Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 2 năm 2024 | 15:24

Phát huy tối đa giá trị văn hóa Làng dệt thổ cẩm Xí Thoại

“Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã được UBND tỉnh Phú Yên quyết định công nhận vào năm 2023. Điều này không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của nghề truyền thống mà còn ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người dân Xí Thoại đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm”, bà Đặng Thị Thủy, Phó giám đốc Sở NN-PTNN Phú Yên cho biết.

Sáng 29/2, tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, UBND huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm và công bố quyết định, trao bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại.

Cái nôi Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm và dệt thổ cẩm

Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có 219 hộ dân với 608 nhân khẩu chủ yếu dân tộc Ba Na (chiếm 95%). Thôn được công nhân là thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào năm 2000 và được biết đến như là cái nôi của loại hình văn hóa nghệ thuật đặt sắc Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nối tiếp truyền thống cách mạng, trong những năm qua, cán bộ và nhân dân thôn Xí Thoại luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, trong đó nổi lên là phong trào thi đua sản xuất cùng với việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm vừa tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập đáng kể cho những hộ tham gia, vừa góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Lễ đón nhận bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại.

Nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại được hình thành từ trước năm 1945. Lúc đầu người dân dệt ra sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho gia đình và đồng dân cư. Trong quá trình giao lưu văn hóa, do sự tinh tế và tính độc đáo, sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh nên người dân trong thôn duy trì nghề dệt cho đến nay. 

Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngành nghề nông thôn, nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại đã phát triển thêm một bước mới. Khi mới khôi phục năm 2000, tổ dệt thổ cẩm có 16 chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa. Do hoạt động phong phú, hiệu quả và có ý nghĩa nên số chị em tham gia tổ ngày càng đông hơn, đến nay đã có hơn 40 hộ. Các sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều kiểu dáng, màu sắc, đáp ứng với thị hiếu người tiêu dùng và có giá cả phù hợp nên thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Để “Chung sức, chung lòng khôi phục Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại”, Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã vận động, tuyên truyền đến bà con ý thức bảo vệ tốt môi trường làng nghề để sản xuất bền vững. UBND xã Xuân Lãnh cũng phân công cán bộ theo dõi, quản lý làng nghề, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân về các vấn đề có liên quan đến phát triển làng nghề để tham mưu lãnh đạo địa phương kịp thời giải quyết. Qua đó đã tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông, cha để lại.

Trải nghiệm không gian nghệ thuật dệt thổ cẩm tại thôn Xí Thoai

Chị Lù Minh Uyển, cán bộ phụ trách làng nghề cho biết, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành đã giúp các sản phẩm của làng nghề tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2023, tổng doanh thu từ nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại là 624 triệu đồng/năm; tổng chi phí 374,4 triệu đồng/năm; lợi nhuận 249,6 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân hơn 6,2 triệu đồng/người/năm.

Quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề thổ cẩm

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, chia sẻ, với tâm huyết và sự quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, những nghệ nhân nghề dệt thổ cẩm làng Xí Thoại được sự đồng thuận của người dân và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Từ một tổ dệt khi mới thành lập chỉ có 16 người, đến nay Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã thu hút hơn 40 người tham gia và đã tạo ra trên 10 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm làm theo đơn đặt hàng và đã được một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiếp cận thị trường (trong đó có một doanh nghiệp ở thủ đô Hà Nội đang giới thiệu, bày bán các sản phẩm của làng nghề).

Những cô gái BaNa thôn Xí Thoại bên khung dệt duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Để Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại ngày càng phát triển, tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan ở huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ về mọi mặc, nhất là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp cho các sản phẩm của làng nghề tiếp cận ngày càng nhiều với thị trường trong và ngoài địa phương. Đồng thời, bà con nhân dân thôn Xí Thoại và tổ dệt làng nghề hãy tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nét độc đáo của sản phẩm dệt thổ cẩm, tích cực tham gia làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, tinh xảo hơn, độc đáo hơn để góp phần cho Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại của chúng ta ngày càng phát triển, đồng thời tiếp tục gìn giữ và truyền nghề cho con cháu muôn đời sau.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với kinh nghiệm được tích lũy từ bao đời, người Ba Na ở Xí Thoại đã tạo nên nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, đó là nghề dệt thổ cẩm. “Được công nhận làng nghề dệt thổ cẩm là một điều rất đáng trân trọng và tự hào nhưng chặng đường phía trước của Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại còn nhiều thách thức. Vì vậy, trong thời gian đến, các sở ban ngành tỉnh cùng chung tay với Đảng bộ, chính quyền huyện Đồng Xuân, xã Xuân Lãnh và nhân dân của Xí Thoại quan tâm, khuyến khích địa phương chung tay xây dựng Xí Thoại thành điểm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu và thu hút đông đảo khách du lịch đến với địa phương; phát triển các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm mang tính hiện đại hơn để mở rộng thị trường tiêu thụ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ vừa mang lại hiệu quả thiết thực”, bà Thủy nhấn mạnh.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top