Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 1 năm 2023 | 8:0

Lâm Bình phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Nhân dịp đón Xuân mới Quý Mão - 2023, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) về phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện” là khâu đột phá. Xin ông cho biết kết quả đạt được sau hai năm triển khai?

Xác định du lịch là 1 trong 2 khâu đột phá, hai năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, trong đó sắp xếp các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm), tổ dân phố Nặm Đíp (thị trấn Lăng Can).

UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, kế hoạch của cấp ủy; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch. Huy động vốn, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch tập trung tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Sơn, thị trấn Lăng Can và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Lập hồ sơ, trình tỉnh công nhận điểm du lịch thôn Bản Biến (Phúc Sơn). Đến nay, huyện có 5 điểm được công nhận điểm du lịch cộng đồng.

Lễ nhảy lửa (Hồng Quang) của đồng bào dân tộc Pà Thẻn luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự.

Lâm Bình đã triển khai các giải pháp để khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; duy trì lễ hội truyền thống của các dân tộc; vận động nhân dân mặc trang phục dân tộc; tổ chức hội diễn các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian; tư liệu hóa dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, các bài thuốc của các dân tộc...

Khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ du lịch, các sản phẩm hàng lưu niệm; triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng; thuyền vận chuyển khách du lịch; các sản phẩm quà lưu niệm,... Phát triển một số sản phẩm du lịch mới, xây dựng điểm check in, điểm dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm... Mở 2 lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cho 60 học viên, tổ chức cho học viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Lai Châu...

Đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng homestay tại thị trấn Lăng Can, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Lâm Bình đang phát triển du lịch đúng hướng, không phá vỡ cảnh quan tự nhiên, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Xin ông cho biết rõ hơn kết quả Lâm Bình  làm được theo nhận xét, đánh giá của Bộ trưởng?

Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, Lâm Bình đã và đang xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, huyện triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) với gần 50 hộ tham gia. Đặc biệt, mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông (Thượng Lâm), thôn Nặm Đíp (Lăng Can) đã thu hút khách đến với Lâm Bình ngày một đông.

Thời gian qua, Lâm Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống đến đông đảo các thế hệ học sinh các cấp.

Gắn với phát triển du lịch, huyện tập trung vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, hiện tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%. Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, trọng tâm là thực hiện cuộc vận động “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải nhựa”, tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế tiến tới không dùng thuốc diệt cỏ. Tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, khuyến khích nhân dân giữ gìn và phát triển mô hình nhà truyền thống của các dân tộc…

Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tập trung hỗ trợ cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình homestay trong việc nâng cao kỹ năng, tay nghề, kiến thức về du lịch, để họ “sống được với du lịch” qua đó có động lực để tiếp tục phát triển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhận định, Lâm Bình là vùng sâu, vùng xa, hãy bỏ tư tưởng vùng sâu, vùng xa đi, nói vùng sâu, vùng xa biết đâu cái đó lại là lợi thế của mình. Xin ông cho biết rõ hơn về lợi thế trong du lịch mà Bộ trưởng nhắc tới?

Lâm Bình là huyện trẻ và còn nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh đó, huyện cũng xác định có những lợi thế nhất định để phát triển du lịch, đó là môi trường, cảnh quan, là những nét văn hóa độc đáo, ẩm thực đặc trưng, con người hiền hòa, thân thiện, thật thà.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Ảnh: Quang Minh

Địa hình tuy bị chia cắt bởi các dãy núi nhưng nó lại tạo nên những cảnh sắc vô cùng tươi đẹp, hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, soi bóng xuống mặt hồ Tuyên Quang với hệ sinh thái đa dạng, nhiều động - thực vật quý hiếm, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp, với Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn. Đặc biệt, huyện có một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ có vẻ đẹp kỳ vĩ.

Cùng với các danh lam, thắng cảnh, Lâm Bình còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh.

Ngoài ra, Lâm Bình còn có lợi thế về văn hóa, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và vẫn được giữ gìn. Văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo hết sức lý thú và hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm, món ăn đặc sản được du khách yêu thích như: mật ong, nấm hương rừng, chè Khau mút, rượu ngô, thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá chua…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, ngày xưa muốn phát triển kinh tế phải có vốn mới làm được, vốn người ta nghĩ là tiền. Nhưng ngày nay, người ta phát hiện ra một điều, vốn đó rất là hữu hạn, còn vốn vô hạn là văn hoá của địa phương. Nhưng vốn văn hoá, vốn xã hội là vô hình thì nó là vô hạn, khai thác hoài nó còn hoài, người đi trước khai thác rồi, người đi sau làm cho nó có giá trị cao hơn. Ông có thể cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vốn văn hóa đặc sắc của huyện, cũng như việc khai thác, bảo tồn vốn văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian qua?

Như đã nói ở trên, văn hóa là một trong những lợi thế rất quan trọng của Lâm Bình để phát triển du lịch, việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống được xác định là yếu tố rất quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Do vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch được huyện tập trung thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Thời gian qua, huyện đã tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và trở thành hoạt động văn hóa thường niên; người dân được tuyên truyền mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết, trong đó tập trung vào học sinh từ mầm non tới THPT.

Cùng với khôi phục, phát triển, Lâm Bình từng bước đưa văn hóa thành các sản phẩm phục vụ du lịch. Các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, những hoạt động trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng, những bộ trang phục, khăn tay, chăn thổ cẩm, những món ăn… đã và đang dần trở thành sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách.

Có thể khẳng định, văn hóa là nguồn vốn vô tận, là sản phẩm du lịch đặc trưng; việc khôi phục và phát triển văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển con người Lâm Bình “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thân thiện, sống có nghĩa, có tình”.

Trân trọng cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Bình đạt nhiều thành tích trong năm 2023.

 

Hoàng Văn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top