Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023 | 22:3

Nguy cơ ô nhiễm từ rác thải điện tử

Trong thời đại 4.0, số lượng thiết bị điện tử sẽ liên tục tăng cao. Tuy nhiên, tác hại về môi trường, sức khỏe do loại chất thải này mang lại được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm.

Mối nguy hại khôn lường

Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” do Liên hợp quốc công bố, năm 2019, toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đó, và châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn). Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...).

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, hầu hết thiết bị điện tử đều chứa chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy... Thông dụng nhất như một chiếc điện thoại di động cũng sử dụng tới 17 chất hóa học, trong đó có nhiều chất hiếm như neodymium, europium, xeri... Phổ biến hơn, màn hình và bóng đèn huỳnh quang của thiết bị điện tử đều có thủy ngân... Những thứ độc hại này, nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; khi đi vào cơ thể người sẽ gây rối loạn phản ứng sinh hóa bình thường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, các bệnh về hô hấp, tim mạch, thần kinh... Đặc biệt, pin là loại rác thải độc hại nhất, bởi chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium...

Rác thải điện tử là loại rác thải phát sinh nhanh nhất, do tốc độ tiêu thụ sản phẩm điện tử cao hơn những sản phẩm khác song vòng đời sử dụng lại ngắn hơn.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng thủy ngân có trong một viên pin nếu chôn xuống đất có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Vì thế, nếu vứt pin cũ vào thùng rác, pin bị đốt bỏ hoặc chôn với rác thải thông thường, chúng sẽ gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường không khí, đất và nước.

Có thể thấy, sự nguy hại đến từ rác thải điện tử là rất lớn, tuy nhiên hiện nay, công tác xử lý, thu gom rác thải điện tử đang có nhiều bất cập. Đa phần, các thiết bị điện tử khi đã hết giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp. Một phần nhỏ rác thải điện tử được thu gom, tái chế thông qua những người thu mua đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát với mục đích chính là tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy đồng, nhôm, sắt...

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, do Việt Nam chưa có những bãi tập kết dành riêng cho rác thải điện tử và công tác phân loại rác chưa được thực hiện tốt nên đa số người dân hiện vẫn đổ lẫn rác thải điện tử chung với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý rác thải điện tử từ những người thu mua đồng nát cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường do khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm... một cách thủ công) không đúng cách sẽ khiến các chất độc hại và kim loại nặng rò rỉ ra môi trường...

Còn tồn tại thói quen xấu

Bà Mai Thị Thu Hằng - đại diện Chương trình Việt Nam tái chế chia sẻ, hầu hết trong các gia đình hiện nay, số thiết bị có pin, thiết bị điện tử ngày càng có tăng nhanh. Đồng nghĩa với việc rác thải điện tử thải bỏ sẽ liên tục phát sinh. Tuy nhiên, tình trạng người dân tự ý tháo dỡ vật liệu đem bán cho ve chai, đồng nát, tập kết về các điểm thu gom không đúng cách vẫn tồn tại. Đây là thói quen rất xấu.

Tại các điểm tập trung thu hồi rác thải điện tử, pin thải bỏ ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do Chương trình Việt Nam tái chế thực hiện, những năm gần đây, dù số lượng thu gom đã tăng lên tuy nhiên, con số đó vẫn còn rất nhỏ so với thực tế. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của rác thải điện tử cũng như việc thải bỏ đúng cách là cấp thiết.

Rác thải điện tử là nguồn ô nhiễm môi trường nguy hiểm. Ảnh: Công Hùng  

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hầu hết thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy... Khi phân hủy, chất thải điện tử sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại dễ ngấm vào môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến cây cối trong khu vực, từ đó xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm cả thực vật lẫn động vật.

Về sức khỏe, các độc tố này có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em và khiến người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe khi sử dụng nước, thực phẩm, hít thở không khí ô nhiễm. Trong đó, các bệnh dễ gặp nhất là bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí ung thư, tử vong.

Theo thạc sĩ Trịnh Văn Thuận - Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), một báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, tại Việt Nam, lượng chất thải điện tử mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Riêng lượng phát thải tivi, vào năm 2025 Việt Nam có thể phát sinh tới 250.000 tấn.

Đáng lo ngại, thống kê cho thấy, lượng chất thải điện tử phát sinh năm 2019 khoảng 257.000 tấn, tỷ lệ chất thải phát sinh trên đầu người 2,7kg/người. Tuy nhiên, chỉ khoảng 17% lượng chất thải này được thu gom và xử lý đúng cách, số còn lại không được quản lý đúng cách đang gây những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe con người.

Giải pháp nào quản lý?

Đại diện Chương trình Việt Nam tái chế Mai Thị Thu Hằng cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước, cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi các đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam.

Trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả các vật liệu được đưa vào tái chế. Ví dụ như các thiết bị điện, điện tử như laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh… sau khi không thể sử dụng sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tổ chức tháo dỡ, bóc tách linh kiện theo từng mục đích có thể tái sử dụng. Những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ được đưa đi phân hủy trong một quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rà soát các cơ sở tái chế chưa có giấy phép hoạt động, từ đó hướng dẫn cho họ thủ tục cấp phép kịp thời, tránh bị xử phạt và dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ phải được xây dựng theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.

Chương trình thu gom rác thải điện tử tận nhà miễn phí của tổ chức Việt Nam tái chế đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của nhiều người dân.

Theo các chuyên gia, hiện nay DN tái chế, xử lý rác thải điện tử trên thế giới đều phải đầu tư rất lớn về trang thiết bị, tiền bạc để hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa con người với rác thải điện tử. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần xây dựng những chính sách ưu đãi trong công tác thu hồi, xử lý sản phẩm điện tử nhằm giải quyết các vấn đề sinh kế, vừa đảm bảo môi trường không bị xâm hại. Trong đó, chính sách ưu đãi có thể bao gồm giảm thuế sử dụng đất, vay vốn ưu đãi. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của rác thải điện tử để phân loại, thu gom, xử lý đúng cách.

Đồng quan điểm với bà Hằng, Thạc sĩ Tạ Việt Anh - Đại học Kinh tế và Kinh doanh cho rằng, Để công tác kiểm soát, quản lý nguồn thải của các loại rác điện tử, pin, tấm năng lượng mặt trời… các biện pháp phải được thực hiện đồng bộ, từ việc áp dụng công nghệ xử lý mới đến thực hiện hiệu quả quá trình thu gom, vận chuyển. Bản thân các DN tham gia ngành sản xuất, nhập khẩu linh kiện, thiết bị có sử dụng pin cũng cần tham gia vào các mô hình thu nhận sản phẩm cũ tái chế, thải bỏ để đảm bảo phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

Nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc

Trước thực trạng nói trên, nhiều văn bản, chính sách đã ra đời nhằm siết lại công tác thu gom, xử lý rác thải điện tử, như Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2025, 100% nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật... Tuân thủ những quy định này, nhiều nơi đã triển khai mô hình thu gom pin, rác thải điện tử; vận động nhân dân không vứt pin, rác thải điện tử lẫn với rác thải thông thường.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí, đó là Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), Ban Quản lý công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm), UBND phường Quán Thánh (12 - 14 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình), UBND phường Thành Công (quận Ba Đình), Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (số 17 Trung Yên 3, quận Cầu Giấy). Đặc biệt, từ đầu năm 2018, Tổ chức Việt Nam tái chế đã phát động Chương trình thu gom rác thải điện tử tận nhà miễn phí cho các hộ gia đình nhằm hỗ trợ người tiêu dùng xử lý chất thải điện tử và nâng cao nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn.

Cách đây không lâu, nhằm khuyến khích người dân nâng cao ý thức thu gom và xử lý rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường, tổ chức này đã triển khai hoạt động “Trao đi thiết bị hỏng - Nhận lại quà tặng xanh”. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, mặc dù đã có nhiều mô hình, nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nhưng đến nay, việc thu gom và xử lý rác điện tử chưa đạt kết quả cao, các nhóm hỗ trợ thu gom vẫn chưa đủ mạnh... Anh Đào Văn Mạnh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ: “Ở nhiều nước trên thế giới, nếu mang bỏ rác thải điện tử chung với rác thải sinh hoạt thì sẽ bị phạt rất nặng.

Tại Việt Nam, người dân vẫn vô tư bỏ bóng đèn, pin, đồ điện tử hỏng vào thùng rác mà không bị cảnh cáo hoặc xử phạt. Điều này cho thấy chúng ta vẫn còn thiếu chế tài mạnh”. Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, sự bất cập trong công tác thu gom rác thải điện tử là do những lỗ hổng trong các quy định hiện hành. Mặc dù Chính phủ đã ban hành những văn bản pháp luật yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, nhưng chưa có quy định cụ thể về số lượng các điểm thu hồi, tỷ lệ sản phẩm mà các doanh nghiệp phải thu hồi, nên việc thực hiện chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Miều, hoạt động kiểm tra, giám sát hiện chưa được thực hiện một cách nghiêm túc: “Sau khi ban hành luật, quy định thì phải có quy trình thanh tra, kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm soát tại Việt Nam hiện chưa đạt hiệu quả cần thiết. Thêm vào đó, chúng ta nên có bãi tập kết riêng; việc triển khai các mô hình thu gom rác thải điện tử là một ý hay, như thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức mô hình “Ngôi nhà của pin”.

Thêm vào đó, để giải quyết bài toán rác thải điện tử một cách bền vững, có thể xem xét áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với rác thải điện tử, trong đó, các doanh nghiệp sản xuất là một mắt xích. Đặc biệt, người sản xuất cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của họ để đảm bảo sự phát triển chung của xã hội từ việc lựa chọn đầu vào, công nghệ và lựa chọn đầu ra, trách nhiệm thu hồi sản phẩm của mình để hạn chế phát thải”.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top