Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 20:12

Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng

Ngày 24/8, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức tọa đàm: “Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng”.

Theo Cục Kiểm lâm, năm 2022, cả nước có hơn 15,8 triệu ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng; trong đó, diện tích đất có rừng hơn 14,7 triệu ha. Từ 31/12/2020 đến 31/12/2022, diện tích rừng tăng 112.860 ha, tăng do công tác phát triển rừng trồng. Tuy nhiên, tổng diện tích rừng tự nhiên giảm 6.257 ha, do cháy rừng, phá rừng, khai thác trái phép để chuyển sang canh tác nông nghiệp và trồng các loại cây công nghiệp trong đó có cà phê.

Toàn cảnh toạ đàm

Tại toạ đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan yêu cầu quy định mới của EU về sản phẩm cà phê không gây mất rừng (EUDR); thực trạng xâm lấn tài nguyên rừng do sản xuất nông nghiệp và cà phê cũng như các biện pháp quản lý rừng…

Tại đây, các đại biểu cũng đã trình bày, trao đổi, thảo luận, tư vấn và giải đáp về các giải pháp về sản xuất cà phê không gây mất rừng như nâng cao năng lực, khuyến nông cộng đồng, truyền thông, hợp tác công tư…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích canh tác cà phê cả nước khoảng 710.600 ha, trải rộng trên 20 tỉnh, trong đó diện tích cho thu hoạch là 653.200 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1,845 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD.

Đại diện Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững IDH của Hà Lan cho biết, từ sau ngày 30/12/2020, sản phẩm cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng của Việt Nam không được thông quan sang thị trường châu Âu. Để chứng minh cà phê sản xuất không gây mất rừng phải có định vị, truy xuất nguồn gốc đến từng khu vườn, báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để có biện pháp quản lý rừng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị; vai trò, tầm quan trọng của rừng. Tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng. Xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chính sách đầu tư, thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư vào lâm nghiệp, quản lý rừng tự nhiên; cơ chế chính sách kinh tế bảo đảm thu lại đầy đủ các giá trị do rừng tạo ra và đang cung cấp cho xã hội để tạo nguồn tài chính ổn định, bền vững nhằm tái đầu tư cho ngành lâm nghiệp, giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đồng thời hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm quy hoạch: Rừng được quản lý bền vững cả về chất lượng và số lượng…

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top