Với năng suất hơn 25.000 hoa và 28 tạ hạt trên 1ha trồng, sen hồng cao sản ở Thừa Thiên - Huế đã mang lại thu nhập cho người dân hơn 55 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa.
Hiện, Thừa Thiên - Huế đang thực hiện đề án mở rộng diện tích trồng sen đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trồng sen mang lại kinh tế cao
Sen hiện là sản phẩm được Thừa Thiên - Huế quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen Huế được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng. Bên cạnh các giống sen cao sản để lấy hạt, hiện nay nhu cầu của thị trường cần có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen phục vụ cho ẩm thực và du lịch như nón lá sen, trà hoa sen, củ sen.
Mô hình trồng các giống sen triển vọng ở Huế mang lại thu nhập cao cho người dân.
Để tạo điều kiện cho người trồng có cơ hội lựa chọn giống sen đáp ứng được yêu cầu của thị trường và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai mô hình trồng các giống sen có triển vọng với diện tích 5ha. Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã nông nghiệp Điền Lộc (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) và Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Tân (xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy). Các giống sen được đưa vào trồng gồm nhóm lấy hoa, lá gồm có giống sen Gia Long và sen Trắng (giống sen ở Huế) và nhóm lấy hạt có các giống sen hồng cao sản.
“Các hộ trồng sen trong vùng hằng năm thường không chủ động nguồn giống, chủ yếu là mua từ các vùng khác, giống sen đưa vào trồng nhiều chủng loại, không rõ nguồn gốc do đó năng suất, chất lượng sen không đồng đều, dễ nhiễm sâu bệnh. Tham gia mô hình và trồng 1,5 ha sen hồng cao sản, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ giống, vật tư, chúng tôi chăm sóc sen đúng yêu cầu kỹ thuật nên năng suất sen lấy hạt gia đình năm nay đạt khá cao. Sen trồng không nhiễm bệnh, hạt sen to hơn so với các hộ trồng khác trong vùng, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn nhiều”, ông Hồ Văn Thức, một trong những hộ tham gia mô hình trồng sen tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền cho biết.
Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, sau thời gian trồng, các giống sen đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh. Hoa của giống sen Gia Long và sen Trắng được đánh giá mặt cảm quan đẹp, bông to, màu hoa đều, hương thơm và thời gian hoa nở đến tàn kéo dài hơn giống cao sản, phù hợp để cung cấp hoa và lá; năng suất đạt được trên 25.000 hoa/ha, bên cạnh đó còn cho thu hoạch hạt và củ vào cuối vụ. Các giống sen hồng cao sản cho năng suất hạt trung bình 28 tạ/ha, chất lượng tốt, giá hoa 3.500 đồng/bông, giá sen hạt 30.000 đồng/kg, thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần so với trồng lúa.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế định hướng, tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng sen thông qua các hoạt động như: Tập huấn cho các hộ nông dân kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen, hỗ trợ các hộ trồng, sản xuất sen theo chuỗi liên kết; đa dạng hóa sản phẩm từ cây sen đồng thời xây dựng các mô hình phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh gây hại trên các vùng trồng sen ở các địa phương, góp phần đưa sen Huế thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Mở rộng diện tích
Những năm qua, nhờ những chính sách khuyến nông, người dân tại nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trũng bỏ hoang sang trồng sen với tổng diện tích khoảng 650ha. Cây sen đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, nhờ đó, người nông dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Cây sen đang được Thừa Thiên- Huế quan tâm xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Trong đó, huyện Phong Điền mở rộng diện tích trồng sen hiện đạt khoảng 355ha, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, thị trấn Phong Điền... Còn tại huyện Quảng Điền, hiện có khoảng 60ha trồng sen với hơn 200 hộ nông dân tham gia. Diện tích trồng sen tập trung ở thị trấn Sịa, các xã Quảng Vinh, Quảng Lợi và Quảng An. Huyện Quảng Điền phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có diện tích trồng sen lấy hạt đạt 130 ha…
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sen, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có kế hoạch phát triển trồng sen trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745ha, trong đó Sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, Sen địa phương (Sen Huế) từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm. Giống Sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống Sen truyền thống của Huế (Sen trắng Tịnh Tâm) và Sen hồng cao sản, trồng để lấy hạt, bông.
UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối trên thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, các điểm du lịch… làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm sen của địa phương.
Ẩm thực sen là đặc sản thu hút khách du lịch ở cố đô Huế.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng triển khai các giải pháp như đào tạo, tập huấn cho các hộ nông dân nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen. Tỉnh sẽ chú trọng các hoạt động nghiên cứu khoa học để xác định biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao nhất đối với các đối tượng dịch hại đang phát sinh gây hại trên các vùng trồng sen ở các địa phương; tuyển chọn giống sen có năng suất, chất lượng để trồng sẽ được ưu tiên.
Thừa Thiên- Huế đang và sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai để mở rộng diện tích trồng sen đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.