Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 3 năm 2023 | 15:35

Sạt lở ở ĐBSCL diễn biến phức tạp

Mặc dù chưa tới mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở đất tại các khu vực sông, kênh ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các địa phương đã và đang triển khai, rà soát các khu vực nguy hiểm, lên kế hoạch ứng phó.

Sạt lở ngày càng phức tạp

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 8 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 150m, làm mất hơn 700m2 đất, ước thiệt hại gần 300 triệu đồng. Trước đó, ngày 19/3, đã xảy ra vụ sạt lở tại kênh Mái Dầm ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước (huyện Châu Thành) với chiều dài 30m, sâu vào nơi rộng nhất 4m, diện tích mất đất 120m2, chia cắt đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại 80 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào lúc 12 giờ 30 phút trưa nay ngày 21/3, đã xảy ra một vụ sạt lở đất tại bờ kênh Cái Dầu, ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, dài 30m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 7m, diện tích mất đất 210m2, chia cắt đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại gần 45 triệu đồng. Sau khi xảy ra sự việc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành đã xuống hiện trường phối hợp với chính quyền xã điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp tại hai điểm sạt lở.

Điểm sạt lở ảnh hưởng đường giao thông được địa phương khắc phục cho bà con lưu thông, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: TTXVN).

Trong khi đó, những ngày qua, tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, làm hư hỏng các công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở địa phương.

Theo ghi nhận, tại điểm sạt lở ở tuyến rạch Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, chỉ một đoạn ngắn khoảng 4km nhưng đã có đến 8 điểm sạt lở, ước thiệt hại gần 250 triệu đồng. Gần đây nhất, có điểm sạt lở đã ăn sâu vào bờ khoảng hơn 10m, trên chiều dài 30m sát nhà dân, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất, cây cối, công trình kiến trúc.

Ông Huỳnh Văn Hà, nhà ở trên tuyến rạch Phụng An, (An Mỹ, Kế Sách) cho biết, sạt lở xảy ra hơn một tháng nay. Vị trí sạt lở ăn sâu vào gần sát nhà dân, làm đứt một đoạn đường giao thông nông thôn, người dân đi lại rất khó khăn.

Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh thường xuyên xảy ra đối với các huyện ven sông Hậu, cao điểm vào tháng mưa, lũ. Nguyên nhân do thủy triều cao và gió to sóng lớn. Về lâu dài, ngành chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát thực tế sạt lở để có những giải pháp triệt để hơn.

Huyện Kế Sách có 24 km chiều dài bờ giáp với sông Hậu, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 33 điểm sạt lở trên chiều dài hơn 1km. Chính quyền địa phương đã khắc phục được 29 vị trí và đang tiếp tục đề xuất các phương án khắc phục tại các vị trí còn lại.

Tình trạng sạt lở ở tỉnh Đồng Tháp cũng diễn ra phức tạp và khó lường. Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, còn 5.978 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn; trong đó, có 2.440 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Các địa phương có nhiều điểm sạt lở là huyện Thanh Bình, Châu Thành, Hồng Ngự và TP Cao Lãnh. Mặc dù mỗi năm tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng phòng, chống, thực hiện các dự án ngăn ngừa nhưng tình trạng này năm nào cũng xảy ra, kéo theo nhiều thiệt hại.

Bến Tre công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở khu vực Mỏ Cày Nam

Thời gian gần đây, người dân sinh sống ven sông Mỏ Cày ở huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đang đứng ngồi không yên vì đất ven sông cứ ngày bị chìm dần. Theo người dân sinh sống ở thị trấn Mỏ Cày Nam, dọc sông Mỏ Cày có nhiều đoạn bị sạt lở, tạo thành các hàm ếch sâu, rộng đe dọa đất đai, nhà cửa của người dân sinh sống ven bờ. Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước cũng nằm trong vùng sạt lở.

Bờ Bắc sông Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre bị sạt lở nặng nề cần được khắc phục (Ảnh: VOV)

Theo người dân, dù không phải mùa mưa nhưng sạt lở vẫn diễn ra ở nhiều khu vực có do mật độ ghe, thuyền kích cỡ lớn di chuyển nhiều, tạo thành sóng lớn xói mòn khiến sạt lở phức tạp, khó dự đoán.

Theo đó, có hai điểm sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng một số trụ sở cơ quan nhà nước và nhiều hộ dân. Điểm thứ nhất, từ cống Đình Hội Yên (thị trấn Mỏ Cày) đến Kho xăng, chiều dài 200m. Sạt lở tạo hàm ếch, hố sâu nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp các cơ quan nhà nước như: Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thống kê, Viện Kiểm sát, Trạm y tế,…

Điểm thứ hai, từ chân cầu Ông Đình đến Kho bạc Nhà nước huyện Mỏ Cày Nam, ước chiều dài sạt lở khoảng 480m. Sạt lở từ kè hiện hữu lấn sâu vào nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân; đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp quốc lộ 57.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre có văn bản công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở ở khu vực huyện Mỏ Cày Nam. Tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương vùng sạt lở triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm (nếu có).

Các địa phương cần thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở. Bên cạnh đó, yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Mỏ Cày Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở đúng theo quy định để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Vụ sạt lở tại bờ kênh Cái Dầu, ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, dài 30m.

Được biết, tỉnh Bến Tre không chỉ có khu vực huyện Mỏ Cày Nam diễn ra tình trạng sạt lở, uy hiếp tài sản, tính mạng người dân mà toàn tỉnh có hơn 100 điểm sạt lở nằm ở nhiều huyện, thành phố khác nhau. Trong số đó, là các khu vực cồn, cù lao nằm giữa sông. Bến Tre cũng vừa quyết định đầu tư, nâng cấp tuyến đê bao ven cù lao Tam Hiệp, cù lao lớn ở tỉnh. Tuyến đê bao có chiều dài khoảng 20km với nguồn vốn 325 tỷ đồng sẽ giúp hàng trăm hộ dân an tâm hơn, không phải lo mất đất, mất nhà nằm ven sông Tiền.

Liên quan đến tình trạng sạt lở tại bờ Bắc sông Mỏ Cày (thuộc huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), theo đề xuất của tỉnh Bến Tre, Bộ NN&PTNT đã chấp thuận chi hỗ trợ 50 tỷ đồng để địa phương này thực hiện công tác xử lý sạt lở khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong vùng sạt lở.

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ đầu tư xây bờ kè bê tông kiên cố trên đoạn sạt lở dài 680 mét dọc theo bờ Bắc sông Mỏ Cày để bảo vệ an toàn nhà ở của người dân, trụ sở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và quốc lộ 57. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư dự án này đang thực hiện các công việc cần thiết để sớm triển khai thi công xây dựng bờ kè bờ Bắc sông Mỏ Cày.

Tiền Giang đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn xử lý 8 dự án sạt lở khẩn cấp

Tình trạng sạt lở bờ sông, rạch vùng đầu nguồn sông Tiền, thuộc địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân. Nhất là thời điểm mùa nước lũ tràn về, dòng chảy mạnh, kỳ triều cường gây xói lở trầm trọng nhiều nơi.

Gần đây, bờ Đông sông Trà Lọt nằm trên địa bàn xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè), kênh 28 qua địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, sông Rạch Ruộng (xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè), kênh Nguyễn Văn Tiếp,…đang là những điểm nóng về sạt lở tại vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2023, một đoạn bờ Đông sông Trà Lọt dài gần 50 m đã bị sạt lở toàn bộ xuống sông. Sạt lở đã cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Bờ sông lở vào sát ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến nằm ngay phía trong con đường. Khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Người dân địa phương lo lắng cho an toàn tính mạng, tài sản trước thiên tai đang diễn biến khó lường.

Tình trạng sạt lở bờ sông, rạch vùng đầu nguồn sông Tiền đang diễn biến phức tạp (Ảnh: TTXVN)

Gia đình ông Võ Ngân Giang, ở ven sông Trà Lọt chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 1.000 m2 đất ở và sản xuất, sau nhiều lần sạt lở đã bị mất gần 400 m2. Hiện, bờ sông bị sạt lở đến tận thềm nhà hết sức nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản gia đình ông nói riêng, người dân sở tại nói chung. Gia đình bà Trần Thị Vân ở kề bên hộ ông Võ Ngân Giang còn khó khăn hơn. Gia đình bà chỉ có khoảng 300 m2 đất ở,  sạt lở mất 100 m2, chỉ còn lại căn nhà, không biết khi nào sẽ bị thiên tai sạt lở nhấn chìm xuống sông.

Hay gia đình bà Nguyễn Thị Nhái, ấp Hòa Quí bị sạt lở mất hàng trăm m2 đất. Để đảm bảo an toàn, gia đình bà phải nhiều lần di dời nhà cửa vào sâu bên trong. Tuy nhiên, bờ sông Trà Lọt đã sạt lở đến tận trước cửa nhà. Hiện, tường, nền nhà bà Nhái đang có hiện tượng bị nứt, sụt lún, nguy cơ sạt lở trong những ngày tới rất cao.

Theo ông Võ Văn Dân, cán bộ ấp Hòa Quí, qua thống kê, đoạn bờ sông Trà Lọt dài khoảng 3 km đã có 4 điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài gần 300 m. Sạt lở đã nhấn chìm xuống dòng nước đất đai, vườn tược, cơ sở hạ tầng giao thông, đường dây điện, làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong vùng. Sạt lở, khiến việc đi lại của người dân ấp Hòa Quí gặp rất khó khăn và mất an toàn, nhất là những khi triều cường, nước dâng cao gây ngập những địa bàn trũng thấp.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè, địa phương ghi nhận 62 điểm sạt lở lớn nhỏ, chiều dài trên 2.100 m. Ước kinh phí đầu tư khắc phục lên đến trên 27,7 tỷ đồng. Sạt lở chưa có dấu hiệu dừng, ngày thêm trầm trọng. Nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành hữu quan kiểm tra thực tế, hướng dẫn các địa phương gia cố tạm thời đảm bảo an toàn giao thông cũng như kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp nhiều điểm sạt lở lớn, phức tạp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong hai năm 2022 - 2023, Tiền Giang triển khai đầu tư xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 3.148 m. Kinh phí trên 305 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 265,3 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương gần 40 tỷ đồng.

Để ứng phó sạt lở, Tiền Giang tiếp tục huy động các nguồn lực, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tỉnh Tiền Giang cũng vừa có văn bản đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 8 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng. Đó là dự án xói lở bờ biển Gò Công (đoạn 3), huyện Gò Công Đông; dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 5), huyện Cai Lậy; dự án xử lý sạt lở cù lao Tân Long (đoạn 7), TP Mỹ Tho; dự án xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn), xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo....

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top