Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 10 năm 2022 | 21:47

Nhiều nơi ở TT- Huế, Quảng Trị bị ngập sâu trong nước lũ, người dân dùng thuyền ghe để đi lại

Đến chiều 15/10, nhiều nơi ở TT- Huế, Quảng Trị vẫn còn bị nước lũ nhấn chìm, người dân phải dùng ghe thuyền để đi lại, nhiều tuyến giao thông vẫn còn bị chia cắt nghiêm trọng.

Tại Quảng Trị, mưa lớn kéo dài đến chiều 15/10, khiến nhiều nơi bị ngập cục bộ. Tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nhiều nơi bị chia cắt. Đặc biệt, thủy điện trên sông Đakrông mực nước dâng cao, có nơi vượt tràn 6 mét. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tiếp tục bị sạt lở.

Mưa lũ làm nhiều khu vực ở TT- Huế vầ Quảng Trị bị ngập sâu.

Mưa lũ làm nhiều khu vực ở TT- Huế vầ Quảng Trị bị ngập sâu.

Ghi nhận tại huyện Đakrông, mưa lũ đã làm chia cắt 2 điểm ở Km 265 và Km 273 thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, với mực nước ngập khoảng 50cm - 1m. Tuyến đường 588a bị chia cắt tại ngầm tràn Ba Lòng, ngập sâu trên 3m; đoạn đường Khe Tà Lang và Km 7 địa phận xã Mò Ó cũng rơi vào cảnh mênh mông nước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu, hiện mực nước tại các thủy điện trên sông ĐaKrông đã vượt ngưỡng từ 2-6m. Trên tuyến quốc lộ 15D bị chia cắt cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng xã A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn (xã Tà Long); cầu tràn La Tó, Húc Nghì (xã Húc Nghì); cầu Chân Rò (xã Đakrông); cầu tràn Đá Đỏ (xã Ba Nang) đều ngập từ 0,5 - 2,5m. Điều này làm chia cắt giao thông vào trung tâm các xã Ba Lòng, Ba Nang và A Vao.

Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.

Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.

Huyện Hướng Hóa, một số tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt khiến giao thông tạm thời chia cắt như ngầm tràn Bản 2, 3, Bản Giai, Úp Ly 2, Bản 1 Cũ (xã Thuận); các cầu tràn Xa Doan (xã A Dơi), thôn Thanh 1, Bản 10 (xã Thanh); thôn A Xóc-Lìa (xã Lìa); thôn Ván-Ry (xã Húc); thôn Cha Lỳ (xã Hướng Lập), và cầu tràn thôn Loa (xã Ba Tầng). Mực nước ngập ở các điểm này khoảng gần 1m.

Riêng huyện vùng trũng Hải Lăng, hiện tại các tuyến đường thôn xóm của các xã Hải Phong và Hải Sơn đã ngập. Ngoài ra, các tuyến đường tỉnh như Km 13+100 - Km15 (ĐT.584) nước ngập sâu 0,2 - 0,3m. Đoạn Km 4+700 - Km 5+200 (ĐT.588a) ngập từ 0,8-1m và cầu tràn Ba Lòng (Km 11+240) bị ngập sâu 3m. Cầu Km 5+659 (ĐT.586), Km 8+494 và cầu tràn Km 30+900 ngập từ 0,5 – 1,5m. Cầu La La - Km 1+700 (ĐT.587) ngập sâu 1,2m gây tắc giao thông.

Người dân phải dùng ghe, xuồng để đi lại.

Người dân phải dùng ghe, xuồng để đi lại.

Ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân. Đồng thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, hồ chứa nước, các khu vực nguy cơ bị sạt lở đất, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, khắc phục nhanh các sự cố. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường học bị ngập lụt cho học sinh nghỉ học; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhất là ở những địa bàn thôn, xóm dễ bị cô lập, chia cắt do lũ lụt để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến mưa lũ kéo dài.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, khu vực tỉnh Quảng Trị vừa qua có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến đạt 100-250 mm. Một số nơi cao hơn như A Vao 278 mm, Hải Phong 286 mm, Tà Long 316 mm, Mỹ Chánh 329 mm, A Bung 370 mm, Tà Rụt 371 mm, Đập thủy điện La Tó 422 mm. Hiện nay, lũ trên sông Ô Lâu, Thạch Hãn đang lên ở mức báo động 2 đến trên báo động 3, các sông khác mực nước đang dao động ở mức báo động 1 đến 2.

Lực lượng chức năng tiếp tục cứu hộ, sơ tản dân.

Lực lượng chức năng tiếp tục cứu hộ, sơ tản dân.

Trước diễn biến của mưa lớn và áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án dự kiến sơ tán 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu tại vùng lũ, ngập lụt; 2.243 hộ/8.921 nhân khẩu tại 30 xã thuộc 5 huyện thuộc vùng xảy ra lũ ống, lũ quét. Sơ tán, di dời 1.718hộ/6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện thuộc vùng xảy ra sạt lở đất.

Tại Thừa Thiên- Huế, theo ghi nhận, các tuyến đường khu “phố Tây” Chu Văn An - Nguyễn Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão cũng đang bị ngập sâu, người dân Cố đô và du khách thỏa sức “lội lụt” và... đi thuyền trên phố. Riêng tại TP. Huế, hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa...) ngập bình quân 0,3-0,5m.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn. Thống kê ban đầu, có khoảng 19.918 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.

Hàng trăm chiến sĩ quân đội và công an túc trực việc cứu hộ.

Hàng trăm chiến sĩ quân đội và công an túc trực việc cứu hộ.

 Huyện Quảng Điền đã trích nguồn kinh phí dự phòng mua đảm bảo lượng hàng dự trữ của huyện đủ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền để cứu trợ khẩn cấp; đồng thời, chuẩn bị cho lực lượng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện 1.000 lít xăng, 1.000 lít dầu diezel, 10.000 bao tải đựng đất, 100 rọ thép để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trích nguồn kinh phí dự phòng mua dự trữ 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít xăng, dầu ở mỗi đơn vị để chuẩn bị phòng, chống thiên tai.

Theo ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, trong chiều 14/10, tất cả học sinh toàn huyện được cho nghỉ học. Toàn huyện dự kiến di dời 934 hộ/2.433 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, sạt lở đất ven sông, ven phá và ven biển đến nơi an toàn khi mực nước sông Bồ trên báo động 3. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước trước và sau lũ.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, hiện còn hơn 1.860ha ao nuôi trồng thủy sản, hơn 2.800 lồng cá nuôi và hơn 2.500ha sắn, rau vụ đông chưa thu hoạch. Sở đã yêu cầu các địa phương đốc thúc người dân thu hoạch thủy sản thương phẩm và ứng phó với mưa bão, lũ lụt, đồng thời đã kiểm tra thực tế chỉ đạo công tác neo các lồng nuôi nhằm đảm bảo an toàn.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top