Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 7 năm 2022 | 21:39

"Khắc phục tình trạng rút hoặc lùi thời gian trình văn bản pháp luật"

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó, tập hợp, đề xuất sửa đổi.

 

ttgg.jpg

Ngày 26/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 để xem xét 4 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng luật và 1 nghị quyết của Chính phủ.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo các dự án luật, nghị quyết; cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra; đồng thời dành thời gian thảo luận về những vấn đề các dự án luật, nghị quyết gồm: Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự án Luật phòng thủ dân sự; Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Dân số; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối.

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm sự cần thiết xây dựng các dự án luật, nghị quyết; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; những vướng mắc, cá nhân hay bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm; phạm vi, đối tượng mà luật, nghị quyết điều chỉnh; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật... trên quan điểm ban hành luật, nghị quyết không chỉ để lấp khoảng trống pháp lý, tăng cường quản lý mà còn tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ quan trọng này và thường xuyên tổ chức các phiên họp xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thông qua rà soát văn bản pháp luật và thực tiễn để tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, phục vụ quản lý, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng văn bản pháp luật; quan tâm đến nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt, tổ chức thực thi pháp luật nghiêm túc, hiệu quả, đồng thời tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kịp thời khi phát hiện phát hiện những bất cập.

“Trong quá trình phát triển, có những tồn đọng, những khoảng trống về pháp lý hoặc đã có quy định song không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó chúng ta phải xem xét xây dựng các quy định phù hợp với thực tế, đặc biệt xem xét vấn đề vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau khi các thành viên Chỉnh phủ thảo luận, cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu về từng nội dung dự thảo luật, nghị quyết. Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự thảo, hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết để Chính phủ trình Quốc hội.

 

'Khac phuc tinh trang rut hoac lui thoi gian trinh van ban phap luat' hinh anh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
 

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau phiên họp này, Chính phủ cơ bản hoàn thành các nội dung xây dựng các luật, nghị quyết theo chương trình đề ra. Đây là nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, thông qua các hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương; khẩn trương chuẩn bị, trình các dự án luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các tờ trình ngày càng hoàn thiện hơn; các vấn đề khó, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau cũng được nêu để cho ý kiến chất lượng hơn.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan tích cực hơn, nâng cao vai trò của người lãnh đạo và tập hợp trí tuệ chung của các bộ, ngành. Nhờ đó, khi trình Thường trực Chính phủ họp sẽ mất ít thời gian hơn, không phải kéo dài, thảo luận đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm, trọng điểm. Các bộ, ngành cũng chủ động xin ý kiến các cơ quan liên quan, trao đổi  thẳng thắn; cầu thị, tiếp thu các ý kiến xác đáng.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần tiếp tục các công việc, tổ chức phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8, tháng 9 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

“Chúng ta phải chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội, phải làm các nghị định; vừa phải xây dựng luật mới, vừa phải hoàn thiện các luật đã được ban hành; tiếp tục rà soát vướng mắc từ thực tiễn để sửa các quy định của pháp luật. Cái gì thuộc thẩm quyền của các bộ thì bộ phải chủ động, vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì các bộ phải tập hợp sớm để tổ chức thực hiện,” Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó, tập hợp, đề xuất sửa đổi. Các thông tư của bộ, đề nghị các bộ trưởng tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương ban hành phù hợp tình hình.

“Sau khi ban hành thì tình hình có những diễn biến mới, cho nên chúng ta phải kịp thời sửa đổi phù hợp tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phối hợp với các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội để thẩm định, rà soát, tiếp thu đóng góp của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục tình trạng rút hoặc lùi thời gian trình các văn bản pháp luật; cố gắng không “xin lùi, xin rút.”

Bên cạnh đó, tăng cường lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, phân tích tác động, huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng có liên quan để có tính phản biện cao, theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Theo Thủ tướng, sắp tới có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), được đánh giá là “nặng” nhất, có nhiều vấn đề phải tranh luận. Do đó, chúng ta phải đầu tư công sức, khẩn trương theo quy trình, quy định của pháp luật, lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, nhất là các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, nhân dân theo đúng quy định bởi luật này liên quan nhiều luật khác.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tiến độ các văn bản, nếu có vấn đề gì phải báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền. Các luật đã giao các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực; các bộ, ngành chủ động báo cáo các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực của mình. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác này, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật./.

 

 

TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top