau sẽ không bền vững. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường, tư duy thị trường là tư duy doanh nghiệp. Thị trường gần nhất là doanh nghiệp, không có doanh nghiệp thì không có thị trường.
Doanh nghiệp phải chủ động tạo ra nguyên liệu ổn định, giúp nông dân con giống, quy trình canh tác... Bản thân doanh nghiệp cũng phải thoát khỏi tư duy mua bán vì tư duy này sẽ làm rối thị trường. Khi liên kết với nhau thì cần cân bằng lợi ích giữa nông dân với lợi ích của doanh nghiệp để hai bên cùng thắng.
Theo Bộ trưởng, làm sao để nông sản Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường?
Khi tiếp xúc với người nông dân, nghe chia sẻ về những khó khăn, tôi cũng rất đồng cảm với họ, rất thương họ. Nhưng phải nhìn nhận lại một vấn đề “của cho không bằng cách cho”. Giúp cho người nông dân không phải chỉ bằng tiền mà cần phải cho cả họ kiến thức, tri thức và cách thức, hiểu biết để họ phù hợp với những thay đổi này.
Yếu tố quan trọng nhất vẫn là thị trường, nếu không có thị trường thì chúng ta cũng không kích hoạt được sản xuất. Hiện nay, thị trường càng ngày càng khắc nghiệt, chúng ta không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu được đặc tính của từng thị trường. Trước nay chúng ta hay nghĩ thị trường là nơi buôn bán nhưng thực tế đó là những nơi có văn hóa tiêu dùng khác nhau. Có những nông sản chúng ta bán được trong nước nhưng không bán được ở nước ngoài; có những nông sản bán được ở thị trường châu Á nhưng không bán được ở thị trường châu Âu… và ngược lại.
Việc Bộ Nông nghiệp và PTNT gắn tiêu chuẩn về thị trường xuống vùng nguyên liệu tất nhiên cũng có những rủi ro nhưng sự thành công trong xuất khẩu nông sản vừa qua chứng minh được người nông dân, ngành Nông nghiệp có thể tiếp cận những thị trường khắt khe nhất.
Nông sản Việt xuất khẩu gia tăng cũng chính là hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh đất nước được nâng lên thì niềm tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng tăng lên… Đây là cả một chiến lược của Đảng, Nhà nước, không phải là chỉ là đi buôn bán nông sản nữa mà xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, chúng ta truyền thông điệp tới thế giới: Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.
Kính thưa Bộ trưởng, với kết quả đã đạt được trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT có những định hướng phát triển như thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn trên thế giới.
Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực Trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; Chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; Thuỷ sản là 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 80%.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế, làm sao vẫn trên một đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn.
Thứ hai là, tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp với những cụm từ như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…
Thực tế nông nghiệp du lịch ở Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng minh cho lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. Hay như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) trước chỉ bán hoa ngày Tết, ngày rằm, mùng một, nay thu hẹp sản xuất để tạo thêm điểm dừng nghỉ cho du khách thì lợi nhuận thu được sẽ tăng lên.
Việt Nam đang tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tiên tiến, tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hòa tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa, niềm tin xã hội với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…Giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành Nông nghiệp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Là người đưa cây dược liệu xáo tam phân đến với Đồng Nai và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng, anh Nguyễn Văn Khôn, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang sở hữu hơn 500.000 cây nguyên liệu 6 năm tuổi trên diện tích 5,6 ha.
Hiện, đang là thời điểm chính vụ thu hoạch cau và giá cau cao, các thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Với giá bán cau hiện nay dao động ở mức 75-82 nghìn đồng/kg cau cành tươi, nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế tại tỉnh Quảng Ngãi rất phấn khởi. Có nguy cơ người dân chạy theo cây cau, ồ ạt trồng mới cau, phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng.