Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 10 năm 2023 | 10:10

Nỗ lực đưa nước sạch về với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo thống kê, cả nước có hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Tại một số vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước...

Nỗ lực đưa nước sạch về với đồng bào DTTS

Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Nhiều năm qua, gia đình ông Triệu Văn Chu (xã Yên Ninh) vẫn phải sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối, chứa trong bể. Tuy nhiên, do bể được xây lâu ngày, khó vệ sinh, nên nguồn nước không được đảm bảo vệ sinh.

Khi được cán bộ UBND xã Yên Ninh thông báo gia đình ông là một trong những hộ dân của xã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nhận téc nước từ dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi, ông rất vui mừng. Ông Chu chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ cấp téc chứa nước, gia đình vô cùng phấn khởi. Từ nay, gia đình đã có téc chứa nước đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, yên tâm sinh hoạt. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực để những người dân nghèo từng bước cải thiện cuộc sống”.

Năm 2023, Phòng Dân tộc huyện Phú Lương đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Trong đó, Yên Trạch - xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, 77 hộ.

Tỉnh miền núi Điện Biên là nơi thượng nguồn của nhiều con sông nhưng còn nhiều bản, xã ở các huyện vùng cao, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé… thiếu trầm trọng nước sạch sinh hoạt. Mấy năm gần đây, các cấp, các ngành và các huyện trong tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án đưa nước sạch về vùng cao.

Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên thi công đường ống dẫn nước phục vụ người dân huyện Mường Chà.

Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ UBND tỉnh, đến nay, Điện Biên có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. So với năm 2015, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 9,59% (năm 2015 mới đạt 75,33%). Các hộ dân khu vực nông thôn sử dụng hệ thống cấp nước quy mô hộ gia đình thường xuyên được cán bộ chuyên trách ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nước đúng cách để bảo đảm sức khỏe, hiệu quả sản xuất.

Đánh giá kết quả đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt đạt chuẩn trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - Lò Văn Tiến cho rằng: Là tỉnh miền núi khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số lại sống phân tán, tập trung  ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp..., mục tiêu đưa nước sinh hoạt về vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các ngành đặc biệt quan tâm.

Cải thiện vệ sinh, nước sạch thực sự là nhu cầu cấp bách của phụ nữ và người dân.

88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

Từ nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2015, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế mà vấn đề về nước sạch vùng nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hiện nay, chương trình này đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.

Theo Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân vào năm 2030. Đây là chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai chương trình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập được Bản đồ ở những vùng đặc biệt khan hiếm nước, đã có các số liệu và bản đồ về nước ngầm, đặc biệt là các tầng nước rất khó khăn để phục vụ điều tra. Bộ cũng đã cung cấp các số liệu này cho các địa phương, đồng thời, đã có trao đổi để những khu vực khan hiếm nước có thể nhận được các số liệu này để khai thác.

 Tiêu biểu như Hà Giang, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bằng hình thức đầu tư hỗ trợ người dân xây dựng bể chứa nước quy mô hộ gia đình; đồng thời xây các hồ treo có dung tích trữ nước từ 3 đến 10 nghìn mét khối tại các khu vực có điều kiện.

Theo thống kê, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, có 121 hồ treo phục vụ nước cho cộng đồng và hàng chục nghìn bể chứa nước của các hộ gia đình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, trước đây, chưa có hệ thống nước sạch, hằng ngày đồng bào Raglai, Chăm ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để sinh hoạt.

 Xác định cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Ninh Thuận đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương; vốn tài trợ, vốn vay để nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn công suất 3.000-8.000m3/ngày đêm. Các công trình này được xây kế cận các công trình thủy lợi hoặc sông, hồ lớn nhằm bảo đảm nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn.

Cả nước hiện có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 41% và cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 10%.

Các vùng có tỷ lệ cao về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (trên 60%) gồm: Đồng bằng sông Hồng (67%), Đông Nam Bộ (65%), Đồng bằng sông Cửu Long (67%). Các vùng có tỷ lệ thấp về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (dưới 30%) gồm miền núi phía Bắc (29%) và Tây Nguyên (28%).

Sau khi tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức bàn giao Hồ sơ kết quả của dự án cho các đơn vị liên quan gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh trong phạm vi dự án để nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác nước phù hợp, xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top