Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 9:53

Lâm Bình hái quả ngọt từ phát triển du lịch

Phát triển du lịch là một trong 2 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của Nhân dân, đến nay, du lịch Lâm Bình có nhiều khởi sắc, từng bước khẳng định mình, nhiều hộ làm du lịch đã có thu nhập ổn định.

Ngành kinh tế quan trọng

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, cho biết, Nghị quyết lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện xác định, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong hai khâu đột phá. Căn cứ vào Nghị quyết, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, sản phẩm đặc trưng.

Hiện, thôn Nà Tông có 15 hộ làm du lịch, cùng với các nhóm sở thích liên kết phục vụ các hộ làm homestay, chia sẻ lợi ích.

Huyện giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đoàn thể thực hiện tuyên truyền để các hộ gia đình trong điểm du lịch cộng đồng chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, vệ sinh môi trường, đặc biệt là giữ gìn không gian cảnh quan hiện có. Cùng với việc giữ gìn cảnh quan, các hộ tự đầu tư, Lâm Bình đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch. Trong tháng 7/2023, huyện phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn về pha chế đồ uống, chế biến các món buffet, chỉnh trang buồng, phòng, kỹ năng giao tiếp với số lượng hơn 100 học viên là các cơ sở lưu trú homestay, nhà hàng, đảm bảo các điều kiện khi khách có yêu cầu.

Nhiều đội văn nghệ và câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được thành lập tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các cơ sở homestay.

Cùng với đó, Lâm Bình đã kết nối trên 200 công ty du lịch, chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tổ chức, địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Kết quả, trên địa bàn hiện có 56 homestay; lượng khách du lịch đến Lâm Bình ngày càng tăng, năm 2022, huyện đón 146.000 lượt khách. Năm 2023, theo kế hoạch, sẽ thu hút 151.000 lượt khách, đến hết tháng 6, có khoảng 82.000 lượt khách tới tham quan, du lịch.

Thượng Lâm được xem là điểm sáng trong phát triển du lịch của huyện Lâm Bình. Ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm, cho biết, phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đầu nhiệm kỳ, xã có 4 homestay, đến nay đã có 21 homestay, hiện có 7 nhà đang tiếp tục phát triển theo du lịch cộng đồng.

Cùng với các lớp tập huấn do huyện tổ chức, xã đã tạo điều kiện cho các gia đình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Lãnh đạo xã phối hợp với các hộ chỉnh trang nhà cửa, trang trí nội thất, cổng, vườn, các điểm check in. Đặc biệt, huyện quan tâm mở các lớp tập huấn về nấu ăn cho các hộ làm du lịch.

Thôn Nà Tông (Thượng Lâm) là một trong những điểm du lịch được xem là phát triển đầu tiên của Lâm Bình. Theo định hướng của huyện, các hộ gia đình đã chỉnh trang nhà cửa, đầu tư trang thiết bị để đón khách du lịch. Đến nay, điểm đã có 15 hộ gia đình làm homestay. So với các điểm trên địa bàn huyện thì Nà Tông đón lượng khách đông nhất. Các dịch vụ ở đây cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Khách đến với Nà Tông cảm nhận được sự ấn tượng trong ứng xử, giao tiếp, trải nghiệm văn hóa, môi trường cảnh quan.

Làng văn hóa du lịch Nà Tông (Lâm Bình) là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC.

Nổi bật nhất ở Nà Tông là nét văn hóa dân tộc Tày còn giữ được nguyên vẹn. Ở đây không riêng gì các hộ làm homestay mà nhiều gia đình khác vẫn giữ gìn được không gian, cảnh quan, nét truyền thống của dân tộc mình.

Về định hướng phát triển, ông Cao Văn Minh cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ nâng cao dịch vụ để khách đến Lâm Bình tập trung trải nghiệm các văn hóa truyền thống, trải nghiệm môi trường sinh thái, thác nước, hang động, check in rừng nguyên sinh… Xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; tập trung bảo tồn, di trì các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Người dân được hưởng lợi

Ông Khâm cho biết thêm, thực hiện cuộc chuyển đổi số, các hộ làm homestay quảng bá trên các trang cá nhân và trên cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang. Sở cũng đã xây dựng trang riêng về du lịch, các tổ chức, cá nhân làm du lịch trên địa bàn  sẽ quảng bá trên trang này. Đến thời điểm hiện tại, 80% lượng khách đến với Nà Tông nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung thông qua môi trường mạng. Các hộ làm homestay đã dùng mạng xã hội để quảng bá, giao dịch với khách hàng. Tháng 5 vừa qua, làng văn hóa du lịch Nà Tông  là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC.

Đến nay, gia đình anh Tọng đã đầu tư gần 2 tỷ đồng phục vụ cho phát triển du lịch homestay.

Từ phát triển du lịch mà nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Anh Hoàng Văn Tọng, chủ homestay Hoàng Tuấn, Giám đốc HTX Hoàng Tuấn (thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm), cho biết, gia đình bắt đầu làm du lịch từ năm 2014. Trong quá trình thực hiện, gia đình được chính quyền hỗ trợ chỉnh trang nhà cửa, nhà vệ sinh, chăn ga, màn, đệm, hỗ trợ tập huấn về kỹ năng làm du lịch. Hiện, gia đình có thể đón 60 khách/ngày. Ngày đông lên tới 100-200 khách, lúc đó gia đình chia sẻ khách sang các gia đình bên cạnh. Từ đầu năm đến nay, trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng. Những ngày đông khách, gia đình thuê 7-8 người trong thôn tới phụ giúp, với ngày công 300.000 đồng/người.

Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm chủ yếu sử dụng các nền tảng số để trao đổi, phục vụ khách du lịch.

Tâm sự với phóng viên, anh Hỏa Văn Phủ, chủ homestay A Phủ (thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm) cho biết, khi khách đến với gia đình, sẽ được ngủ nghỉ ở nhà sàn, tắm lá thuốc, ngâm chân, trải nghiệm giã bánh dày, ăn các món ẩm thực đặc trưng của người dân địa phương, tham gia dệt thổ cẩm, tham quan các điểm lòng hồ, cánh đồng vàng Thượng Lâm, các di tích... Trừ chi phí, trung bình mỗi người có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.

Ông Khâm cho biết, hiệu quả thu được mang tính cộng đồng, bền vững. Các hộ phát triển du lịch, như ở thôn Nà Tông có 15 hộ, xã thành lập các nhóm sở thích như: trồng trọt, chăn nuôi, làm các hàng thủ công, thổ cẩm…, liên kết phục vụ các hộ làm homestay, chia sẻ lợi ích. Hiện, xã thành lập 6 nhóm cùng sở thích, tạo điều kiện cho các hộ này tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư làm du lịch.

“Ngoài thu nhập riêng của 21 hộ gia đình, còn có thu nhập cho các hộ cung cấp dịch vụ cho các homestay. Khi khách đến trải nghiệm, có tổ chức văn nghệ, có nguồn thu cho đội văn nghệ 1-2 triệu đồng/đêm. Doanh thu của mỗi homestay trung bình 40-50 triệu đồng/tháng. Giải quyết việc làm cho 25% lao động trong thôn, thu nhập 2-5 triệu đồng/người/tháng”, ông Khâm cho biết thêm.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top