LTS. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn - 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan có bài viết “Câu chuyện làm vườn” gửi Hội Làm vườn Việt Nam.
Theo TS. Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, với câu từ giản dị, mộc mạc, tự nhiên, bài viết đã thể hiện sự thấu hiểu, minh triết về vai trò, vị trí nghề làm vườn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế - văn hoá -xã hội của đất nước nói chung. Những ý kiến gợi ý rất nhẹ nhàng nhưng vừa có tính chiến lược, toàn diện, vừa rõ ràng, cụ thể nhằm định hướng tiếp tục phát triển nghề vườn, kinh tế VAC và hoạt động của Hội Làm vườn các cấp trong thời gian tới theo hướng hiệu quả và bền vững!
Tạp chí Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Câu chuyện làm vườn” của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
"Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập ruộng vườn
Nghe lời nói lại càng thương
Thương em, anh muốn lập vườn cưới em."
Trên đất nước nông nghiệp, việc đồng áng, vườn tược quá quen thuộc với người dân xứ mình. Ai ai cũng có thể là người làm vườn: đặt giống xuống, lấp đất lại, tưới nước, chăm sóc, dưỡng cây dưỡng lá, rồi chờ đến ngày đơm hoa kết trái. Đôi ba cây trong sân vườn có thể bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình, để đem biếu tặng người thân. Lớn hơn, quy mô nông trại, có thể chờ ngày thu hoạch, chuyển ra chợ bán, có đồng ra đồng vô.
Nghĩ đi ngẫm lại, làm vườn đem đến nhiều điều thú vị, từ bài hát thiếu nhi thân thuộc với bao gia đình: “Má trồng toàn những cây dễ thương. Nào là là hoa, là rau, là lúa… Bưởi, sầu riêng, dừa, điều và nhiều nữa. Cho em bốn mùa vị ngọt hương thơm. Vườn của ba cây trồng thì dễ sợ. Mà trái nào cũng thiệt dễ thương”.
Việt Nam có Hội Làm vườn, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính kỹ thuật. Hội hoạt động với đầy đủ tôn chỉ, mục đích. Các Hội Làm vườn địa phương thu hút hàng triệu hội viên khắp mọi miền đất nước. Những mô hình khôi phục nghề làm vườn truyền thống, phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), Chương trình Thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP… đều có sự đóng góp của các hội viên Hội Làm vườn. Những mô hình này vừa góp phần cải thiện thu nhập bà con nông dân và cư dân nông thôn, vừa mở ra sự thay đổi tư duy làm vườn cho chính những người làm vườn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với chủ vườn bưởi ở làng Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy-Hòa Bình). Ảnh: Minh Phúc
Suốt chiều dài hình thành và phát triển, Hội Làm vườn Việt Nam, bằng trí tuệ và tâm huyết, và bằng cả sự năng động, sáng tạo, đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà. Những thành viên tham gia hoạt động trong Hội thật đa dạng. Có người sau bao nhiêu năm cống hiến trong vai trò “cán bộ, công chức”, đến tuổi hưu trí, vẫn chọn gắn bó, đồng hành với Hội Làm vườn. Có người là nông dân “nhà nòi” vẫn luôn nhiệt thành tham gia với mong muốn vừa chia sẻ, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm. Có người là giáo viên sau khi rời bục giảng, tích cực tham gia, để truyền đạt tri thức đến cho mọi người. Một xã hội nông thôn thu nhỏ trong các cấp hội. Tất cả đều xứng đáng được tôn vinh.
Làm vườn đối với con người có những mục đích khác nhau. Người làm vườn như một cách vận động cơ thể, sống khỏe, sống có ích. Người làm vườn như cách tìm kiếm thú vui tao nhã, mỗi lần chăm dưỡng, cắt lá tỉa cành, bón phân bắt sâu, như một lần được sống chậm, tìm niềm vui từ cỏ cây, hoa lá. Người thì làm vườn như một giải pháp kinh tế, đầu tư trang trại quy mô, bài bản, chỉn chu, tính toán hoa lợi sau mỗi mùa vụ. Bất luận mục đích gì, làm vườn là cơ hội con người “đối thoại” với muôn loài, rút ra bài học nhân sinh khi quan sát, chăm chút từng bộ rễ, thân, nhành, lá, hoa quả…, cùng chung sở thích gần gũi với thiên nhiên, tình yêu lao động.
Thật thú vị khi tự tay mình gieo hạt sống, từng ngày từng ngày chăm dưỡng, từng ngày từng ngày kiên trì chứng kiến những hạt mầm dưới mặt đất vươn lên, đón ánh nắng mặt trời, quang hợp, để đơm bông, kết trái. Một viện nghiên cứu về cây trồng ở nước ngoài giới thiệu về sứ mệnh: “Chúng tôi đưa con người chạm đến thiên nhiên”. Ở một đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới, người ta trân trọng cách gọi người làm vườn là “nghệ nhân”, để nhắc đến những người nông dân làm vườn bằng sự chăm chút, tỉ mẩn, sáng tạo, thổi hồn vào sản phẩm mình tạo ra. Từ cách tiếp cận làm vườn vườn sơ khai khi con người vượt qua thời kỳ săn bắt, hái lượm trong tự nhiên, ngày nay nhờ làm vườn, con người chủ động tạo ra nguồn thực phẩm. Hãy nhìn vào bất kỳ bữa ăn nào trong mỗi gia đình, không gạo, thịt, cá, cũng rau, củ, quả. Rau, củ, quả ngày nay không chỉ phục vụ ăn uống mà còn góp phần cân bằng dưỡng chất.
Một góc khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh TTXVN
Có những lúc, vì nhiều nguyên do, con người đã lấy đi quá nhiều từ tự nhiên. Để giờ đây, phương châm “nông nghiệp thuận tự nhiên” đang dần được quan tâm, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. “Từ nông trại đến bàn ăn” đang là xu thế làm vườn mới. Những thành tựu khoa học công nghệ, những phát kiến mới đã tạo ra giải pháp mà mới nghe qua, tưởng chừng như mâu thuẫn: “Nhiều hơn từ ít hơn”, tiết kiệm chi phí đầu vào, mà vẫn tạo ra năng suất, sản lượng và giá trị cao. Tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ đang tạo ra không gian mới cho ngành nông nghiệp, trong đó có công nghệ làm vườn kết hợp với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số. Những cách tiếp cận đa giá trị trong nông nghiệp hướng tới nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, tái sinh, du lịch, giáo dục trải nghiệm… Tất cả những tác động đó sẽ thay đổi tư duy về làm vườn, nâng cao thu nhập cho người làm vườn, đồng thời nâng tầm sứ mạng của Hội Làm vườn.
Làm vườn, theo tư duy mới, bên cạnh trồng trọt trong những khu vườn, còn là mô hình phức hợp, có thể nâng cấp kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), kết hợp kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Từ những phụ phẩm sau thu hoạch trong quá trình làm vườn có thể chuyển hoá thành những sản phẩm phục vụ chăn nuôi, thuỷ sản. Những trang trại sẽ trở thành những điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm cách thức nhà nông tạo ra rau, củ, quả, gắn với tri thức bản địa, bản sắc văn hoá và hồn cốt nông thôn. Những trang trại cũng có thể trở thành những lớp học giáo dục tình yêu thiên nhiên, tình yêu nông nghiệp, tình yêu với nông dân cho thế hệ trẻ.
Ngày nay, không một đất nước nào có đủ nguồn lực giải quyết mọi vấn đề xã hội. Mọi nhà nước đều bị giới hạn về nguồn vốn, con người, ý tưởng sáng tạo. Bộ máy công quyền ít nhiều còn độ trễ so với sự vận động của cuộc sống. Để bổ khuyết giới hạn đó, sứ mạng của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp là vô cùng to lớn. Các tổ chức thu hút cộng đồng, như Hội Làm vườn, là mảnh ghép cần thiết và quan trọng, cùng đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp đất nước. Cám ơn Hội Làm vườn luôn là người bạn đồng hành, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nông nghiệp nông thôn, vì nông dân làm vườn, vì đất nước phồn vinh. Thịnh vượng khởi đầu từ nông dân.
Có người quan niệm ruộng vườn là biểu thị của “phẩm cách quốc gia”. “Việc có được ruộng vườn đẹp đẽ là bằng chứng về những cảm xúc đẹp đẽ vẫn còn tồn tại… người ta cũng cảm thấy tầm cao của phẩm cách… Việc có được ruộng vườn đẹp đẽ cũng có nghĩa là người nông dân sẽ không phải rơi nước mắt. Nó là căn cứ chứng tỏ nông dân – những người dễ bị tác động về mặt kinh tế nhất – cũng đang được quan tâm và họ yên tâm lao động”. Và Bác Hồ từng nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đó cũng là sứ mạng cao cả của Hội Làm vườn!
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.