Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 10 năm 2023 | 9:31

Mùa hoa bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn

Cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những cơn gió mùa Đông Bắc bắt đầu tràn về vùng cao nguyên đá Đồng Văn, những nụ hoa bạc hà nở tím ngắt, trải dài trên các triền núi, báo hiệu mùa mật ong bạc hà vào vụ…

Vào mùa mật ong bạc hà

Tháng 10, những bông hoa bạc hà bắt đầu nở rộ. Những người nuôi ong bắt đầu cho hành trình du mục tìm kiếm mật ngọt. Những đàn ong vẫn đang tiếp tục mở rộng. Diện tích hoa bạc hà cũng được duy trì. Mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn bước vào một vụ mới.

Tại 4 huyện vùng cao nguyên đá, cây bạc hà chỉ mọc và nở hoa từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch của năm sau. Thời điểm này, cây bạc hà mọc xen kẽ trong các hốc đá, trong các nương đá có đất và trên các nương đất bỏ hoang. Khi cây bạc hà nở hoa, đó chính là nguồn phấn hoa quý để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, những năm trước kia, nghề nuôi ong lấy mật khai thác phấn hoa cây bạc hà của đồng bào các dân tộc nơi đây chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ và phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình vào những dịp lễ, Tết.

Hoa bạc hà nở tím ngắt phủ kín cả cao nguyên đá 

Những năm gần đây, khi người tiêu dùng và khách thập phương lên du lịch trên cao nguyên đá của Hà Giang, phát hiện ra mật ong bạc hà quý hiếm, trong mật ong có hương vị của mùi hoa bạc hà. Ngoài dùng làm thực phẩm, mật ong bạc hà còn là vị thuốc quý. Từ đó, phong trào nuôi ong khai thác phấn hoa cây bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá của Hà Giang mới thực sự được ưu tiên phát triển.

Những ngày này, anh Hà Văn Ngọc, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp thanh niên của thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đang đi khảo sát tại vùng hoa bạc hà mà HTX đang khai thác tại thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Trại ong của anh Ngọc đã bắt đầu đặt tổ ong trên địa bàn thôn Lùng Vái từ tháng 9. Theo anh Ngọc, đưa ong lên đây để khai thác hoa bạc hà sớm và cũng là nuôi dưỡng đàn ong khỏe để bắt đầu cho vụ mật ong mới.

Mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn đang bước vào một vụ mới

Dự định của anh Ngọc là 20 ngày nữa sẽ chuyển ong đến bãi hoa khác để khai thác. Vào tháng 9, tháng 10, mùa hoa bạc hà nở rộ cũng là lúc mà những người nuôi ong như anh Ngọc lại bắt hành trình sống du mục. Những trà hoa bạc hà nở sớm sẽ được khai thác trước. Như trại ong của anh Sùng Mí Di, Giám đốc HTX Hà An, thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn chẳng hạn. Sau một thời gian dài dưỡng ong ở vùng thấp thì anh Di đã đưa ong lên đây từ giữa tháng 10 để kịp khai thác vụ mật ong mới này.

Dự tính mùa mật ong năm nay, HTX Hà An của anh Di có khoảng 1.000 đàn ong. So với vụ mật ong năm trước thì năm nay số lượng đàn ong đã nhiều hơn.  Các địa phương đã quy hoạch vùng hoa. Theo số kiệu thống kê của ngành nông nghiệp năm 2022, diện tích hoa bạc hà tự nhiên trên vùng cao nguyên đá có khoảng 3.600ha. Mật ong Bạc Hà là sản phẩm đặc thù của tỉnh Hà Giang. Những HTX, doanh nghiệp đã rất tích cực tham gia; chất lượng sản phẩm đều được các tổ chức, cá nhân này đặt lên hàng đầu.

Toàn tỉnh có 60.450 đàn ong, ước tính hết năm 2023 sẽ có khoảng 65.135 đàn ong

Trong phong trào nuôi ong mật bạc hà trên vùng cao nguyên đá, có thể kể đến gia đình anh Hoàng Thanh Đô ở tổ 4, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Những năm qua, gia đình anh Đô duy trì thường xuyên từ 130 - 150 đàn ong. Nhờ có kinh nghiệm nuôi ong lâu năm, nên mỗi thùng, anh Đô để từ 8 - 10 cầu ong và mỗi thùng ong thu được từ 10 - 12 lít mật/năm. Với giá bán 650.000 đồng/lít mật tại nhà, trong vụ hoa bạc hà 2022 - 2023 vừa qua, gia đình anh Đô thu lãi trên 900 triệu đồng.

Người dân xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc thu hoạch mật ong bạc hà. 

Tại huyện Mèo Vạc, doanh nghiệp Tuấn Dũng (xã Tả Lủng) thường duy trì và phát triển 120 - 130 đàn ong, mỗi vụ hoa bạc hà cho thu nhập 700 - 750 triệu đồng... Ngoài ra, trên địa bàn 4 huyện vùng cao nguyên đá còn khá nhiều gia đình khác có nguồn thu 300 - 400 triệu đồng mỗi vụ từ nguồn mật ong bạc hà của gia đình.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn phấn hoa bạc hà, nhưng nghề nuôi ong lấy mật của đồng bào 4 huyện vùng cao nguyên đá vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, UBND 4 huyện vùng cao nguyên đá đã có nhiều chính sách ưu tiên để giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và từng bước tích lũy làm giàu từ nghề này.

6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang có 60.450 đàn ong; ước tính hết năm 2023 có khoảng 65.135 đàn ong. Chỉ riêng ở 4 huyện vùng cao nguyên đá ước có khoảng 46.000 đàn. 


Mong muốn bán hàng trên sàn thương mại

Anh Hoàng A Páo cho biết, HTX Tả Lủng huyện Mèo Vạc sẽ hướng dẫn bà con nuôi ong và quay mật. Khi có sản phẩm, HTX trực tiếp làm thương hiệu và phân phối ra thị trường. Các sản phẩm của bà con sản xuất ra không bị ép giá, có giá thành ổn định.

Mật ong bạc hà sau khi được thu hoạch về sẽ được xử lý và đóng gói, có bao bì, tem mác theo quy định VietGAP để tăng thêm giá trị sản phẩm. Mật ong bạc hà màu vàng chanh là mật đầu mùa với tỷ lệ bạc hà ít hơn, còn mật chính vụ với tỷ lệ bạc hà cao hơn sẽ xanh hơn. Mật ong bạc hà có mùi thơm mát, chất lượng rất tốt, sánh đặc và ngọt mát. Chất lượng của mật ong phụ thuộc vào chất lượng hoa bạc hà theo từng năm có nở rộ hay không, phụ thuộc vào khí hậu và kỹ năng quay mật,…

Mật ong bạc hà ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành thương hiệu địa phương, mang lại thu nhập tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Các HTX nuôi ong ở Hà Giang không chỉ bán lẻ mà còn có cửa hàng trưng bày sản phẩm để quảng cáo thương hiệu, đưa mật ong bạc hà tới tay nhiều du khách hơn. Hiện nay, mật ong bạc hà đã là một trong các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh Hà Giang.

Theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, tỉnh Hà Giang đã đưa ra chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn, trong đó có nuôi ong. Các HTX  nuôi ong được hỗ trợ ưu đãi vay vốn, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của những HTX nuôi ong bạc hà, khó khăn của công việc này là chăm nuôi vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, ong giống bị chết nhiều. Nguồn cây bạc hà tự nhiên ngày càng ít hơn, dù nhân giống nhiều lần nhưng chưa thành công.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều mật ong giả danh thương hiệu mật ong bạc hà của Hà Giang. Đặc biệt, khi các sàn giao dịch thương mại nở rộ, càng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, đồng bào nuôi ong trên cao nguyên đá khó tiếp cận công nghệ, ít cơ hội bán hàng chất lượng cao trên các sàn thương mại điện tử. Ví dụ như HTX của anh Páo chủ yếu bán sản phẩm qua Zalo, Facebook và cửa hàng bán lẻ.

Cẩn trọng với mật ong bạc hà giả

Theo một tiểu thương kinh doanh mật ong bạc hà tại Hà Giang, hiện nay, giá của loại mật ong bạc hà trên thị trường vào khoảng 650.000 đồng/lít. Nếu lấy từ 5 lít trở lên, giá chỉ còn khoảng 600.000 đồng/lít.

Trên thực tế, đa phần người mua đều cho rằng, mật ong bạc hà có màu xanh và có vị hoa bạc hà đậm đặc, đó là một nhận định sai lầm. Trước hết phải hiểu, mật ong bạc hà là loại mật nguyên chất được quay từ giống ong nội địa trong 2 - 3 tháng mùa đông, mật ong bạc hà có màu vàng chanh, hương vị thanh ngọt đặc trưng.

Người dân khai thác mật ong bạc hà.

Còn mật ong có màu xanh đậm và giá rẻ bán tràn lan trên mạng là mật có nguồn gốc không rõ ràng, sản phẩm nhái mật ong Bạc hà Hà Giang. Theo tìm hiểu, những loại mật này được trở từ nơi khác đến, trộn với mật ong đang nuôi tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá, hay mật ong được nuôi bằng đường và chất hóa học tạo màu. Nhiều thông tin còn khẳng định mật ong bạc hà giả được lấy từ biên giới Trung Quốc sang, chủ yếu được tạo từ nước, đường pha trộn với hương liệu bạc hà và chất tạo màu. Những loại mật ong này thường có vị hoa bạc hà đậm đặc nên dễ lừa được người mua không có kinh nghiệm.

Loại mật ong giả này thường có màu xanh bắt mắt, đặc quánh, vị ngọt khé... Giá nhập của loại này chỉ vài chục nghìn đồng. Để biết có phải mật ong thật hay không, theo người dân địa phương, nên sử dụng phương pháp thử mật ong với trứng gà. Theo đó, nếu là mật ong bạc hà thật thì khi ngâm, lòng đỏ trứng gà sẽ chín dần trong đó.

Mật ong bạc hà "xịn" sẽ có màu vàng chanh hoặc màu xanh ô liu, khi rót, mật ong sẽ tạo bọt trắng xóa. 

Ngoài ra, cũng có thể dùng nhãn quan để phân biệt mật ong bạc hà. Bởi mật ong bạc hà "xịn" sẽ có màu vàng chanh hoặc màu xanh ô liu. Khi rót, mật ong sẽ tạo bọt trắng xóa. Nếu để trong chai, bằng mắt thường sẽ quan sát thấy có các bọt khí sủi tăm. Thêm nữa, điểm nhận biết rõ ràng nhất của loại mật ong giá trị này là chính là mùi vị. Nhiều người đã lầm tưởng, mật ong bạc hà phải có mùi giống cây bạc hà thông thường.

Tuy nhiên, mùi của mật ong bạc hà lại rất đặc trưng, thoang thoảng, phảng phất, chứ không phải mở nắp là ngửi thấy rõ ràng ngay.Độ ngọt của mật ong bạc hà nguyên chất là thanh, tạo cảm giác mát dịu chứ không ngọt khé.  Khi đưa mật ong vào miệng sẽ có cảm giác thanh mát khoang miệng tới cổ họng. Đặc biệt, theo người chuyên về mật ong bạc hà, loại mật này không bao giờ gây tê tê lưỡi, khoang miệng như khi ta ăn bạc hà.

Theo nhận định của các chuyên gia: Chất lượng mật ong bạc hà phụ thuộc vào hàm lượng phấn hoa bạc hà mà ong khai thác để tạo mật. Vì vậy, giá của mật ong bạc hà có nhiều biến động do phụ thuộc vào tỷ lệ phấn hoa bạc hà do ong khai thác. Để mua được mật ong bạc hà chính hiệu, người tiêu dùng cần mua tại các đại lý uy tín, tránh mua phải mật ong bạc hà đã pha tạp.
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top