Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 9:16

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề nghị quy định rõ về phân loại đất

Trong Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội dành 1 ngày thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề phân loại đất được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận sôi nổi và đề nghị làm rõ, trong đó có việc xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi.

Vi phạm xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp

Luật Đất đai năm 2013 có những điều khoản quy định về đất cho trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản…, nhưng lại không có quy hoạch riêng cho đất chăn nuôi. Nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi khó khăn khi mở rộng sản xuất, do chưa có quy hoạch quy định rõ ràng, do đó, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường… khó có thể thực hiện được.

Một thực tế đang diễn ra ở các địa phương  là, các hộ gia đình chăn nuôi,  trang trại đều xây dựng công trình chăn nuôi trên đất nông nghiệp. Biết là không đúng theo quy định, nhưng không thể làm khác vì trong Luật Đất đai chưa có mục nào có nội dung quy định cho đất dùng để chăn nuôi, vì thế, các công trình này đều bị chính quyền địa phương xử lý. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng phản ánh về những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, làm khu chăn nuôi này tại các địa phương.

Công trình chăn nuôi xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Hoằng Xuyên bị tháo dỡ.

 

Gia đình ông T.V.Đ., ở xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có hơn 3.800m2 đất nông nghiệp tại cánh đồng thôn Tây Đại. Tại khu vực này, gia đình ông có khu chuồng trại chăn nuôi xây dựng kiên cố từ năm 2017 với diện tích 48,1m2. Đây là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp cần phải được tháo dỡ, giải tỏa. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Hoằng Xuyên đã tuyên truyền, vận động, gia đình ông Đ. tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, song gia đình không thực hiện. Ngày 6/4, chính quyền xã Hoằng Xuyên đã  tổ chức lực lượng ra quân tháo dỡ công trình vi phạm. Đây là 1 trong 3 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp mà UBND xã Hoằng Xuyên tổ chức giải tỏa, tháo dỡ trong tháng 3 và đầu tháng 4/2023, trong đó có công trình có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Việc xây dựng trang trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp không phải là chủ trang trại chăn nuôi ở đây không biết, nhưng biết tìm quỹ đất ở đâu khi trong các quy định của pháp luật không có, ngay cả chính quyền khi xây dựng quy hoạch cũng chỉ có quy hoạch đất nông nghiệp theo những quy định trong Luật Đất đai.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Năm 2015, khi thực hiện chính sách về dồn điền đổi thửa, định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư; chăn nuôi an toàn sinh học và chủ trương sản xuất giống để có hiệu quả kinh tế, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc công ty, đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 40 tỷ đồng mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm xa khu dân cư.

Hiện nay, diện tích đất được công ty xây dựng hệ thống chăn nuôi gà khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật để không làm ảnh hưởng môi trường lại đang là đất nông nghiệp. Theo quy định của pháp luật thì toàn bộ khu vực chăn nuôi này lại không được phép xây dựng. Đây thực sự là khó khăn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.

Phân loại đất phải phù hợp thực tiễn

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho biết, Luật Đất đai 2013 hiện phân loại nhóm đất nông nghiệp gồm 8 loại mà không có mục riêng về đất chăn nuôi, chỉ có đất xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm và vật nuôi khác. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào dự thảo Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì trong hoạt động chăn nuôi đất không chỉ cần dành cho xây dựng chuồng trại mà còn để xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến và các công trình phụ trợ khác. Nếu không được luật hóa đối với loại đất này, vô hình chung chúng ta đã coi nhẹ đất dành cho chăn nuôi trong quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, dẫn đến giảm vai trò của một ngành kinh tế hết sức quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng.

Để phù hợp hơn, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị, tại điểm d, khoản 1, Điều 10, dự thảo Luật không ghi là “đất chăn nuôi tập trung” mà chỉ cần ghi “đất chăn nuôi” để có nội hàm bao quát hơn, phù hợp với thực tế hơn.

Nhiều đại biểu còn cho ý kiến đề nghị chỉnh sửa lại Điều 10 dự thảo Luật quy định về phân loại đất thành 3 nhóm đất căn cứ vào mục đích sử dụng. Theo đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long), với dự thảo tại Điều 10 này, không xác định được chính xác đất nông thôn hay đất đô thị và đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn không được quy định là một loại đất cụ thể, không thuộc hệ thống số liệu thống kê, kiểm kê đất đai. Điều này dẫn đến công tác thống kê hằng năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu Bình đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa Điều 10 theo hướng bổ sung loại đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn trong nhóm đất phi nông nghiệp để tương thích với pháp luật về xây dựng và pháp luật quy hoạch đô thị.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nông nghiệp và đất lúa. Theo đại biểu, cần có sự phân loại phù hợp với thực tiễn. Đất lâm nghiệp hiện có 16 triệu hecta, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên cả nước, đại biểu Thành đề nghị không nên gộp đất lâm nghiệp vào đất nông nghiệp vì bản chất của hai loại đất là khác nhau và đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đại biểu Thành đề nghị tách đất lúa và đất trồng cây hàng năm thành 2 mục riêng, vì tính chất quan trọng của đất trồng lúa trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia và có sự khác biệt giữa cây trồng hàng năm là cây màu sinh thái cạn và cây lúa sinh thái nước.

Về nhóm đất phi nông nghiệp, đại biểu  Thành nêu ý kiến, đất phi nông nghiệp không chỉ là đất ở, mà còn là đất dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng không gian nông thôn. Tương tự với đô thị, không chỉ là đất ở đô thị mà đất quy hoạch không gian xây dựng đô thị, đất ở chỉ là một phần trong đó. Đất đô thị và đất nông thôn gắn liền với đất hạ tầng và đất dân cư. Do vậy, cần bổ sung khái niệm về phân loại đất và phân loại đất đô thị, đất nông thôn để phù hợp với tính chất quản lý hành chính hiện nay.

Theo Công văn của ba hiệp hội ngành chăn nuôi: “Nếu không có quy định rõ ràng, thì trên thực tế các địa phương và ngành chăn nuôi sẽ không thể xử lý được những bất cập về đất đai, mặt bằng cho nhu cầu xây dựng chuồng trại, mở rộng sản xuất và hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường...”.

Tháng 4/2023, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp Hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi cho phù hợp với thực tiễn…

Theo đại diện 3 hiệp hội, hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đại diện 3 hiệp hội cho biết, quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi (bao gồm: khu dân cư, nội thành, nội thị, khu công cộng, du lịch... theo quy định của Luật Chăn nuôi), hạn cuối cùng phải thực thi là ngày 01/01/2025 là rất lớn, đây đang được xem là “cuộc đại di dời trong sản xuất nông nghiệp” của nước ta.

Việc đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các Hiệp Hội vào dự thảo Luật Đất đai về bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào dự thảo Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì trong hoạt động chăn nuôi, đất không chỉ cần dành cho xây dựng chuồng trại mà còn để xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến và các công trình phụ trợ khác.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top