Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023 | 15:19

Lào Cai chung sức xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Với đặc thù vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và người dân, Lào Cai đã có được nhiều thành quả đáng ghi nhận: 398 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1%; cơ bản đủ nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở học sinh bán trú; xây dựng cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp.

Hạnh phúc ngày tựu trường

Những ngày đầu năm học 2023-2034, trên khắp mọi thôn bản của xã Tân Tiến (Bảo Yên), bà con các dân tộc háo hức đưa con em đến trường khác hẳn mọi năm. Hơn 700 học sinh cụm trường xã Tân Tiến cùng các thầy, cô gồm bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nô nức tham gia Lễ khai giảng năm học mới và đón bằng công nhận Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Tân Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên, nằm cách trung tâm huyện 40km, địa hình đồi núi hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông -lâm nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Trường Mầm non Tân Tiến hôm nay.

Trường Mầm non Tân Tiến được thành lập năm 2007 trên cơ sở tách ra từ các trường liên cấp xã Tân Tiến. Những năm đầu, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn: 100% phòng học tạm, học nhờ nhà dân; hơn 80% đội ngũ là giáo viên nông thôn chưa qua đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn; tỷ lệ học sinh ra lớp thấp. Đường giao thông không thuận lợi ảnh hưởng lớn đến việc huy động trẻ đến trường.

Nhớ lại vài năm trước, cô Phùng Thị Trại, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến, chia sẻ: “Chúng tôi vốn có một trường chính và 5 điểm trường lẻ, học sinh chủ yếu là con em của bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, học tập trong điều kiện tường  bong tróc, mái proximăng xuống cấp, trần nhựa bục, thủng. Có những điểm trường muốn lên học phải đi nhờ qua gầm nhà sàn của người dân, mà thói quen buộc trâu, bò khiến cho khu vực này vô cùng mất vệ sinh. Thầy cô không ai quên được con đường ở điểm Trường Nậm Bắt vào những ngày mưa, bùn ngập bánh xe, phải nhờ người dân hò nhau đẩy xe giúp mới lên được đến nơi và thường xuyên phải ngủ lại. Chế độ ăn của trẻ cũng chỉ có duy nhất nguồn tiền hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/cháu (chưa đến 10.000 đồng/ngày/cháu)”.

Được UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 tháng 01/2023, là sự ghi nhận nỗ lực của nhà trường, cả hệ thống chính trị xã Tân Tiến. Đảng bộ xã Tân Tiến xác định việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị gắn với nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính quyền địa phương đã tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đặc biệt giải pháp tuyên truyền, vận động công tác xã hội hóa giáo dục với việc huy động trên 1.000 ngày công lao động, tiền mặt, vật liệu, hiện vật..., ước tính trên 700 triệu đồng, để xây mới lớp học, sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy, học của nhà trường.

Bước vào năm học mới này, học sinh đã được học trong  ngôi trường kiên cố, khang trang, có đầy đủ các khu chức năng: phát triển thể chất, góc bản sắc dân tộc cho trẻ trải nghiệm, góc thư viện, khu bé chơi với thiên nhiên...

Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ 0-2 tuổi trước chỉ huy động được 30% thì nay tăng lên 32,5%. Bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ cũng chất lượng hơn khi người dân hỗ trợ  5.000-7.000 đồng/ngày/phụ huynh. Việc đến trường mỗi ngày đã trở thành niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào của học sinh và người dân khi đây còn là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn xã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiệm vụ trọng tâm

Đặc thù của ngành Giáo dục vùng cao Lào Cai là nhiều thành phần dân tộc, sinh sống trên nhiều địa hình khác nhau nên toàn tỉnh còn nhiều điểm trường lẻ khiến cho việc đầu tư cơ sở vật chất manh mún, không tập trung.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đi thăm các trường học trên địa bàn.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bảo Yên, cho biết: “Giai đoạn 2015-2020, huyện có 165 điểm trường lẻ, nay cố gắng sáp nhập về điểm trường chính; một số điểm ghép với nhau (mầm non và tiểu học) còn 85 điểm, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc liên thông các cấp học được đồng bộ. Tuy nhiên, các điểm trường lẻ vẫn cần thiết được duy trì bởi có những điểm xa hơn 10 km, các cháu mầm non đi học không thể đi quá xa. Năm 2020, tỉnh có quy hoạch huyện Bảo Yên về đích NTM vào năm 2025. Chúng tôi đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch để tham mưu cho huyện, tỉnh kế hoạch cho từng tháng, từng năm để có lộ trình đầu tư xây dựng đưa các trường học trong huyện lên chuẩn quốc gia cho phù hợp và hiệu quả nhất, đảm bảo đúng lộ trình xây dựng NTM”.

Lào Cai hiện có 610 cơ sở giáo dục với 234.000 trẻ em mầm non, học sinh; 9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT, 138 trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong đó, có 398 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1%; cơ bản đủ nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở HS bán trú, cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp, môi trường giáo dục tốt...

Tuy nhiên, khó khăn nhất cho ngành Giáo dục hiện nay là trên địa bàn tỉnh còn đến 1.213 điểm trường lẻ. Toàn tỉnh thiếu 1.451 biên chế giáo viên, rất khó khăn cho các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, cho biết: “Việc chú trọng đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành. Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp như: Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày  27/8/2015, Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 06/10/2022; Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh...; tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên....

Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục của địa phương theo phân cấp quản lý; thường xuyên rà soát, dự báo kịp thời quy mô phát triển giáo dục để phát triển hệ thống trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên để động viên, chia sẻ khó khăn, yên tâm công tác; thực hiện tốt phong trào phòng giúp phòng, trường giúp trường.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển hệ thông các trường ngoài công lập; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Đặc biệt là, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top