Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 8 năm 2023 | 16:10

Nông dân bị thiệt hại cây trồng, vật nuôi do mưa lũ

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều địa phương đã xảy ra lũ, ngập úng, sạt lở khiến cho nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi và tài sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng.

Tài sản, hoa màu khu vực phía Bắc bị thiệt hại

Những ngày gần đây, mưa lớn đã xảy ra tại nhiều địa bàn của các tỉnh miền Bắc, trong đó có 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập úng.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, từ đêm 27 đến chiều 28/7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 100mm đến 142mm, đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân và một số công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.

Mưa lớn gây thiệt hại 15ha lúa, ngô đang thời kỳ sinh trưởng. Lũ ống đã cuốn trôi 3 con trâu tại huyện Văn Yên; làm nhiều diện tích lúa, ngô tại huyện Lục Yên, Mù Cang Chải bị ngập, gãy đổ. Mưa lớn gây sạt lở đường tỉnh 163 tại Km53 +350 thuộc xã An Bình, huyện Văn Yên.

Trên Quốc lộ 32, tại Km267+250, Km269+800 (khu vực đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải), lũ cuốn trôi nhiều đất đá gây ách tắc giao thông cục bộ. Đất đá ta-luy dương sạt tràn kín mặt đường với hơn 1.700m3 đất đá, gây ắc tắc giao thông cục bộ. Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 1 đã điều người và máy móc khắc phục, đến 12 giờ 15 phút đã thông đường. Ước tổng thiệt hại 370 triệu đồng.

Mưa lớn đã làm sạt lở đường Yên Bái - Khe Sang đoạn Km 53 + 350 thuộc xã An Bình (Văn Yên) (ảnh Văn Tuấn - Báo Yên Bái).

Tại tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao, đêm về sáng ngày 28/7 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa đều khắp, nhiều nơi có mưa to đến rất to, số liệu quan trắc được từ 19h ngày 27/7 đến 9h ngày 28/7 cho thấy mưa rất to 2 trạm (Gia Phú - Bảo Thắng 134,8mm, Bản Cầm - Bảo Thắng 100,2mm), mưa to 51-99mm 11 trạm, mưa vừa  20-50mm 34 trạm, mưa nhỏ 3 trạm. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường giao thông ngập úng và gây thiệt hại nhiều về tài sản, cây trồng của nhân dân.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh có 89,79 ha lúa bị ngập úng (huyện Bảo Thắng 73,82 ha; thành phố Lào Cai 11,77 ha; Văn Bàn 4,2 ha); 7 ha ngô bị ngập (thành phố Lào Cai 0,7 ha; huyện Bảo Thắng 6,3 ha); 0,79 ha thuỷ sản (thành phố Lào Cai 0,16 ha; huyện Bảo Thắng 0,63 ha) thiệt hại 2 tấn cá các loại; 1 con trâu bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lớn đã khiến 6 nhà bị ngập nước gây thiệt hại một số đồ đạc trong nhà (thành phố Lào Cai: 3 nhà, huyện Bảo Thắng: 3 nhà).

Về cơ sở hạ tầng, mưa lớn đã khiến công trình thuỷ lợi thôn Muồng, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai bị vỡ 15m kênh mương. Nhiều tuyến đường Quốc lộ bị ách tắc do ngập nước như: Km 21 Quốc lộ 70, vị trí ngầm tràn thuộc Tổ dân phố số 2, thị trấn Nông trường Phong Hải bị ngập úng gây ách tắc giao thông cục bộ 4 giờ; Quốc lộ 279, tại vị trí ngầm tràn suối Nậm Liệp, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn xuất hiện lũ gây ách tắc giao thông cục bộ 6 giờ.

Hiện nay, nước đã rút, 2 vị trí trên các phương tiện tham gia giao thông đã đi lại bình thường. Ngoài ra, đường do huyện, thị xã, thành phố quản lý cũng bị sạt lở 6 tuyến (thành phố Lào Cai 4 tuyến, huyện Bảo Thắng 2 tuyến). Ước tổng thiệt hại do mưa lũ đêm 27 và sáng 28/7 là hơn 1,3 tỷ đồng.

Tiền Giang khốn đốn vì mưa to kéo dài

Cũng như nhiều nông dân trồng rau màu chuyên canh tại địa phương, những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Quí, ở ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) phải thường xuyên bám ruộng. Ông Quí cho biết, hơn 10 năm trồng rau má nhưng năm nay gặp khó khăn nhất do mưa bão bất thường, giá rau sụt giảm. Đặc biệt, khi trời mưa là nông dân phải tốn kém chi phí bơm tát để cứu rau.

“Bơm nước ra được nhưng rau vẫn bị hư, tại mưa nước đã thấm trong đất. Giá rau thì chỉ còn 5.000 đồng/kg, giá này là lỗ vì giá hòa vốn là phải trên 7.000 đồng/kg. Thời tiết mưa nhiều, mưa là phải xịt thuốc dưỡng thường xuyên nhưng tác dụng vẫn không đạt. Nước ngập là phải bơm, mấy bữa nay mưa nhiều, ngày nào cũng phải bơm, trong khi đầu ra cây rau rất khó”, ông Nguyễn Văn Quí than thở.

Mưa to kéo dài gây ngập úng, cây rau sẽ bị bệnh như: vàng lá, nổ lá, chi phí phát sinh thêm từ 20-30%. Ông Dương Văn Trưng trồng 1 ha rau Om tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, vào cao điểm mùa mưa này trồng rau rất khó nhưng giá sụt giảm, nên lãi thấp, thậm chí không có lãi.

“Cây rau có giá trị cao hơn cây lúa, nhưng trồng rau cực khổ hơn cây lúa. Mấy tháng trước, giá được 6000 đồng/kg nhưng mấy bữa nay giảm 1.000 đồng/kg, còn 5.000 đồng/kg. Bây giờ rau phải xịt thuốc khó lắm, tôi mới thu hoạch lứa rồi lỗ 15 triệu đồng, trồng 2 đám cắt được có 1 đám có mấy tấn bán lấy vốn. Rau dư là thương lái ép giá, rau Om này không trị sâu, không xịt dưỡng rễ là không sống nổi”, ông Trưng chia sẻ.

Ruộng rau Om của nông dân xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành đang bị ngập nước mưa

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian gần đây, nông dân tỉnh Tiền Giang đã phát triển mạnh mô hình trồng rau màu dưới chân ruộng với hàng chục nghìn ha/năm. Cây rau màu rất nhạy cảm với thời tiết nhất là mưa bão kéo dài sẽ bị thiệt hại do ngập úng. Trước thực trạng này, Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang đã vận hành các cống đập hợp lý theo hướng ngăn triều cường, tiêu thoát nước từ nội đồng.

“Nói chung ngày nào cũng có mưa, khu vực Gò Công đã tăng cường xổ xả các cống đập để tháo rửa ô nhiễm, tháo cây lục bình ra. Trên đây, các cống Gò Cát, Bảo Định vận hành ra vào tự do, riêng mấy ngày có mưa lớn mình vận hành một chiều, tháo ra, nước lớn thì đóng lại nên không có ngập. Người dân nên chủ động bờ vùng, bờ thửa để ngăn triều và tháo úng”, ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết.

Hiện nay, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, bà con nông dân tỉnh Tiền Giang không chủ quan, lơ là mà tích cực bám sát ruộng đồng, có kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả với thiên tai để bảo vệ thành quả trong sản xuất, để có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hơn 2.440 ha cây trồng bị ngập ở Ea Súp 

Thống kê thiệt hại sơ bộ ban đầu trên địa bàn xã Ea Bung mưa lớn đã gây ngập 8 ngôi nhà (tại thôn 10), 167 héc-ta lúa, 7 héc-ta hoa màu và hơn 400m2 mặt ao nuôi cá (tại thôn 5 và thôn 10) bị thiệt hại.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (TALIM) và bão số 2 (DOKSURI), gió Tây Nam hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa vừa đến mưa rất to, đặc biệt từ ngày 21 đến ngày 29-7 có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt từ 100-400mm đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp của các địa phương như huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông. Hiện có, hơn 2.440 héc-ta cây trồng bị ngập, trong đó lúa 2.256 héc-ta 95,5 héc-ta ngô; 45,5 héc-ta điều; 46 héc-ta đậu và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng.

Nhiều héc-ta lúa và cây trồng bị thiệt hại tại xã Ea Bung.

Riêng trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, có 1.462 héc-ta cây trồng các loại bị ngập, một số tuyến đường giao thông tại Quốc lộ 14C từ xã Ia Rvê đi xã Ia Lốp, ngoài ra còn một số điểm trên tuyến đường liên xã bị ngập từ 10-20cm. Đồng thời, mưa lớn đã làm hư hỏng khoảng 2km đường kênh N12, thuộc kênh Chính Tây hồ chứa nước Ea Súp thượng…

Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp các lực lượng và chính quyền địa phương triển khai lực lượng, phương tiện túc trực sẵn sàng cơ động hỗ trợ người dân bị thiệt hại, chủ động phương án đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết để cảnh báo đến người dân trên địa bàn có phương án ứng phó.

Thiệt hại khoảng 2.000 tấn cá bè do mưa lũ

Thông tin báo chí, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán (Đồng Nai) cho biết, mưa lũ trong những ngày qua gây thiệt hại lớn trên địa bàn.

Mưa lớn, lượng nước trên sông Đồng Nai và sông La Ngà đổ về nhiều, gây ngập cục bộ nhiều nơi, thiệt hại nặng về kinh tế. Nặng nề nhất là H.Định Quán, tập trung tại một số vùng trũng của 5 xã gồm: Phú Vinh, Thanh Sơn, Phú Hòa, Ngọc Định và Gia Canh.

Theo ông Tài, tính đến hết ngày 31.7, toàn huyện ghi nhận bị sập 11 căn nhà; 195 ha ruộng lúa và cây lâu năm bị ngập; đặc biệt là hơn 300 lồng bè nuôi cá trên sông của các hộ dân với tổng số lượng ước tính 1.845 tấn cá bè bị cuốn trôi, chết ngộp. Thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng.

Người nuôi cá bè trên sông Đồng Nai và La Ngà bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán cho biết, khi lũ về, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của huyện đã khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng bởi lũ; yêu cầu các hộ nuôi cá bè di chuyển vào neo đậu ở các vị trí an toàn. Hiện vẫn đang huy động lực lượng túc trực 24/24 giờ để phòng chống mưa lũ.

Ngoài H.Định Quán thì H.Tân Phú cũng gánh chịu thiệt hại bởi mưa lũ. Tính đến hết ngày 31.7, ghi nhận hơn 282 ha lúa, hoa màu cùng nhiều nhà dân, chuồng gà heo bị ngập; ngoài ra cũng có khoảng 180 tấn cá bè bị chết ngộp, nước cuốn.

Theo Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước tại thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai đang lên rất nhanh. Vào chiều 31.7, mực nước đo tại trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai là khoảng 113,5 m, vượt mức báo động 3. Mực nước tại trạm Phú Hiệp, trên sông La Ngà gần 106 m, vượt báo động 2.

Trong khi đó ở phía hạ lưu, trong ngày 31.7 Thủy điện Trị An đón lượng nước đổ về rất lớn (2.500 m3/s). Còn trong sáng 1.8, lượng nước về hồ tăng lên 2.700 m3/s (đo lúc 7 giờ), hiện mực nước Thủy điện Trị An đạt hơn 57,8 m (cao trình của hồ chứa là 62 m). Lãnh đạo Thủy điện Trị An cho biết nếu trong vài ngày tới, lượng nước đổ về không giảm, đơn vị này sẽ tính toán việc xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa trước tình hình mưa lũ phức tạp.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra ao, hồ, lồng, bè, gia cố lại lưới, hệ thống dây neo, các trang thiết bị bảo đảm an toàn và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát thủy sản. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng cần khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích thước thương phẩm, di chuyển lồng, bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ. Trong thời gian bão, áp thấp nhiệt đới cần giảm hoặc dừng cho cá ăn, khi có mưa lớn tiến hành xả nước tầng mặt; sau mưa, bão cần bổ sung khoáng chất, men tiêu hóa cho đối tượng nuôi và sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi...

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top