Chỉ vài tháng nữa là vào vụ thu hoạch, nhưng nhiều người trồng sắn ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đang lo lắng vụ mùa thất thu vì bệnh khảm lá trên cây sắn ngày càng nặng.
Ghi nhận của chúng tôi tại cánh đồng trồng sắn của người dân ở thị trấn Tân Bình đang giai đoạn ra củ sắp thu hoạch nhưng bị nhiễm bệnh khá nặng. Thân cây sắn nhỏ, lá sắn bị cuốn, vàng loang lổ...
Ông Võ Văn Bé, người dân địa phương cho biết, năm 2021, mua giống sắn cao sản từ Quế Sơn về trồng thử nghiệm trên 3 sào (1sào Trung Bộ = 500m2) đất và cho năng suất khá cao, giá cả lại tương đối ổn định.
Sang năm 2022 thì cây sắn bắt đầu bị nhiễm bệnh khảm lá, chất lượng củ giảm đáng kể và năm nay bệnh này tiếp tục xuất hiện, mặc dù ông đã chăm sóc, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phòng trừ nhưng tình hình bệnh vẫn không cải thiện.
Bệnh khảm lá sắn hoành hành ở huyện Hiệp Đức. Ảnh: N.Q
“Năm 2021, với 3 sào đất trồng sắn này, tôi thu được hơn 3 tấn củ tươi. Năm 2022, cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, năng suất củ giảm đi hơn 1 tấn. Năm nay bệnh tiếp tục xuất hiện, năng suất dự báo sụt giảm là điều khiến tôi lo lắng”, ông Bé chia sẻ.
Theo nhiều người dân trồng sắn ở thị trấn Tân Bình, so với trồng bắp thì cây sắn ít công chăm sóc, năng suất cao, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên cây sắn xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh khảm lá làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, khiến nguồn thu cũng sụt giảm.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức cho biết, toàn huyện có 120/216ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Hầu hết bệnh xảy ra trên một số giống sắn cao sản như PLT01, KM94.
Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, cho biết, năm 2023, người dân lấy giống sắn cũ trồng lại nên bệnh khảm lá xuất hiện khá nhiều, phổ biến nhất là ở thị trấn Tân Bình. Đây là bệnh do vi rút gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ còn giải pháp thay giống mới.
Vụ mùa năm nay, Trung tâm đưa vào trồng thử nghiệm giống sắn HN3, cây đang trong giai đoạn cho củ và bước đầu cho thấy có sức đề kháng bệnh khá tốt. Kết thúc vụ sản xuất, đánh giá đạt yêu cầu, ngành nông nghiệp sẽ có kế hoạch hỗ trợ giống sắn mới để thay thế giống sắn cũ, đem lại hiệu quả cao hơn.
Nguyễn Quỳnh
Biện pháp phòng bệnh khảm lá trên cây sắn Khảm lá sắn là đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn, bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Triệu chứng, tác hại Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ, lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ; mức độ hại nặng, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi, virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non. Lá sắn bị bệnh khảm lá nặng. ảnh: Thu Hiền. Cơ chế lan truyền bệnh Qua hom giống: Virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn từ vụ trước, khi sử dụng thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm. Qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng: bọ phấn trắng chích hút trên cây sắn bị bệnh sẽ truyền virus sang cây khỏe. Biện pháp phòng bệnh Chọn giống gieo trồng: Chọn giống kháng bệnh, giống khỏe, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh như KM140, KM94. Tuyệt đối không sử dụng giống sắn HLS11 để trồng (HLS11 là giống có mật độ bọ phấn trắng nhiễm cao hơn nhiều lần so với các giống khác). Biện pháp luân canh: Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn trắng (cây thuốc lá, cà chua, cà pháo, bầu bí, khoai tây, ớt…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá virus từ vụ trước; áp dụng trồng luân canh giữa cây sắn với các loại cây trồng khác như mía, đậu tương, củ đậu, lạc… để cắt đứt nguồn chung chuyển của bệnh. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, dọn sạch tàn dư cây sắn từ vụ trước, phát quang cỏ dại tại các bờ và khu vực bao quanh vùng trồng, áp dụng tốt các biện pháp luân canh giữa cây sắn với các loại cây trồng khác như mía, đậu tương, củ đậu, lạc… để cắt đứt nguồn chung chuyển của bệnh. Theo dõi những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh, những vùng đã nhiễm bệnh vụ trước, phun trừ bọ phấn ở giai đoạn ấu trùng bằng các loại thuốc hóa học có tính lưu dẫn, nội hấp như: Super Ram 75WP, Chess 50WG, Acdinosin 50WP… kết hợp với thuốc có tính tiếp xúc, xông hơi như: Bassa 50ND, victory 585EC, Polytox 666EC, Bassa 50ND,... Biện pháp tiêu hủy Tăng cường điều tra trên diện tích sắn, để sớm phát hiện những ruộng bị bệnh, thông qua các triệu chứng trên bộ lá, từ màu xanh sang khảm vàng loang lỗ, để có biện pháp tiêu hủy, xử lý kịp thời. Đối với những ruộng sắn có tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ, tiêu hủy cây bị bệnh, bón vôi vào phần đất cây vừa nhổ. Đối với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom, tiêu hủy. Trên diện tích đã nhổ bỏ, tiêu hủy, hướng dẫn nông dân cày lật, bón vôi xử lý đất và chuyển đổi trồng các loại cây màu còn thời vụ như: Đậu xanh, vừng, lạc, ngô... Nông dân cần thực hiện biện pháp tiêu hủy cũng như theo dõi, giám sát toàn bộ các diện tích trồng sắn; sau 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để như hướng dẫn trên. P.V (Theo tài liệu của TT Khuyến nông quốc gia) |