Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023 | 21:29

Nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương

Hiện nay, nhiểu tỉnh, thành phía Nam đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, các chủ rừng và lực lượng chức năng tại dây đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế hỏa hoạn, cháy rừng.

Cà Mau: Hơn 4.000 ha rừng nguy cơ cháy cấp nguy hiểm

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, do nắng nóng kéo dài, hiện có 22.730 ha rừng thuộc khu vực rừng tràm U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai bị khô hạn. Trong đó, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4 (cấp nguy hiểm) khoảng 4.127 ha, cấp 3 (cấp cao) hơn 18.600 ha và cấp 2 (cấp trung bình) khoảng 25.164 ha.

Theo đó, tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ hiện có trên 3.000 ha rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp nguy hiểm, tập trung tại Liên tiểu khu Sông Trẹm, Liên tiểu khu U Minh 1 (xã Khánh Bình Tây Bắc, xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời). Riêng diện tích rừng thuộc quản lý của Hạt kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai (gồm Hòn Khoai và Hòn Chuối) có trên 570 ha rừng cũng đang ở mức cảnh báo cháy nguy hiểm.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ diễn tập PCCC rừng với sự tham gia của nhiều đơn vị của tỉnh Cà Mau

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nhờ làm tốt công tác đắp đập giữ nước khá sớm nên hiện nay độ ẩm dưới chân rừng đảm bảo. Tròn 8.527 ha diện tích rừng do đơn vị quản lý chỉ có gần 600 ha đang ở mức cảnh báo cháy cấp 3. Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, lượng nước dưới chân rừng Cà Mau bốc hơi nhanh, lớp thực bì và dây leo trên thân tràm bắt đầu khô héo, diện tích rừng cảnh báo nguy cơ cháy tăng nhanh qua từng ngày.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro cháy có thể xảy ra, ngay từ đầu mùa khô 2023, các đơn vị quản lý rừng ở Cà Mau đã đắp 86 cống, đập lớn, nhỏ để giữ nước phục vụ PCCC rừng. Đồng thời, chủ động sửa chữa và trang bị mới 122 máy bơm nước chữa cháy các loại, với hơn 59.8000 m vòi chữa cháy; bố trí sẵn 115 vỏ máy các loại… Đồng thời, phát quang hơn 218 km các tuyến giao thông đường bộ, tạo đường băng cản lửa, khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 196 km, giúp thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng. Hiện, toàn lâm phần của tỉnh Cà Mau có hơn 530 nhân lực luân phiên ứng trực trên 69 chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng chức năng tỉnh có thể huy động đến hơn 5.000 người tham gia chữa cháy.

Gia Lai: Cộng đồng dân cư cảnh giác với cháy rừng mùa nắng nóng

Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Bắc An Khê, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) hiện quản lý hơn 10.000 ha rừng. Để bảo đảm công tác PCCC rừng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã củng cố lại Ban Chỉ huy và 4 tổ đội cộng đồng vừa nhận khoán, vừa là lực lượng PCCC rừng.

Cộng đồng thôn 1, xã Hà Tam (huyện Đăk Pơ) nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 260 ha rừng từ Ban Quản lý RPH Bắc An Khê. Để chủ động PCCC rừng, xã Hà Tam đã thành lập các tổ quản lý, bố trí nhiều chốt chặn tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đặc biệt, đơn vị lên phương án tiến hành đốt trước có kiểm soát nhiều ha tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Ông Phạm Đông Mạnh, thôn 1, xã Hà Tam, hộ nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho biết: “Các tổ luôn có từ 2 - 3 người tuần tra kiểm soát 24/24, khi có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ báo lại cho Ban Quản lý rừng Bắc An Khê biết. Đồng thời, huy động tất cả quân số xử lý với phương châm 4 tại chỗ gồm, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ để kịp xử lý các sự cố xảy ra”.

Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đang triển khai đốt thực bì có điều khiển.

Tương tự, tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, cộng đồng làng nhận giao khoán quản lý 30 ha rừng từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Để bảo đảm PCCC rừng mùa nắng nóng, khô hanh, thanh niên ở làng Đê Kjiêng đã phân công nhau đi kiểm tra rừng thường xuyên, lên phương án đốt dọn thực bì.

Để thực hiện tốt công tac PCCC rừng ông Lê Thái Hùng - Phó Trưởng Ban Quản lý RPH Bắc An Khê cho biết: Đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, cử cán bộ trực cùng các tổ nhận khoán thường xuyên ứng trực tại các chốt trọng điểm cháy nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm cháy xảy ra. Thành lập các tổ, đội PCCC rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người. Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật như đốt thực bì có điều khiển, làm hệ thống đường ranh cản lửa đối với những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao.

Huyện Đăk Pơ hiện đang quản lý gần 24.000 ha rừng, trong đó có hơn 19.000 ha rừng tự nhiên. Ông Đào Duy Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng và kiện toàn các Ban Chỉ huy PCCC rừng cấp huyện, xã; tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân, kiểm tra các đơn vị chủ rừng, UBND các xã để công tác PCCC rừng đạt hiệu quả cao.

“Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm cũng không lơ là, chủ quan trong công tác PCCC. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ công chức phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ,  nếu có xảy ra cháy rừng thì kịp thời dập không để cháy lan, đặc biệt là tăng cường trực những nơi có nguy cơ cháy rừng cao”, ông Đào Duy Tuấn cho biết thêm.

Tương tự, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hơn 41.000 ha rừng, trải dài trên 3 địa bàn gồm các huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Kbang, trong đó có khoảng 151 ha diện tích rừng trồng được đánh giá là khu vực trọng điểm cháy mùa khô. Ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai phân công cán bộ, nhân viên phối hợp cùng cộng đồng dân cư trên địa bàn thường xuyên tuần tra, bám nắm địa bàn, chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ, triển khai đốt có điều khiển tại những khu vực có lớp thực bì khô và dày.

Ông Lê Văn Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho hay: Đơn vị xác định nguy cơ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất cao, vì vậy đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong vấn đề sử dụng lửa khi đi rừng và khi đốt nương làm rẫy; phát, đốt giảm thực bì; sử dụng bảng biểu tuyên truyền đóng vào các lối ra vào rừng và phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, chủ rừng giáp ranh Vườn Quốc gia nhằm quản lý, nắm bắt tình hình những điểm có nguy cơ cháy cao để có giải pháp xử lý kịp thời.

Huyện Mang Yang hiện có hơn 60.000 ha rừng, trong đó có gần 10.000 ha thuộc các vùng trọng điểm cháy đó là: Ayun, H’ra, Đê Ar, Đak Trôi, Đak DJăng. Theo ông Nguyễn Công Ngọc - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, để chủ động phòng ngừa cháy rừng, huyện Mang Yang đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCC cấp xã, xây dựng phương án 4 tại chỗ. Đồng thời, thành lập các tổ, đội phòng chống cháy rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người, nòng cốt là người dân địa phương để phòng chống cháy rừng ngay từ bước đầu.

Quảng Trị diễn tập phương án phòng, chống cháy rừng trước mùa nắng nóng

Quảng Trị có hơn 250.000 ha rừng. Với khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt vào mùa hè, lại thêm thói quen đốt nương làm rẫy của đồng bào vẫn còn, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn hiện hữu ở địa phương này.

Để giảm thiểu thiệt hại từ cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng quy mô cấp tỉnh, với sự tham gia hơn 300 người thuộc các lực lượng: Công an, kiểm lâm, y tế, dân quân tự vệ, các chủ rừng… cùng với nhiều phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện đại.

Tình huống giả định là xảy ra cháy tại lô 27, khoảnh 1, tiểu khu 779, Phường 3, TP. Đông Hà. Nguyên nhân được xác định là do quá trình đốt tổ ong lấy mật của người dân sơ suất, bất cẩn dẫn đến cháy. Khu vực xảy ra cháy là rừng trồng keo, đám cháy phát triển nhanh, ngày một lớn, sinh ra nhiều khói, khí độc, nguy cơ cháy lan sang khu vực rừng thông và rừng đặc dụng làm ảnh hưởng đến quá trình dập tắt ngọn lửa.

Bước vào diễn tập, các đơn vị tham gia đã thực hiện 5 giai đoạn, gồm: Tình huống xử lý cháy và cứu hộ cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9; xử lý tình huống cháy và triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của TP. Đông Hà; xử lý tình huống cháy và triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh; tấn công của các lực lượng trên địa bàn tỉnh. Khi đám cháy đã được dập tắt là giai đoạn khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Quảng Trị diễn tập phòng, chống cháy rừng trước mùa nắng nóng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đợt diễn tập này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và kỹ năng sẵn sàng phòng, chống cháy rừng của các đơn vị khi có hỏa hoạn xảy ra. Đồng thời nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ huy, cũng như khả năng phối kết hợp giữa các lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ khi có tình huống cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Quảng Trị có hơn 250.000 ha rừng, với khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt vào mùa hè, lại thêm thói quen đốt nương làm rẫy của đồng bào vẫn còn, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn hiện hữu.

Thông qua đợt diễn tập quy mô lớn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành chức năng, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PCCC, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về rừng. Lực lượng chức năng luôn sẵn sàng để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố… không để xảy ra cháy lớn, cháy rừng diện rộng.

Đồng thời yêu cầu các chủ rừng cần quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC rừng, thường xuyên duy trì hoạt động của lực lượng PCCC, đầu tư trang bị, phương tiện PCCC rừng đáp ứng theo phương châm "4 tại chỗ"…

Cùng với việc diễn tập, tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai các phương án với phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả. "Sau đợt diễn tập, các đơn vị, lực lượng tham gia cần tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện phương án cấp tỉnh, từ đó làm cẩm nang quan trọng cho việc tổ chức thực tập phương án trong những năm tiếp theo tại các địa bàn khác, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương", ông Hà Sỹ Đồng đề nghị.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top