Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về du lịch, những năm qua, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã chủ động, tích cực triển khai nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng các chương trình khai thác giá trị văn hóa và hoạt động kích cầu, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Năm 2023, huyện thu hút 243.135/180.000 lượt khách du lịch, đạt 135,1% kế hoạch, doanh thu đạt 291,7/225 tỷ đồng, đạt 129,6% kế hoạch.
Từ Nghị quyết lớn
Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, UBND huyện Na Hang đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết đề ra, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết; triển khai các cơ chế, chính sách, các văn bản liên quan về lĩnh vực du lịch đến các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở làm dịch vụ du lịch và Nhân dân trên địa bàn.
Hội thi thêu, dệt thổ cẩm xã Yên Hoa giúp chị em phụ nữ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đến nay, tốc độ phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến rõ nét, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh, ổn định qua từng năm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Công tác xã hội hoá ngành du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ sở vật chất du lịch từng bước được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của huyện. Chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc trưng gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết du lịch được tăng cường, gắn Na Hang vào chuỗi du lịch liên vùng, là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Theo lãnh đạo UBND huyện Na Hang, năm 2023, huyện đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn và hưởng ứng khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 như: Lễ hội Hương sắc Na Hang và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như: Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Rượu Ngô men lá Na Hang và kỷ lục cho tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam; khai trương thử nghiệm tuyến trải nghiệm đường rừng (Bó Kim - Nà Niếng) và các hoạt động hưởng ứng chương trình du lịch qua những miền di sản lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023… Nhờ đó, huyện đã thu hút 243.135/180.000 lượt khách du lịch, đạt 135,1% kế hoạch, doanh thu đạt 291,7/225 tỷ đồng, đạt 129,6% kế hoạch.
Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; các thôn Nà Khá, Nà Chang (điểm Phiêng Bung), xã Năng Khả tiếp tục được phát triển. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm trong rừng, nghỉ dưỡng, cắm trại, lưu trú... Triển khai thực hiện Đề án thí điểm thực hiện mô hình “Phát triển kinh tế ban đêm gắn với định hướng các cực phát triển tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030”.
Mùa hoa lê, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang trở thành điểm du lịch yêu thích của khách du lịch.
Đến Lễ hội Lồng Tông đặc sắc
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Na Hang và du khách gần xa lại tụ hội về trung tâm thị trấn Na Hang để tham dự Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Tày, mang theo niềm hy vọng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Lồng Tông là lễ hội cầu Thần Nông, Thành Hoàng làng và Thần Địa phương của đồng bào dân tộc Tày, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, no ấm… Do lễ hội mang tính chất cộng đồng nên nhà nào cũng chuẩn bị các vật phẩm, chủ yếu là các sản phẩm làm ra từ nông nghiệp để dâng lên các vị thần linh như: Bánh chưng, bánh dày, thịt lợn, xôi ngũ sắc tượng trưng cho trời - đất và những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, được đồng bào gửi gắm vào mâm cỗ của mình để dâng lên các vị thần linh.
Lễ hội Lồng Tông tại thị trấn Na Hang thu hút hàng nghìn người dân và khách du lịch tham gia.
Lễ hội được chia thành hai phần. Phần lễ có tạ Thiên - Địa, cầu Thần Nông độ trì cho mưa thuận, gió hoà, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống mà trong đó, vui nhất, đông người tham gia nhất là Hội tung còn. Người dân địa phương quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng làm ăn thuận lợi. Đặc biệt, Lễ hội Lồng Tông năm nay, Ban Tổ chức còn đưa ra nhiều trò chơi như: kéo co, bịt mắt bắt lợn…, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến tham gia, cổ vũ.
Việc tổ chức Lễ hội Lồng Tông hàng năm đã đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện, tạo động lực mới để bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là dịp để Nhân dân các dân tộc thị trấn Na Hang và du khách giao lưu, tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo, giàu bản sắc của dân tộc Tày. Thông qua lễ hội còn là dịp để thị trấn Na Hang nói riêng, huyện Na Hang nói chung quảng bá với du khách gần xa về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy kinh tế du lịch ở vùng cao ngày càng phát triển.
Tại Yên Hoa, xã đã gắn Lễ hội Lồng Tông với Hội thi thêu, dệt thổ cẩm. Đây là dịp để chị em phụ nữ giao lưu, học hỏi nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời, phát huy sự khéo léo, chăm chỉ, rèn luyện kỹ năng dệt vải góp phần tạo thêm thu nhập cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các môn thi đấu tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu xuân. Qua đó, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang, Lễ hội Lồng Tông là một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc, không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc Tày mà còn giúp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Na Hang. Thời gian tới, huyện sẽ thí điểm thực hiện Đề án phát triển du lịch và kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, gắn hoạt động trải nghiệm với nhiều sự kiện thể thao như: bay dù lượn, thể thao dưới nước, hướng đến thu hút dịch vụ thủy phi cơ… Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên cơ sở tiềm năng về văn hoá bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống...
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.