Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 15:38

Nhiều địa phương lên phương án phòng, chống cháy rừng

Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích rừng lớn đang ráo riết chuẩn bị công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn.

Hơn 300 người được huy động dập lửa

Khoảng 18h30 ngày 12/2, xảy ra xảy ra cháy rừng tại địa bàn thôn Suối Thầu 2, xã Ngũ Chỉ Sơn (khu vực đỉnh núi giáp ranh giữa xã Ngũ Chỉ Sơn với xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai). Khoảng 19h10 cùng ngày, xuất hiện thêm điểm cháy rừng tại thôn Suối Thầu 2, xã Ngũ Chỉ Sơn.

Nhận thông tin, thị xã Sa Pa chỉ đạo trực tiếp Kiểm lâm thị xã, Ban Chỉ huy quân sự thị xã; Đảng ủy, UBND xã, Ban chỉ đạo PCCCR xã Ngũ Chỉ Sơn huy động lực lượng tham gia chữa cháy.

Điểm cháy thứ nhất ở thôn Suối Thầu 2 nhìn từ xa. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Theo ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, đến trưa nay (13/2), tất cả các điểm cháy đã cơ bản được kiểm soát, chỉ còn một số vị trí nhỏ vẫn tàn dư kèm khói bốc lên.

"Trước mắt khi vừa khống chế được vẫn phải bố trí lực lượng ở lại để kiểm soát tàn lửa; tới buổi chiều khống chế triệt để rồi thì mới rút quân"- ông Sâm nói.

Ông Sâm cho hay, hiện nay cấp độ cảnh báo cháy rừng ở địa phương đang cao nhất (cấp V). Dự báo ngày mai Lào Cai khả năng sẽ xuất hiện không khí lạnh kèm theo mưa, điều này có thể giảm thấp cấp độ cảnh báo cháy rừng.

Hiện, nguyên nhân xảy ra cháy vẫn đang tiếp tục được làm rõ.

Đồng Tháp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023

Đồng Tháp có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 12.380 ha; trong đó, diện tích đất có rừng khoảng 6.161 ha, diện tích khác (đất trống, đồng cỏ, mặt nước) là 6.224 ha. Diện tích rừng phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong năm 2023, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ, phòng chống cháy rừng tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Rừng tràm tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Lực lượng Kiểm lâm chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và chủ rừng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tập trung tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, Rừng phòng hộ Biên giới Dinh Bà, Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười. Đồng thời, bố trí lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết và trong suốt mùa khô năm 2023.

Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, vận hành các máy bơm chữa cháy đảm bảo hoạt động tốt, tổ chức triển khai xuống các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao vào đầu mùa khô, đảm bảo xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng; vệ sinh vật liệu cháy trong rừng, ven rừng, các tuyến đê bao, tạo đường băng trắng để hạn chế tình trạng cháy lan từ khu vực đồng cỏ vào rừng; nạo vét thông thoáng kênh mương, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị chữa cháy khi xảy ra cháy rừng; phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, theo phương châm "4 tại chỗ". Tỉnh yêu cầu các chủ rừng chủ động lợi dụng triều cường đưa nước vào rừng, những nơi có điều kiện tiến hành bơm nước để tăng độ ẩm trong rừng và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng.

Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, cơ sở trong các tháng cao điểm mùa khô duy trì họp giao ban định kỳ mỗi tháng 1 lần, khi cần thiết tổ chức họp đột xuất để xử lý thông tin, chỉ đạo kịp thời và báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh.

Ngoài việc tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh...

Lâm Đồng: Tăng cường dự báo, chủ động phòng chống cháy rừng

Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo dừng việc xử lý thực bì, tăng cường công tác dự báo, kịp thời thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động xử lý, ứng phó.

Năm nay, để kịp thời thực hiện tốt công tác PCCC rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm đồng đã có văn bản hoả tốc yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc cùng các đơn vị chủ rừng ngừng ngay việc xử lý thực bì mùa khô 2022 - 2023.

Nguyên nhân là do các đơn vị chủ rừng tiến hành xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp phát dọn, đốt thực bì nhằm hạn chế cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng trong mùa khô nhưng đã thực hiện không đúng quy trình, kỹ thuật quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khói phát sinh do đốt lớp thực bì gây ra.

Lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt một vụ cháy thực bì.

Thay vì xử lý thực bì theo hình thức châm lửa đốt cháy lớp cỏ, cây bụi tầng thấp như trước đây, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã chủ động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, chỉ huy, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ” để kịp thời xử lý, dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh, không để bùng phát, xảy ra cháy lớn.

Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện đám/điểm cháy rừng, thông báo và tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, dập tắt ngay các đám cháy khi mới phát sinh, không để ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường. Trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ, phải thông báo, huy động lực lượng cấp huyện, sự hỗ trợ của tỉnh để tham gia chữa cháy rừng…

UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương, đơn vị chủ rừng; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, thiết lập đầy đủ hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, rà soát, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC rừng; tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng để kịp thời thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động xử lý, ứng phó.

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top