Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 1 năm 2023 | 21:25

Nghệ An tổng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở karaoke

Cao điểm kiểm tra các cơ sở kinh doanh được tiến hành nhằm ngăn chặn xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người. Những cơ sở karaoke, quán bar... không đủ tiêu chuẩn về an toàn PCCC, phần lớn do sử dụng vật liệu trang trí và cách âm dễ cháy phải ngưng hoạt động.

215 cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ

Nhằm ngăn chặn tình trạng cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, từ tháng 4/2022 cho tới nay, Công an Nghệ An đã liên tục tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra xử lý, lực lượng chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động 180 cơ sở, đình chỉ hoạt động 35 cơ sở.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, một trong những hạng mục vi phạm chủ yếu khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke là lớp vật liệu hoàn thiện, biển quảng cáo, ốp trang trí tường và trần trong phòng hát và hành lang thoát nạn còn sử dụng một số vật liệu dễ cháy, làm mất tác dụng ngăn cháy lan, khả năng sinh khói, độc tính khói và dễ bắt lửa…

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Đơn cử, cơ sở karaoke Royal Club địa chỉ 100 đường Mai Hắc Đế, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, quá trình kiểm tra cho thấy, cơ sở đã trang bị đầy đủ các hạng mục công trình (các lối thoát nạn, hành lang thoát nạn theo phương ngang, cầu thang bộ thoát nạn theo phương đứng, cửa thoát nạn là cửa bản lề, mở xuôi theo chiều thoát nạn), hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn… Ngoài ra, cơ sở còn xây dựng 1 cầu thang sắt thoát nạn phía Đông của công trình đảm bảo lối thoát nạn theo quy định; bể nước chữa cháy có thể tích 150m3 có nắp đậy đảm bảo thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước…

Tuy nhiên, cơ sở sử dụng vật liệu trang trí và cách âm trong các phòng hát tập trung đông người, trên khu vực trần treo và vách của lối thoát nạn, hành lang thoát nạn đang còn sử dụng một số vật liệu dễ cháy làm mất tác dụng ngăn cháy lan. Mặc dù bị tạm đình chỉ theo quy định 1 tháng, nhưng đến nay, cơ sở tiếp tục bị đình chỉ vì chưa khắc phục được.

Tương tự, 18 phòng hát tại tầng 6 thuộc Hợp tác xã Đại Huệ, địa chỉ tại số 2, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP. Vinh cũng bị tạm đình chỉ và hiện nay là đình chỉ vì lý do sử dụng vật liệu trang trí và cách âm trong các phòng hát được làm bằng gỗ ép, các vật liệu chưa có văn bản chứng minh là vật liệu khó cháy và không cháy làm mất tác dụng ngăn cháy lan. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

Theo chủ một cơ sở karaoke trên địa bàn TP. Vinh, việc đầu tư đối với cơ sở kinh doanh karaoke rất tốn kém, trong đó có vật liệu trang trí, cách âm… Kết cấu ốp tường thông thường trong phòng hát bao gồm, lớp tường bằng gạch, sau đến lớp cách âm, tiếp theo là một lớp ván ép, cuối cùng là vật liệu trang trí.

Tuy nhiên, hiện nay với mục tiêu rà soát đảm bảo công tác PCCC, các vật liệu trang trí, cách âm hiện có, trong đó phần lớn gỗ ép và các vật liệu không đảm bảo văn bản chứng minh là vật liệu khó cháy và không cháy nên cơ sở bị đình chỉ. “Ngừng hoạt động ngày nào là tổn thất, là sốt ruột vì lãi suất ngân hàng ngày đó, tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa biết phải làm sao, thực sự lúng túng. Việc thay thế vật liệu trang trí, cách âm hiện có xem như bóc gỡ, làm lại từ đầu, và hiện cũng chưa biết thay thế bằng vật liệu gì. Tôi đã nghĩ đến việc sử dụng những loại vật liệu như: Inox, kính, gạch, đá… nhưng những vật liệu này khiến phòng bị vang, khó đảm bảo cách âm, khó trang trí”, chủ cơ sở karaoke cho hay.

Kiên quyết xử lý

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 424 cơ sở karaoke, quán bar, pub thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Qua kiểm tra, theo dõi, công tác PCCC&CNCH tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar ngày càng được quan tâm, chú trọng và đầu tư kinh phí.

Chủ các cơ sở đã tổ chức thực hiện hoặc phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác PCCC, CNCH cho cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi quản lý bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, cụ thể: ban hành, niêm yết nội quy, quy định về PCCC; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC; huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức, duy trì lực lượng PCCC cơ sở; xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc…

Các cá nhân hoạt động trong cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar đều tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của chủ cơ sở và các lực lượng chức năng liên quan theo quy định. Qua công tác kiểm tra thực tế, cơ bản các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar trên địa bàn đã thực hiện, duy trì thường xuyên, hiệu quả các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH theo quy định tại Điều 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra hoặc khi xảy ra cháy có thể kịp thời khống chế không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Công bố quyết định tạm đình chỉ 18 phòng hát tại tầng 6 thuộc Hợp tác xã Đại Huệ, địa chỉ tại số 2, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP. Vinh. Ảnh tư liệu

Được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi vậy cơ sở đủ điều kiện thì mới được hoạt động. Nếu cơ sở karaoke không đảm bảo an toàn PCCC mà hoạt động thì rất nguy hiểm. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ cháy lớn ở các cơ sở kinh doanh karaoke là các vật liệu dùng trang trí, cách âm không đạt tiêu chuẩn. Khi cháy, vật liệu này sẽ tỏa ra lượng khói lớn kèm theo khí độc, chỉ trong vài giây là đủ gây ngạt khói, chết người.

Theo kết quả tổng rà soát của Công an tỉnh Nghệ An, 215 cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC đều phải ngưng hoạt động để khắc phục. Theo yêu cầu, nếu cơ sở karaoke sử dụng gỗ, mút xốp... ốp vào trần, tường, vách thì phải bóc hết và thay thế bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa như: Gạch, kính, hợp kim... đảm bảo vật liệu thay thế phải có giới hạn chịu lửa bằng hoặc cao hơn theo quy định.

Cũng theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, đối với các cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị cơ quan chức năng liên quan có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC, Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở khẩn trương tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm theo đúng quy định.

Đồng thời, theo dõi không để cơ sở trốn tránh cơ quan chức năng để hoạt động trong thời gian tạm đình chỉ, tạm dừng hoạt động khi chưa khắc phục xong các tồn tại, vi phạm về PCCC. Trường hợp quá thời hạn tạm đình chỉ, tạm dừng hoạt động nhưng chưa khắc phục triệt để các tồn tại vi phạm về PCCC, Công an tỉnh kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở theo quy định và đề nghị cơ quan chức năng liên quan thu hồi giấy phép không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Thanh Hóa: Phòng ngừa hỏa hoạn tại di tích trong mùa lễ hội đầu xuân

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa  đã ban hành công văn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ. Trước mắt, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý về tổ chức dâng hương, tổ chức lễ hội tại di tích và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các di tích phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan và hạn chế tối đa đốt vàng mã, thắp nến, thắp hương... tại di tích; quy định nơi hóa hương, vàng phải cách xa di tích, không có nguy cơ hoặc tiểm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn; kiểm tra lại nguồn, đường dây điện hiện có tại di tích và đảm bảo hệ thống dây điện, đèn chiếu sáng tại di tích phải an toàn; quan tâm và đầu tư phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại di tích để đảm bảo an toàn cho di tích và môi trường, cảnh quan...

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo này, các địa phương và ban quản lý di tích đã tích cực triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ di tích, chú trọng các giải pháp PCCC. Tại đền Cửa Đạt, để phục vụ du khách đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm, ban quản lý đã tăng thời lượng phát thông báo hướng dẫn trên loa truyền thanh bên trong di tích, đồng thời yêu cầu du khách tuyệt đối không được thắp hương bên trong khu thờ tự. Ban quản lý di tích còn bố trí nhân viên thường trực hướng dẫn du khách tham quan và yêu cầu không được mang vàng, hương hoặc các vật dụng, đồ dùng dễ gây cháy nổ vào bên trong khu thờ. Trước các cung thờ tự đều được bố trí lư hương lớn ngoài trời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

Người dân chấp hành quy định về PCCC, dâng hương bên ngoài khu thờ tự tại đền Cửa Đặt (Thường Xuân).

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân - Đỗ Doãn Bảy cho biết: Để đảm bảo công tác PCCC tại đền Cửa Đặt trong dịp đầu xuân, ngoài kiểm tra phương tiện, trang bị như bình chữa cháy, vòi phun nước, hệ thống điện... trung tâm đã chủ động xây dựng và diễn tập phương án PCCC theo tình huống giả định. Đồng thời luôn luôn bố trí nhân viên trung tâm thuộc đội PCCC cơ sở tại di tích, sẵn sàng ứng cứu ban đầu khi có hỏa hoạn xảy ra.

Tương tự, tại đền Nưa - Am Tiên, thị trấn Nưa (Triệu Sơn), công tác PCCC cũng được chú trọng thực hiện từ bãi trông gửi xe đến khu vực thờ tự. Thiếu tá Lê Thế Anh, Trưởng Công an thị trấn Nưa, cho biết: Đầu tháng 1-2023 công an thị trấn đã phối hợp với đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Triệu Sơn tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các di tích. Qua kiểm tra, các ban quản lý di tích đã cơ bản chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đảm bảo các điều kiện phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách.

Thanh Hóa hiện có khoảng 1.500 di tích đã được kiểm kê và hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm. Trong đó có nhiều di tích tâm linh đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài tỉnh dịp đầu năm, như đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), đền Cửa Đặt (Thường Xuân)... Sau Tết Nguyên đán Quý Mão những di tích này gần như bị quá tải trước dòng người về dâng hương, vãn cảnh, gia tăng nguy cơ hỏa hoạn đã đặt ra nhiệm vụ PCCC tại các di tích trở nên nặng nề hơn. Thực tế nhiều năm trước trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi di tích. Để bảo vệ di tích, ngoài sự tập trung cao độ của chính quyền các địa phương, ban quản lý di tích, lực lượng công an cũng đã vào cuộc vừa đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, vừa kịp thời ứng phó khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Cùng với đó, chủ các gian hàng, ki-ốt kinh doanh quanh khu vực di tích cũng đã được yêu cầu viết cam kết, chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an ninh trật tự và PCCC. Bên trong các khu thờ tự, bình chữa cháy tại chỗ cũng được trang bị, vật dụng dễ cháy cũng được bố trí cách xa nguồn điện; nơi hóa hương, vàng, đồ cúng được bố trí cách xa di tích, không có nguy cơ hoặc tiểm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn...

Để bảo vệ di tích, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song nguy cơ hỏa hoạn không phải đã hoàn toàn bị loại bỏ. Bởi theo ghi nhận thực tế của phóng viên, vẫn còn tình trạng nhiều người dân sau khi được thông báo, nhắc nhở vẫn đem hương, vàng vào bên trong khu thờ tự di tích khấn vái, kêu cầu, gây nguy cơ hỏa hoạn. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân - Đỗ Doãn Bảy khuyến cáo: "Người dân đến tham quan, hành lễ tại các di tích nói chung và di tích đền Cửa Đặt nói riêng cần chấp hành tốt các quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người".

 

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top