Sau 8 tháng triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đang có khoảng 2,2 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.
Kết quả bước đầu
Tại Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" diễn ra chiều 13/12, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo eKYC, rồi mở thẻ cũng theo định danh khách hàng eKYC. Do đó khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán -NHNN: Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Một điểm nữa là từ 2015, NHNN đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác. Cụ thể là hình thức kết hợp giữa MB, Viettel, giữa Vietcombank với ví điện tử momo. Các hình thức phối hợp giữa các đại lý đã phát huy hiệu quả, vai trò hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đều nghe đến dịch vụ mobile money. Đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại.
Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng.
Đối với dịch vụ mobile money, cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money.
Về địa điểm phát triển kinh doanh của mobile money, cho đến thời điểm hiện tại, 3 đơn vị được cung cấp thí điểm có đến hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập.
Về tổng số đơn vị chấp nhận thẻ, hiện nay có đến hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Về giao dịch, tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số khoảng gần 950 tỷ đồng. Có thể nói, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Trao đổi thêm về kết quả đạt được, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital: Dự kiến hết năm nay Viettel Digital đã có 2 triệu khách hàng dùng mobile money, có hơn 60% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến hết năm, dự kiến có hơn 3.000 điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những con số này còn khiêm tốn cho với tiềm năng, đặc biệt so với khách hàng viễn thông.
Năm khó khăn, vướng mắc
Khi phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.
Thứ hai, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.
Thứ ba, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.
Thứ tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, NHNN sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ năm, vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.
Thời gian tới, NHNN sẽ đưa vào báo cáo các bộ ngành liên quan về việc triển khai thí điểm hệ thống thanh toán, cũng như triển khai hệ thống mobile money các nhà mạng được cấp phép.
Cùng về vấn đề này, ông Đinh Quang Dân, Phó ban Khách hàng cá nhân Agribank cho biết, chúng tôi có mạng lưới rộng, ngân hàng chúng tôi làm nhiệm vụ kinh doanh đem lại lợi nhuận; ngoài ra chúng tôi còn thêm một chức năng nhiệm vụ quan trọng liên quan đến an sinh xã hội. Như vậy, chúng tôi có những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa là những khách hàng chúng tôi phủ sóng nhiều nhất. Còn địa bàn thành phố, chúng tôi chịu sự cạnh tranh rất nhiều.
Ông Đinh Quang Dân, Phó ban Khách hàng cá nhân Agribank Agribank cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để khách hàng ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các tiện ích tốt nhất.
Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, về các dịch vụ, trước hết chúng tôi vẫn tiếp xúc khách hàng dưới dạng kênh quầy. Như vậy, chúng tôi lan tỏa được tới khách hàng ở xã, huyện, và đây là một trong những kênh chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất các nhu cầu. Từ những tiếp xúc ấy, chúng tôi cũng đã đưa ra những ngân hàng lưu động, từ những xe đẩy có thể chạy đến từng ngõ ngách, từng điểm để khách hàng đến đấy giao dịch được thuận tiện.
Tiếp theo nữa là hệ thống ATM của Agribank làm nhiệm vụ số hóa, đưa giao dịch đến từng khách hàng. Quan điểm là không để ai lại phía sau. Vừa rồi, về triển khai VietQR, chúng tôi tập trung cả truyền thông nữa để triển khai tại các sàn thương mại rồi các điểm giao dịch, các khu chợ. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao vùng sâu vùng xa nhu cầu thanh toán không bằng thành phố? Về bản chất, chúng ta vẫn phải lấy khách hàng làm trung tâm, họ cần thanh toán cho cái gì, từ đó cần xây dựng 1 hệ sinh thái hàng hóa và dịch vụ để cung cấp. Rất mừng là chúng ra đã triển khai, sắp tới Napas triển khai như 1 switching của quốc gia cho phép đấu nối nhà cung cấp dịch vụ gián tiếp và trực tiếp vào switching này. Trên nền tảng ấy, chúng ta mới xây dựng được hệ sinh thái để đem lại lợi ích cho khách hàng nông thôn.
Khi triển khai như vậy, Agribank quyết tâm ngoài điện tử hóa, số hóa ra, chúng tôi cũng phải làm sao thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và kết nối với các merchant để đưa các hàng hóa dịch vụ đến cho khách hàng.
Giai đoạn vừa rồi có khó khăn, khi chúng ta đưa ra Thông tư 16 để mở tài khoản eKYC. Đây chính là bước điều kiện cần để người ta có tài khoản thanh toán được. Từ điều kiện cần ấy, chúng tôi tung ra những chiến dịch để triển khai dịch vụ e-mobile, internet banking, và kết nối với các fintech như Momo, VNpay, hay triển khai rất nhiều dịch vụ với Napas và Viettel như mobile money, Viettel money, hay chi-thu hộ cho các đối tác. Chúng tôi là một trong những đơn vị đẩy sản phẩm nhanh nhất và cung cấp tiện ích nhất bằng thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Khi thực hiện cái này ở vùng sâu, vùng xa, tôi có đôi lời giãi bày. Thứ nhất, là phần tài chính số. Phần này khi chúng ta triển khai sửa đổi Thông tư 39, chúng ta vẫn phải có hành lang pháp lý để những người chứng minh được họ là nông dân là có thể tham gia vào những vùng nguyên liệu, vùng trồng cây, nuôi trồng rồi thủy hải sản để chứng minh có thu nhập, thậm chí là có doanh nghiệp sẵn sàng đứng lên bảo lãnh. Như vậy, chúng ta sẽ cung cấp dịch vụ tài chính số và khởi tạo khoản vay như thế nào để số hóa vấn đề này vì người ta cần có tiền tiêu, nạp vào ví thì phải có tiền. Chúng ta cần số hóa quá trình ấy. Đây chính là phần đem lại tiện ích và đem lại khả năng chi tiêu, ai cũng có thể trong một thời gian ngắn cần một khoản thanh khoản. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở.
Tại Agribank, năm 1998, tôi có nhớ khi triển khai đề án với Napas thì 88% người ta rất thích rút tiền mặt, nhưng đến bây giờ 88% đó chuyển sang chuyển khoản trên kênh số. Vấn đề Switching, ATM…, chúng tôi chuyển trục ngay từ những hệ thống đó, triển khai Agribank digital. Vừa rồi, chúng tôi cũng được Thủ tướng đến động viên và thăm gian hàng chúng tôi triển khai, cũng như các đối tác khách hàng đánh giá rất cao. Nghĩa là chúng tôi sẽ biến cái máy ATM tích hợp với các hệ thống bên ngoài để lấy eKYC để khách hàng có thể đến từng bốt đăng ký mở tài khoản, giao dịch được và sắp tới có thể vay tiền được. Như vậy sẽ chống được tín dụng đen, đem lợi ích cho khách hàng nhiều nhất. Đó là mục tiêu an sinh xã hội kết hợp làm ra, kiếm ra lợi nhuận để nộp vào ngân sách. Nhiệm vụ kép của chúng tôi là như vậy.
Ngoài góc độ vùng sâu, vùng xa ra, với nông nghiệp, chúng tôi còn tham gia vào phần thanh toán dịch vụ công. Đây là dịch vụ khá mới. Thực ra về sau ai cũng phải dùng dịch vụ công hết hoặc dùng dịch vụ thiết yếu. Giai đoạn trước, chúng ta đã dùng dịch vụ thiết yếu rồi như thanh toán tiền điện, nhu yếu phẩm, còn một mảng nữa là dịch vụ công. Ngân hàng Nông nghiệp là một trong những đơn vị đầu tàu để kết nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Tháng 6/2020 chúng tôi là một trong những đơn vị đã kích hoạt được hệ thống và kết nối cả qua những kênh ebank và emobile. Bên cạnh đấy, qua các ví điện tử Momo và VNPTpay. Đến bây giờ, doanh số là nhiều trăm tỷ đồng rồi.
Thứ hai, chúng tôi có đến hàng trăm nghìn giao dịch, tất cả các dịch vụ chúng ta sẽ số hóa một cách toàn diện. Đây là những gì Agribank cam kết sẽ tiếp tục để khách hàng ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các tiện ích tốt nhất của Agribank và của ngành ngân hàng.
Tiềm năng lớn từ khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Trao đổi về tiềm năng của nhóm nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây, khi chúng ta phải đối diện với đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt nói chung có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ như qua số liệu mà ông Phạm Anh Tuấn đã chia sẻ.
Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì mức chênh lệch khá nhiều. Ví dụ như vùng đồng bằng hay những khu vực phát triển về kinh tế thì tốc độ tăng cao, còn vùng sâu, vùng xa, vùng núi mức độ thấp hơn. Do đó, chúng ta cũng cần chia ra phù hợp với giai đoạn phát triển.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng trao đổi tại Tọa đàm.
Tôi thấy hiện nay người dân nông thôn sở hữu 1 tài khoản trở lên chiếm tỉ trọng rất cao so với trước đây. Còn vấn đề thanh toán thì có thể họ vẫn chưa chuộc thanh toán không dùng tiền mặt do những lo ngại, trở ngại về mặt tiếp cận với những kỹ thuật mới trong thanh toán. Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề về thời gian. Việc mở tài khoản thanh toán hay sử dụng ví thanh toán hay mobile money gần đây rất thuận lợi, dễ dàng.
Và lợi ích mang đến cho người dân thì những vùng nông thôn đều cảm nhận được, đó là tiện ích về thời gian, về tiết kiệm chi phí và đi lại vùng nông thôn vốn rất bất tiện so với khu vực thành thị. Đặc biệt, giao dịch mọi lúc mọi nơi và những điều kiện, yếu tố như mật độ sử dụng viễn thông, wifi hay mức sống cũng mang đến sự thuận tiện. Đó cũng là một tiềm năng với dân số khu vực nông thôn chiếm 68%, tương đương với khoảng 61 triệu người, trong đó 24 triệu người dùng internet và 37% tương tác với các mạng xã hội.
Tôi nghĩ là về phía các ngân hàng cũng như các thành phần tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán khác cần có sự vươn mình hơn nữa. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt
Trao đổi về giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, ông Trương Quang Việt cho biế, đầu tiên phải nói đến chuyện kết nối giữa mobile money và NAPAS là một thành công đối với dịch vụ mà chúng tôi cung cấp trên Viettel money. Khách hàng có thể dùng tài khoản money của mình chuyển khoản đến hơn 50 ngân hàng sau khi chúng tôi kết nối. Nhìn vào kết quả sau 3 tháng triển khai, có thể thấy ngay được lượng giao dịch cũng như giá trị dòng tiền đều tăng trưởng gấp đôi. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi khơi thông được dòng tiền vào tài khoản.
Còn về chuyện cung cấp dịch vụ đến người dân làm sao để mọi người có thể sử dụng hào hứng, hiểu tiện ích hơn và đặc biệt là mobile money hướng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện mô hình gọi là chợ 4.0 và đã phủ khắp 63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này.
Bên cạnh đó là tiện ích nữa, phải phủ khắp mọi nơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình chợ 4.0. Đại diện Agribank có chia sẻ là người dân vẫn có thói quen rút tiền mặt. Sẽ không thể thiếu những điểm kinh doanh hỗ trợ nạp, rút tại 63 tỉnh, thành, đặc biệt là đến huyện, xã. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng cái này để người dân khi có nhu cầu hoặc là chỉ trong bán kính nhất định thôi là có thể có chỗ cung cấp dịch vụ rồi.
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital tiềm năng cho mobile money còn rất lớn.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, chúng ta đã có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Sau đó, NHNN tiếp tục tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1813). Trong Quyết định này, đã đưa ra các phương án rất rõ để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách.
Thứ hai, nâng cấp hạ tầng thanh toán của quốc gia, đảm bảo thanh toán hiện đại và sẵn sàng kết nối liên thông với các hệ thống thanh toán khác.
Thứ ba, thúc đẩy việc triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại hơn nữa, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ tư, triển khai các giải pháp để thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ và trong khu vực hành chính công. Một điểm nữa cũng vô cùng quan trọng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh tiền tệ cũng như an ninh trong hệ thống thanh toán.
Đối với khu vực nông thôn, để thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến một số nội dung:
Thứ nhất, sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, chúng ta đã cho phép thí điểm mô hình này giữa Ngân hàng MB với Viettel, giữa Vietcombank với Momo và chúng ta đã có gần 72.000 đại lý thanh toán, tức là cũng tương đối hỗ trợ cho người dân không chỉ trong việc giao dịch điện tử hoàn toàn qua hệ thống công nghệ hiện đại mà vẫn có các điểm tiếp xúc trực tiếp để có thể thực hiện rút tiền hoặc cung ứng các dịch vụ khác.
Với nội dung đại lý thanh toán, NHNN sẽ xem xét để có khả năng tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chính thức triển khai. Đối với các vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nghĩ rằng hệ thống mobile money sẽ góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến đến tháng 11/2023, khi kết thúc thí điểm 2 năm đối với dịch vụ này, chúng tôi đang xem xét, sơ kết, tổng kết đánh giá để có thể đề xuất lên Chính phủ tiếp tục cho triển khai thí điểm để tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai chính thức việc cung cấp các dịch vụ này.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.