Từ đầu vụ đông xuân đến nay, hàng loạt ruộng sắn trên địa bàn Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam bị bệnh khảm lá gây hại với mức độ ngày càng nặng.
Do loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên dự báo thời gian tới số diện tích sắn bị nhiễm bệnh sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, trên nhiều cánh đồng lúa, chuột và các loại sâu bệnh khác cũng phát sinh diện rộng.
Nông dân phải tích cực kiểm tra đồng ruộng để chủ động phòng trừ chuột và các loại sâu bệnh nguy hiểm.
Nhiễm bệnh khảm lá ở cây sắn
Đứng nhìn ruộng sắn còi cọc và hầu hết lá bị xoắn lại, bà Lê Thị Hoa ở thôn Phước Dương (xã Quế Thuận, Quế Sơn) nói: “Cách đây 2 tháng, gia đình tôi xuống giống hơn 2 sào sắn trên khu đất vườn. Khi cây sắn vừa lên xanh thì bệnh khảm lá xuất hiện và lây lan rất nhanh.
Bây giờ, toàn bộ diện tích đều bị nhiễm bệnh khá nặng, cây sắn không phát triển và đã chết rải rác. Mùa trước, ruộng sắn của tôi cũng bị bệnh khảm lá hoành hành, cuối vụ chỉ nhổ được mươi củ, mất nguồn thu nhập đáng kể. Nay, tình trạng đó lặp lại, cuộc sống chắc chắn sẽ khó khăn hơn”.
Ông Huỳnh Văn Tuấn – cán bộ ban nông nghiệp xã Quế Thuận thông tin, năm 2023, nông dân trên địa bàn 5 thôn của xã trồng 270ha sắn. Gần đây, bệnh khảm lá bùng phát mạnh trên diện rộng và tính đến thời điểm này toàn bộ diện tích sắn vừa nêu đã bị nhiễm bệnh.
“Qua kiểm tra ở nhiều vùng cho thấy, tỷ lệ cây sắn nhiễm bệnh khảm lá bình quân khoảng 30 – 50%, có không ít nơi lên đến 90 – 100%” – ông Tuấn nói.
Ông Lê Công Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, năm nay, nông dân địa phương trồng hơn 1.715ha sắn. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã có 874ha sắn (chủ yếu là giống PLT01 và KM94) bị bệnh khảm lá gây hại với tỷ lệ nhiễm bệnh bình quân 10 – 20%, nơi cao 30 – 50%. Số diện tích sắn bị nhiễm bệnh nêu trên phần lớn tập trung ở các xã Quế Thuận, Quế Phong, Quế Long, Quế An, Quế Hiệp, Quế Châu, Quế Minh, Quế Mỹ và thị trấn Đông Phú.
Theo tìm hiểu, khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm do vi rút Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. Bệnh này có khả năng phát tán và lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom sắn giống.
Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Ông Nguyên cho biết, hiện bệnh khảm lá trên cây sắn chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp chính là nông dân nhổ bỏ các cây bị nhiễm bệnh hoặc chết rồi trồng dặm lại, còn nếu ruộng sắn nhiễm bệnh quá nặng thì phá bỏ luôn. Đối với những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh, người dân cần phun trừ bọ phấn trắng bằng thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng theo ông Nguyên, vụ này, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn triển khai mô hình canh tác khảo nghiệm 2 giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá là HN3 và HN5 trên 10 sào đất.
Thời gian qua cây sắn trên ruộng sản xuất khảo nghiệm không bị bệnh khảm lá gây hại, sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu 2 giống sắn này cho năng suất và sản lượng cao thì những vụ tới ngành chuyên môn sẽ khuyến cáo nông dân đưa vào trồng trên diện rộng để thay thế các giống sắn lâu nay thường bị nhiễm bệnh khảm lá như PLT01, KM94, Lagiong09...
Chuột và sâu bệnh gây hại lúa
Khảo sát các cánh đồng lúa của xã Quế Phú (Quế Sơn), chúng tôi thấy rất nhiều nông dân đào phá hang, đặt bẫy, đánh bả sinh học... để diệt chuột, bảo vệ mùa màng.
Ông Nguyễn Văn Hoa – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho biết, đông xuân này địa phương sản xuất 476ha lúa, hiện hầu hết ruộng lúa đang giai đoạn đứng cái. Từ đầu vụ đến nay, chuột xuất hiện và cắn phá khoảng 100 sào lúa ở nhiều xứ đồng với tỷ lệ hại bình quân 10 – 15%, có vùng lên đến 40 – 50%.
“Trước tình trạng trên, Mặt trận và các hội đoàn thể của xã phối hợp tổ chức cuộc thi ra quân đánh bắt chuột trên toàn bộ 8 thôn. Trong vòng 1 tuần, người dân Quế Phú diệt được 6.200 con chuột và UBND xã xuất nguồn kinh phí sự nghiệp thu mua đuôi chuột với mức giá 3 nghìn đồng/cái” – ông Hoa nói.
Bà Phạm Thị Vân Anh – chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, vụ đông xuân năm nay, ngoài việc canh tác 264ha bắp, 810ha đậu phụng, 93ha khoai lang, 203ha rau đậu các loại thì nông dân 13 xã, thị trấn của huyện còn gieo sạ 3.607ha lúa.
Trong số diện tích lúa vừa nêu, có 3.049ha chủ động tưới và 558ha phụ thuộc nước trời. Hiện nay, lúa chủ động tưới đang thời kỳ cuối đẻ nhánh và đứng cái, còn lúa nước trời đang giai đoạn trổ bông – chín sáp. Tuy nhiên, thời gian qua chuột xuất hiện và cắn phá rải rác khoảng 50ha lúa ở nhiều địa phương như Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2, Quế Mỹ, Quế Phong, Hương An.
Trong khi đó, ông Lê Công Nguyên thông tin thêm, ngoài việc chuột cắn phá thì những ngày qua sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, sâu phao, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng... cũng gây hại rải rác trên lúa đông xuân ở nhiều nơi của huyện.
“Nhằm hạn chế thiệt hại do chuột và các loại sâu bệnh gây ra, đơn vị đã cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về đứng cánh tại các địa phương để phối hợp cùng cán bộ ban nông nghiệp xã, các hợp tác xã, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai những biện pháp phòng trừ hữu hiệu” – ông Nguyên nói.