Thời gian qua, trong quá trình lao động sản xuất và công tác xã hội, các thế hệ phụ nữ thành phố Hội An (Quảng Nam) đã đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của thành phố, trong đó có các lĩnh vực nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, là nền tảng để Hội An xây dựng và gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Người phụ nữ Hội An trong gìn giữ những làng nghề
Ở làng gốm Thanh Hà có rất nhiều chị em phụ nữ mỗi ngày đều miệt mài sớm hôm để làm ra sản phẩm gốm, phục vụ việc tham quan, mua sắm của du khách. Đối với họ, đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống của làng. Ở đây, những phụ nữ thuần thạo, có tay nghề cao luôn sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm, còn những chị em trẻ tuổi luôn khiêm tốn học hỏi, tiếp nối lửa nghề, góp phần thổi một luồng gió mới vào các sản phẩm của làng nghề.
Những phụ nữ thuần thạo, có tay nghề cao luôn sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm cho lớp phụ nữ tiếp theo.
Thay cho những sản phẩm gốm gia dụng hàng trăm năm trước đã từng được làng nghề sản xuất, đem đi bán khắp nơi, ngày nay, gốm Thanh Hà đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Sản phẩm ngày càng nhỏ gọn, nghệ thuật, bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu trang trí cảnh quan cơ sở du lịch hoặc phục vụ thăm quan, chiêm ngưỡng, làm quà lưu niệm cho du khách. Những phụ nữ trẻ đã học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước, kết hợp tìm hiểu, ứng dụng thêm kiến thức trên các phương tiện hiện đại để tạo nên những sản phẩm mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt truyền thống của sản phẩm, có tính khác biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.
Chị Trần Thị Tuyết Nhung, một phụ nữ trẻ đang làm nghề gốm trong làng nghề cho biết: “Khi lấy chồng về đây, gia đình đã có truyền thống làm gốm lâu đời. Tôi mong muốn theo sự nghiệp của gia đình và phát triển, làm mới sản phẩm trên nền tảng nghề truyền thống. Vì vậy, bên cạnh sản phẩm truyền thống nồi niu, tôi có làm những bình nghệ thuật, ngoài chút thủ công thì tôi còn tìm cách đắp, điêu khắc, đồng thời dùng mạng internet tìm kiếm thêm nguyên liệu mới để cách tân và làm sản phẩm tốt hơn”.
Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, góp phần gìn giữ Hội An là một thành phố thuần nông nghiệp.
Không chỉ ở làng nghề gốm, ngày nào cũng vậy, ở Hội An đều có hàng trăm phụ nữ đang gắn bó, trực tiếp lao động tại các làng nghề hoặc nghề truyền thống. Từ làm sợi cao lầu, sợi phở, tráng mì Quảng, làm bún, làm bánh, đãi hến, làm nước mắm đến các hoạt động trồng rau hữu cơ, làm đèn lồng, dệt chiếu, may mặc, thậm chí gia công nghề mộc… tất cả đều có bàn tay khéo léo tài hoa của chị em phụ nữ.
Người phụ nữ Hội An trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật
Ở lĩnh vực nghệ thuật dân gian, có thể thấy, Hội An đã và đang nhận được sự tham gia, đóng góp công sức rất lớn từ các thế hệ phụ nữ. Nhờ yếu tố truyền miệng từ đời này qua đời khác trong cộng đồng, nghệ thuật dân gian ở Hội An đã có sức sống lâu bền trong thời gian qua, trong đó, chị em phụ nữ là lực lượng then chốt giữ lửa các phong trào văn hóa văn nghệ. Trong cộng đồng, các thế hệ phụ nữ là những người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn các bộ môn nghệ thuật như hô hát bài chòi, dân ca, hò khoan, tuồng… Các sân chơi nghệ thuật từ thôn khối phố đến xã phường, thành phố, đâu đâu cũng có các chị em phụ nữ đam mê biểu diễn nghệ thuật dân gian.
Từ không chuyên đến thường xuyên, ở đâu có phong trào thì ở đó có phụ nữ biểu diễn nghệ thuật. Nghệ thuật dân gian cứ như vậy được truyền từ đời này qua đời khác, tạo sức sống lâu bền, âm ỉ như một mạch nguồn trong cộng đồng cư dân phố Hội. Chính cũng nhờ đó, vùng đất Hội An trở nên thấm đẫm nghệ thuật cổ truyền, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có những giá trị khác biệt so với nhiều vùng miền khác. Nhiều phụ nữ đã trở thành những người truyền cảm hứng, có nhiều đóng góp trong quá trình giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống của thành phố.
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ đều có những đóng góp rất quan trọng của các thế hệ phụ nữ.
Bà Phùng Thị Ngọc Huệ, một nghệ nhân hát bài chòi là một trong những người như thế. Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật dân gian địa phương, giờ đây ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn luôn hướng dẫn cho thế hệ trẻ tập luyện, trình diễn nghệ thuật bài chòi. Cứ như vậy lời ca, điệu hát được lan tỏa trong cộng đồng. Bà Huệ nói: “Được bao nhiêu chúng tôi muốn truyền lại cho các em bấy nhiêu, để chúng ta giữ lửa được loại hình nghệ thuật này. Đó là niềm sung sướng của những người nghệ nhân như chúng tôi”.
Trong nhịp sống đương đại ở nhiều địa phương trên cả nước hiện đang có nguy cơ mai một những sắc màu văn hóa truyền thống thì tại đô thị cổ Hội An, những yếu tố về nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian truyền thống lại được bảo tồn, gìn giữ lâu bền. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho một đô thị cổ như Hội An và cũng là chất liệu, là nền tảng quan trọng để địa phương xây dựng thành phố sáng tạo.
Bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN TP. Hội An cho rằng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có 2 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ đều có những đóng góp rất quan trọng của các thế hệ phụ nữ. Chính chị em phụ nữ là những người giữ lửa cho phong trào và giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống cốt lõi, góp phần làm nên một Hội An vừa phát triển hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Trong thời gian đến, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội tuyên truyền vận động cán bộ hội viên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa bản địa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung và đóng góp sức mình vào quá trình xây dựng Hội An thành phố sáng tạo nói riêng.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.