Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2022 | 21:39

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi những tháng cuối năm

Bộ NN-PTNT chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do nguy xảy ra cơ dịch là rất cao.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh.

Theo đó, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao. Các nguyên nhân được cho là kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh nêu trên còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương.

Cuối năm, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh và thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Đặc biệt, một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, nhiều khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các địa phương, đề nghị thực hiện một số biện pháp.

Cả nước hiện đã phát sinh 40 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố. 

Thứ nhất, chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc thú y. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Bố trí nguồn lực tổ chức rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao. Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, thành lập các tổ công tác đi kiểm tra tại cơ sở, bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Đặc biệt, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp để tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vacxin phòng bệnh trên động vật, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng thành lập các đoàn công tác đi hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kế hoạch đã đề ra. Giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top