Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024 | 8:15

Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

Cầu mong trời mưa 

Đang kéo ống nước bơm nước cho 1ha mía của gia đình tại thôn Mặc Hàn (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà), anh Nguyễn Văn Bảo lau vội mồ hôi túa đầy trán cho biết, đến thời điểm này mực nước ở các con suối đã khô cạn. Hiện tại, chỗ sâu nhất của hồ chưa đến đầu gối. Nếu khoảng 1 tháng tới nữa không có mưa, nước suối sẽ cạn đáy, không biết tìm nước ở đâu, nguy cơ mía sẽ cháy lá dẫn đến giảm năng suất.

Hạn hán người dân tìm nguồn nước tưới cho cây mía.

Cách đó không xa, anh Lý Văn Hải đang loay hoay đặt máy bơm nước lên xe máy, chia sẻ: Anh và người anh họ ở Bình Định vô đây thuê gần 1ha đất của người dân để trồng dưa hấu. Lúc đầu đi khảo sát nơi này có con suối có nước rất thuận lợi để tưới cây. Tuy nhiên, khi dưa đang thời điểm đẻ nhánh, phát triển thì nắng ngày càng gắt gao, khiến lượng nước suối ngày càng cạn kiệt. Hiện, đã đến thời điểm tưới nhưng lượng nước lại cạn, bơm không được; trong khi việc đi tìm nguồn nước khác cũng vô cùng khó khăn. 

“Giờ đây tôi chỉ cầu mong trời mưa để cứu lấy gần 1ha dưa hấu. Không tưới đủ nước cho cây đợt này, tỷ lệ đậu quả sẽ rất thấp. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ xung quanh đây cũng như đang ngồi trên đống lửa khi không có nước tưới cho cây mía. Chúng tôi đang đau đầu tìm giải pháp cứu cây trồng trong mùa hạn này. Nếu hạn hán kéo dài, anh em tôi đành chấp nhận bỏ đám dưa này về quê kiếm việc khác làm”, anh Hải lo lắng nói.

Tăng cường các biện pháp chống hạn 

Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Yên vừa có công điện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh.


Bơm nước chống hạn ở huyện Sơn Hòa.

Theo đó, UBND tỉnh này yêu cầu các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt từ nay đến cuối vụ hè thu năm 2024; cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.

Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam thường xuyên theo dõi quan trắc mực nước các hồ chứa, tính toán, cân đối điều tiết nguồn nước tưới đảm bảo, phù hợp theo từng thời điểm dùng nước. Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn quản lý.

Các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp, không để thiếu nước sinh hoạt. Trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, xu thế nhiệt độ tiếp tục tăng dần và hiện tượng ENSO duy trì, nghiêng về pha nóng, có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,50C (từ tháng 6-8). Đây cũng là giai đoạn nắng nóng cao điểm xảy ra trên toàn tỉnh. Cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt; lượng mưa các nơi trong tỉnh xấp xỉ, đến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-30%; nguy cơ cao hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở các khu vực vùng núi, ven biển và cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top