Theo phản ánh của ông Hồ Anh Hà (TPHCM), Luật Đất đai năm 2003, 2013 đều có nêu về đất vườn ao. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn không nêu rõ thế nào là đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở.
Ông Hà hỏi, vậy căn cứ nào để xác định? Những trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận và chưa cấp Giấy chứng nhận thì xác định như thế nào?
Cụ thể, ông Hà có 2.500m2 đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998, loại đất là lúa hoặc mùa, cây hàng năm.
Hiện trạng sử dụng là có nhà ở tự xây dựng năm 1986 để ở cho đến nay, nhà ở chưa được hợp thức hóa hoặc công nhận nhà ở đất ở. Mặc dù, Giấy chứng nhận cấp năm 1998 là loại đất lúa hoặc mùa, cây hàng năm nhưng gia đình ông tự san lấp đất để xây dựng nhà ở năm 1986 khoảng 400m2 và phần diện tích còn lại 2.100m2 thì khoảng năm 2003 gia đình san lấp xung quanh nhà thành đất gò, vườn để trồng hoa màu như rau cải, cây hàng năm, và nuôi cá (việc san lấp đất không xin phép, không bị xử phạt).
Năm 2012, thửa đất này bị giải tỏa để thực hiện dự án đền bù theo Luật Đất đai 2003. Sau đó Ban Bồi thường áp giá tính bồi thường cho ông Hà là 300m2 đất ở và phần còn lại 2.200m2 được bồi thường theo giá đất nông nghiệp thuần. Theo giải thích của cán bộ làm bồi thường thì phần 2.200m2 không được hỗ trợ đất vườn, ao vì thửa đất được cấp Giấy chứng nhận là loại đất lúa, mùa chứ không phải là đất vườn ao.
Theo bản vẽ hiện trạng bị thu hồi đất ghi nhận loại đất theo trích lục bản đồ 02 là lúa, mùa; phần ghi chú hiện trạng là Gò, CHN, CLN, Ao; theo loại đất trên bản đồ số năm 2004 thì ghi loại đất CHN, CLN, ao; phần ghi chú hiện trạng là gò, CHN, CLN, ao; Theo trích lục bản đồ 299/TTg thì loại đất là mùa (ĐM).
Ông Hà hỏi, như vậy, ông có được hỗ trợ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở hay không?
Muốn khẳng định đất vườn ao thì căn cứ vào quy định nào? Có căn cứ vào loại đất được cấp Giấy chứng nhận để xác định không hay là căn cứ hiện trạng thực tế sử dụng theo bản đồ số đo năm 2004 để xác định?
Trường hợp nhà xây dựng không đủ điều kiện xem xét công nhận đất ở thì có được hỗ trợ đất vườn ao hay không (mặc dù quy định có nêu: Đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở)?
Xác định đất vườn ao có xét thời điểm hình thành đất vườn ao hay không (như trường hợp của ông Hà nêu trên đất vườn ao hình thành sau khi cấp Giấy chứng nhận, tự san lấp lên đất vườn, gò, ao để trồng rau, cây kiểng, ao nuôi cá, không xin phép)?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 103 của Luật Đất đai năm 2013 thì đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.
Việc xác định diện tích đất ở được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 103 của Luật Đất đai.
Đối với phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 của Luật Đất đai, tức là được xác định theo nhóm đất nông nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã quy định cụ thể việc xác định diện tích đất ở khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở tại Điều 24 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.