Với nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, Việt Nam có nhiều cây dược liệu được xếp vào loại quý, hiếm đứng tên trong bản đồ dược liệu thế giới.
Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương, có thể thấy phần lớn cây dược liệu chưa được sơ chế, chế biến hoạt chất mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị mang lại chưa tương xứng.
Do đó, để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp; nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học vào chế biến dược liệu thô thành sản phẩm thuốc.
Nhiều tiềm năng
Xã Thành Công (Nguyên Bình - Cao Bằng) có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển, trồng nhiều loại cây dược liệu quý. Từ những năm 1960, Hợp tác xã dược liệu Thành Công đã phát triển trồng cây tam thất với diện tích lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, chia sẻ, từ năm 2011, Công ty bắt đầu khai phá, cải tạo, xây dựng Khu du lịch sinh thái Kolia.
Đồng thời, Công ty xây dựng kế hoạch, từng bước liên kết thực hiện phát triển trồng cây chè chất lượng cao, trồng rau, hoa và cây dược liệu tại địa phương. Đến nay, 2 dự án liên kết trồng chè chất lượng cao, trồng rau, hoa đã thành công, mở rộng trên diện tích hàng chục hecta.
Thực hiện kế hoạch phát triển, liên kết trồng cây dược liệu tại địa phương, từ năm 2022 đến nay, Công ty liên kết với Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, Viện Dược liệu (Bộ Y tế), và một số đối tác phát triển ươm, nhân giống, trồng cây tam thất, sâm, bảy lá một hoa trong nhà lưới đạt kết quả khả quan.
Đến nay, cây dược liệu trồng trong nhà lưới đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Năm 2023, đối tác ở tỉnh Sơn La đã tìm đến và mua 1.000 cây sâm giống. Từ đầu năm 2023, Công ty cũng tiến hành trồng thử nghiệm 2 cây dược liệu đương quy và cát cánh.
Sản phẩm cây cỏ ngọt của HTX Nông nghiệp - Du lịch trải nghiệm Kon Tu Rằng mang lại giá trị kinh tế cao.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định: Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như sâm, hồng đẳng sâm, đương quy, đinh lăng…, tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, Kon Tum sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh theo quy định pháp luật, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có uy tín đến tìm hiểu vùng nguyên liệu và đầu tư nhà máy chế biến nông sản, dược liệu, phấn đấu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cần liên kết bốn nhà
Nước ta có 357.178 ha cây dược liệu, trong đó, trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng 220.178 ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày, 137.000 ha; tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài khác nhau.
Theo ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), Việt Nam được đánh giá có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với hơn 5.000 loài, trong đó có nhiều loài quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu, bao gồm thuốc dược liệu cổ truyền, sản phẩm chăm sóc sức khỏe...
Chế biến dược liệu xuất khẩu.
Hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100 nghìn tấn. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều vùng, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn. Phần lớn việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, ở cấp hộ gia đình; nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu còn hạn chế, thường được thương lái mua với giá cao nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng. Các hộ trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu vắng sự đầu tư của doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến cho hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân, hộ trồng dược liệu chưa cao.
Ngoài ra, giải quyết bài toán đầu ra cho dược liệu bằng cách phát triển mô hình: Gắn kết y học cổ truyền và dược liệu; dùng dược liệu tạo ra sản phẩm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, gắn với du lịch xanh... Muốn giải quyết tình trạng này, các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành lợi thế chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng mối liên kết bốn nhà thật chặt chẽ.
Theo TS. Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu và chất lượng của Công ty cổ phần Traphaco, Công ty đề xuất phát triển rộng rãi và mạnh hơn nữa chuỗi giá trị dược liệu trên hình thức liên kết bốn nhà (Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-nhà nông), trong đó ưu tiên liên kết nhiều thành phần trong chuỗi. Nhà nước quy hoạch vùng nuôi trồng, chế biến, kho bãi, buôn bán dược liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm, có chính sách phát triển thị trường dược liệu, sản phẩm từ dược liệu.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3175/VPCP-KGVX ngày 10/5/2024 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu. Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả thực hiện Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu. Đồng thời, các Bộ trên khẩn trương rà soát, hoàn thiện trong tháng 5/2024 các quy định liên quan của Bộ, bảo đảm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sản xuất được. Trước đó, ngày 10/4/2024 , Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 35/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu. Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. |