Giảm nghèo và giải quyết việc làm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tiễn tại Tây Ninh, hoạt động tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và ngày càng có hiệu quả, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế.
Tạo nguồn sinh kế ổn định
Những năm đầu mới thành lập (năm 2002), Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh và cấp huyện chỉ có 3 chương trình tín dụng được ủy thác, với 7 cán bộ phụ trách, có tổng dư nợ khoảng trên 98 tỷ đồng. Hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện ủy thác 15 chương trình tín dụng chính sách, với trên 415 cán bộ hội, đoàn từ cấp xã đến cấp tỉnh tham gia vào hoạt động ủy thác cho vay; 2.636 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trên tất cả các ấp, khu phố thuộc 94 xã, phường, thị trấn; tổng dư nợ trên 3.133 tỷ đồng (tăng 45,6 lần so với khi mới thành lập), với 110.235 hộ vay, chiếm 97,7% tổng dư nợ.
Người dân xã Long Thuận (Bến Cầu) nhận vốn vay giải ngân tại Điểm giao dịch xã.
Ông Nguyễn Xuân Thi (ấp Thạnh Lộc, xã Thanh Bình, huyện Tân Biên) cho biết: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, cuộc sống hết sức khó khăn, vợ chồng phải đi làm thuê khắp nơi, để lại 4 người con ở nhà tự đi học và chăm sóc lẫn nhau. Dù hoàn cảnh vất vả, khổ cực nhưng niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của hai vợ chồng tôi là các con rất ngoan và hiếu học. Năm 2008, con gái lớn của tôi nhận giấy báo trúng tuyển thi đỗ đại học, trong niềm vui của gia đình, bà con hàng xóm đến chúc mừng, thì vợ chồng lại nơm nớp lo khoản học phí phải đóng để lo cho con.
“Thấy hoàn cảnh gia đình, chính quyền ấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã xét cho tôi vay số tiền 24 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay HSSV. Và lần lượt 3 người con còn lại của tôi cũng được vay vốn khi bước vào đại học, với tổng số tiền 141 triệu đồng/3 người con. Đến nay, còn nợ ngân hàng 60 triệu đồng, gia đình sẽ tiếp tục chấp hành tốt việc trả nợ khi đến hạn”, ông Thi phấn khởi cho biết.
Gia đình ông Đoàn Văn Thành (ấp Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2010, được xét duyệt vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH huyện Châu Thành để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Sau 5 năm, đàn bò lên hơn 10 con, đã trả hết khoản nợ vay cũ, gia đình tiếp tục được NHCSXH xét duyệt cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để mở rộng chăn nuôi.
Nhờ phát triển chăn nuôi đúng hướng, gia đình ông Thành đã trả hết nợ vào năm 2020 và hiện nay mỗi năm đàn bò cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Cuộc sống gia đình ông từng bước ổn định, đã thoát nghèo và chăm lo cho 2 con ăn học đầy đủ.
Còn bà Nguyễn Thị Kiểm (sinh năm 1977 ở ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu), kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào vài sào đất nông nghiệp. Trước kia, gia đình bà thiếu trước hụt sau về vốn sản xuất và thêm vào đó phải lo tiền cho hai người con học đại học tại TP Hồ Chí Minh nên rất vất vả. Đến nay, gia đình bà được vay vốn NHCSXH tổng cộng 125 triệu đồng; trong đó, vay hộ SXKD vùng khó khăn 30 triệu đồng, vay HSSV cho hai con đi học 95 triệu đồng. Với 30 triệu đồng, bà Kiểm mua một con bò để dành nuôi sinh sản. Còn lại bà mua phân bón trồng hoa màu. Nhờ nguồn vốn vay này mà bà không phải đi vay mượn bên ngoài hoặc mua nợ phân bón với lãi suất 3%/tháng.
Phó chủ tịch UBND xã Long Thuận Nguyễn Văn Tuấn cho biết, là xã vùng sâu biên giới của huyện Bến Cầu, đời sống kinh tế người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nhất là sau dịch Covid-19. Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã giải ngân kịp thời nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đây là chương trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người dân, tạo điều kiện cho người dân khôi phục kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế, ổn định văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn xã.
Vốn vay ưu đãi giúp cho rất nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Hòa Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung có điều kiện cải tạo vườn, trồng cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều kết quả nổi bật
Tính đến tháng 10/2022, tổng nguồn vốn vay ủy thác của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đạt trên 3.274 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt trên 2.976 tỷ đồng, tăng 311 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 297 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch giao. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022 đạt trên 860 tỷ đồng; doanh số thu nợ trên 510 tỷ đồng.
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại, bà Trần Thị Lan, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, nhận xét: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng HSSV phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính; nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.
Qua 20 năm triển khai tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hơn 479 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, giúp gần 48 nghìn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho 82 nghìn lao động có việc làm; giúp hơn 57 nghìn HSSV được vay vốn đi học, gần 355 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo; giúp hơn 1,2 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn để xây nhà ở và xây mới, cải tạo sửa chữa 187 căn nhà.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn thông tin: Qua 9 tháng năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 3.580 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; giúp 741 HSSV có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo học đại học, cao đẳng và học nghề; giúp 3 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho 10.710 lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tạo điều kiện cho 6.427 lao động có việc làm, tăng thêm thu nhập.
Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết: Tỉnh vừa yêu cầu Chi nhánh và Ban đại diện các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh từ nay đến cuối năm 2022 cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay cho đối tượng thụ hưởng, đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách.Vốn vay ưu đãi giúp cho rất nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Hòa Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung có điều kiện cải tạo vườn, trồng cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao.