Trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước, không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của những “bông hoa” xinh đẹp, tài năng và tâm huyết. Hành trang mà các chị mang theo là những kinh nghiệm hoạt động quý giá và cả những sáng tạo, nỗ lực vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau xây dựng mối đoàn kết, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ, là tấm gương điển hình về phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà”.
Nữ nông dân miền sơn cước “nuôi” khát vọng làm giàu
Đến thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê (Con Cuông - Nghệ An), không ai không biết đến chân dung người phụ nữ xinh đẹp làm kinh tế giỏi, đó là chị Lê Thị Hoa – tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, chị Hoa luôn trăn trở làm sao để giảm cái đói, cái nghèo. Chị cũng đã trồng lúa, chăn nuôi gà, vịt nhưng vẫn chỉ đủ ăn, chưa có hiệu quả cao. Ước mơ có căn nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ... vẫn còn xa vời.
Là phụ nữ táo bạo, dám nghĩ, dám làm, không cam chịu với cái đói, cái nghèo, chị tìm tòi kiến thức qua đài báo, mạng internet hay qua các cuộc tập huấn cho nông dân và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Năm 2013, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi trâu sinh sản và trâu nuôi lấy thịt. Lúc đầu, chị nuôi với quy mô nhỏ, 2-3 con/lứa, sau khi thấy có hiệu quả mới tăng số lượng và đa dạng hóa loài vật nuôi lên gồm gà, lợn thả vườn.
Chị Hoa cho biết: Với mong muốn nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và khát vọng làm giàu bằng nghề nông, chị bàn với gia đình mạnh dạn thay đổi cách làm ăn để có hiệu quả cao hơn. Từ diện tích đất nông nghiệp sẵn có, gia đình chị đã chuyển đổi sang trồng 3 sào (1 sào miền Trung = 500m2) cỏ để chăn nuôi trâu sinh sản và trâu lấy thịt. Hiện nay, gia đình chị đang duy trì nghề chăn nuôi với quy mô 4 con trâu sinh sản và 5 con trâu thịt. Đàn trâu của gia đình chị đều được nuôi trên 1 năm tuổi và được vỗ béo trước khi xuất bán. Trung bình mỗi năm chị xuất bán từ 5 – 7 con, thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi, chị Hoa vui vẻ nói: Nơi đây là khu vực đồi núi cao, không khí trong lành và thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn đồi. Vì thế, ngoài chăn nuôi trâu, chị còn xây chuồng nuôi gà thả vườn. Trung bình mỗi lứa chị nuôi khoảng 100 con gà thịt theo hướng chăn thả có khoanh vùng kiểm soát. Cùng với phát triển chăn nuôi, gia đình chị còn trồng 40 ha cây keo lai và 3 sào hoa màu các loại. Diện tích đồi keo chị chia trồng thành nhiều lứa khác nhau, đến nay đã cho thu hoạch 5 lứa và mang về cho gia đình chị nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Chị Hoa chia sẻ: Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm; người nông dân cần phải kiên trì và bám nghề, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình để giảm bớt chi phí, hạ giá thành sản phẩm và giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh thì mới có được thành công.
Từ thành công của gia đình, chị Hoa không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con trong thôn, trong xã, để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình do xã xây dựng; tích cực trong phát triển kinh tế, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình do phụ nữ đảm nhiệm trong thôn... Nhờ thế, nhiều chị em trong thôn đã mạnh dạn làm theo và áp dụng các mô hình trồng trọt, sản xuất đạt hiệu quả tốt.
Chị Hồ Tuệ Vân, cán bộ Nông nghiệp xã Chi Khê, cho biết: Chi Khê là xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; diện tích đất trồng lúa, trồng màu không nhiều, chủ yếu là đồi núi. Vì thế, người dân chủ yếu phát triển kinh tế bằng chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng là chính. Chị Lê Thị Hoa là người ham học hỏi, có tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong phát triển kinh tế nông hộ tại nơi đây. Ngoài việc sản xuất, chị còn là Chi hội trưởng hội Nông dân năng động, có trách nhiệm và gần gũi với nhân dân. Mô hình làm kinh tế của chị là điển hình cho phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương; đồng thời là địa chỉ để cho người dân tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất.
Từ thực tế mô hình kinh tế của gia đình chị Hoa cho thấy, vào thời điểm hiện nay khi người nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhất là thị trường đầu ra sản phẩm, thì việc duy trì và giữ nghề ổn định bằng mô hình nông lâm kết hợp đã phát huy được hiệu quả và có tính bền vững. Mong rằng, mô hình làm kinh tế của chị cũng như người dân Chi Khê sẽ tiếp tục phát triển bền vững và cho hiệu kinh tế quả cao.
Chị Lê Thị Hoa là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua “Sản xuất giỏi”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa”, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng Nông thôn mới.
Tiên phong biến đồng hoang thành cánh đồng trù phú tạo nên sản phẩm OCOP giá trị cao
Nhận thấy người dân địa phương không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chị Hoàng Thị Gái (xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) đã thuê lại những thửa ruộng bỏ hoang để trồng 1 vụ lúa, 2 vụ rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, chị Hoàng Thị Gái là 1 trong 300 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI giai đoạn 2017 – 2022.
Chị Hoàng Thị Gái là 1 trong 300 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI giai đoạn 2017 – 2022.
Chị Hoàng Thị Gái (Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp An Hòa) sinh ra và lớn lên ở vùng quê An Hòa. Xuất phát điểm của gia đình chị Gái làm đại lý thu mua thóc gạo, xay xát lúa gạo phân phối đi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam từ năm 1997.
Năm 2014, khi nhiều cánh đồng của xã Hiệp Hoà người dân bỏ ruộng khô cằn, cỏ mọc um tùm, bỏ hoang vì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt thấp. Chị Gái nhận thấy lợi thế từ cánh đồng làng Mân của xã An Hòa, xưa nổi tiếng nhất vùng bởi người dân chuyên cấy giống lúa nếp cái hoa vàng cho chất lượng hạt gạo mẩy, dẻo, thơm ngon. Đất nông nghiệp bị bỏ hoang rất phí, chị mạnh dạn vận động bà con cho tiếp quản các diện tích bỏ hoang, cùng bà con tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy vùng sản xuất tập trung, đẩy lùi tình trạng người dân trồng nhiều thứ cây trên cùng diện tích canh tác để thuận lợi việc diệt chuột và chăm bón.
Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị bảo, khi nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc quá nhiều, chị không khỏi chạnh lòng. Suy nghĩ đi đôi với hành động, chị Gái bàn bạc với gia đình và dùng sổ đỏ của gia đình cầm cố ngân hàng vay tiền để đầu tư máy gặt, máy cày, máy cấy lúa chất lượng cao với số vốn 1,5 tỷ đồng. Phối hợp với địa phương thành lập tổ dịch vụ liên kết sản xuất, gặt, cấy thuê cho người dân trong và ngoài địa phương.
Chia sẻ về thủa ban đầu khi gom đất, tạo vùng sản xuất tập chung, đưa giống lúa BC15 và nếp 97 và sản xuất, chị Gái cho biết: “Nghĩ lại thấy gian nan với người nông dân, mặc dù ruộng bỏ hoang để không, nhưng lại không muốn cho người khác thuê lại. Ban đầu tôi vận động bà con quy vùng sản xuất tập trung, từ khâu ngâm giống, gieo mạ, làm đất, thu hoạch đều phải theo tiêu chuẩn. Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quá trình chăm bón hoàn toàn sử dụng thuốc sinh học nên chất lượng hạt thóc luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất. Sau thu hoạch, gia đình tôi tiến hành thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con. Đến nay, diện tích sử dụng lên đến 100 ha (trong đó có 30 ha trồng tập trung, còn lại là liên kết các hộ nông dân). Hàng năm, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn gạo/năm cho bà con.
Ngoài ra, năm 2018, chị Gái đã mạnh dạn thành lập HTX dịch vụ tổng hợp An Hòa do chị làm Chủ tịch HĐQT. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã liên kết với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê trồng và bao tiêu giống đậu tương rau xuất khẩu sang Nhật Bản.
Việc sản xuất đậu tương rau đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong toàn xã và hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang.
Ngoài việc trồng lúa, đậu tương, thu mua và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, chị Gái còn gây dựng cơ sở mang tên rượu Hoàng Quân, sản xuất theo phương pháp truyền thống, sử dụng hoàn toàn bằng nguồn gạo nếp từ cánh đồng Mân.
Rượu Nếp Mân Hoàng Quân được nấu từ 100% gạo nếp cái hoa vàng, men bắc, nước sạch, chưng cất 2 lần hạ thổ, được lên men theo phương thức truyền thống và chưng cất 100% thủ công, khử độc bằng máy móc hiện đại, bảo đảm sức khoẻ cho người dùng.
Cơ sở hiện cung cấp ra thị trường các loại rượu nếp Mân, đinh lăng, táo mèo, ba kích, chuối hột,...và một số loại rượu khác. Sản phẩm rượu nếp Hoàng Quân được đăng ký thương hiệu độc quyền, cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 19/2012/YTHR-CNTC và tiêu chuẩn cơ sở số 01:2012/HQ. Trung bình mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 500 lít rượu.
Năm 2019, sản phẩm Rượu Nếp Mân của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân được UBND TP. Hải Phòng công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Gái còn vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt việc tham gia thu gom rác thải, phân loại rác thải tại gia đình để bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển hiệu quả mô hình 3 tốt (Tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt). Chị Gái đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ, là tấm gương điển hình về phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Hành trình đưa thương hiệu hươu sao Hương Sơn vươn xa
Trong câu chuyện khởi nghiệp của bà Chu Thị Hồng Hà là ý chí phi thường, có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm mới vượt qua được khó khăn, vươn lên trở thành tấm gương làm giàu trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Nói về hành trình gian nan lập nghiệp với hươu sao - loài vật “đặc hữu” của miền núi thơm Hương Sơn, bà Hà chia sẻ: “Đầu năm 1992, tôi lấy chồng về xã Sơn Giang. Ngày ấy, hai bên nội ngoại đều khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông vào những con hươu, thị trường ngày ấy còn chưa rộng mở nên việc nuôi hươu lúc đó chỉ hy vọng có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống”.
Năm 2019, 3 sản phẩm của DNTN nhung hươu Thuận Hà đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu.
Giữa năm 1992, bà đã bàn với chồng là ông Phạm Đức Thuận (SN 1964) đầu tư vốn để nuôi hươu và phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu.
Bà Hà cho biết: “Nhận thấy nhung hươu nếu chỉ sử dụng theo cách thức truyền thống như ngâm rượu hoặc sử dụng thô thì sẽ không khai thác được hết giá trị. Thế nên, tôi đã quyết tâm học hỏi, ngoài nuôi hươu lấy nhung, tôi còn tìm tòi đầu tư chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giúp nâng cao giá trị của nhung hươu”.
Thời gian đầu, khi đang trên đà phát triển, tưởng chừng sắp ổn định với nghề thì cuối năm 1993, hươu và nhung “rớt” giá thê thảm. Từ chỗ hươu trưởng thành có giá 50 - 60 triệu đồng/con thì vào thời điểm ấy, giá hươu chỉ còn khoảng 300 - 500 nghìn đồng/con, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần, chẳng thể bám trụ với con hươu. Không ít hộ chăn nuôi đã phải bỏ nghề, bán hươu cho các lò mổ để chuyển hướng làm ăn.
“Kinh tế của gia đình tôi lúc ấy gần như kiệt quệ, vợ chồng tôi lỗ gần 700 triệu đồng”, bà Hà kể lại.
Xốc lại tinh thần, cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn với quyết tâm giữ nghề bởi với vợ chồng bà, nuôi hươu sao không chỉ là “nghề” mà còn là “nghiệp” truyền thống của gia đình, không thể vì khó khăn mà bỏ đi bao công sức trước kia.
Không phụ công người, đến năm 1999, giá hươu sao khởi sắc và tăng lên từng ngày, nhờ thế, việc chăn nuôi, buôn bán của gia đình bà Hà cũng thuận lợi hơn.
Sau quãng thời gian gây dựng lại sự nghiệp, số nợ “khổng lồ” ngày trước được bà Hà trả xong và có thêm nguồn vốn để mở rộng kinh doanh nhung hươu. Đến năm 2007, khi việc kinh doanh đã vững vàng hơn, vợ chồng bà quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà, chuyên kinh doanh các sản phẩm từ hươu. Năm 2015, doanh nghiệp của bà đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà. Đây cũng chính là bước ngoặt mới trên hành trình nuôi hươu để làm giàu của bà Hà.
Sau gần 30 năm gắn bó với hươu sao, trải qua nhiều khó khăn, bà Hà đã gây dựng nên một trang trại chăn nuôi hươu có quy mô 63 con. Ngoài ra, bà còn liên kết với bà con nông dân trên địa bàn để chăn nuôi thêm gần 40 con hươu theo hình thức góp vốn.
Ngoài các sản phẩm truyền thống như nhung hươu tươi, rượu nhung, bà Hà còn chế biến sâu các sản phẩm như: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương hươu. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, 3 sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu vào năm 2019.
Nói về quy trình chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, bà Hà cho biết: “Với các sản phẩm chế biến sâu, chúng tôi đều thực hiện hoàn toàn bằng máy nên luôn đảm bảo chất lượng, bao bì, nhãn mác được đầu tư, tăng độ nhận diện thương hiệu”.
Bằng sự kỳ công, tỷ mẩn trong từng công đoạn chế biến, các sản phẩm từ nhung hươu của doanh nghiệp được khách hàng ưa chuộng, thị trường phân phối đã được mở rộng đến nhiều cửa hàng OCOP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh giúp sản vật quê hương có cơ hội vươn xa, doanh nghiệp của bà Hà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, mỗi năm, doanh nghiệp của bà Hà thu mua và tiêu thụ được khoảng 4 tấn nhung hươu trên địa bàn huyện, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Cũng theo bà Hà, mỗi năm, cơ sở của bà có doanh thu trên 30 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận 2 - 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm từ việc nấu rượu, bà còn chăn nuôi thêm 40 con lợn rừng, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
“Làm nghề hơn 30 năm, tôi mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, đó là cách để tri ân khách hàng, đồng hành với chúng tôi trong nhiều năm qua. Có được sự ghi nhận của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng là động lực để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, đưa sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đi xa hơn”, bà Hà chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, nhận xét: “Bà Chu Thị Hồng Hà là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào nông dân của huyện và tỉnh. Tấm gương vượt khó, vươn lên của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác trên địa bàn cùng phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Mới đây, Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” đã bình chọn bà Hà là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Ngoài ra, bà cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022, phần thưởng này thật sự rất xứng đáng”.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.