Thiếu nước sinh hoạt, đất đai bạc màu, không được cấp đất ở, không được tách thửa để “an cư lạc nghiệp”…, hàng nghìn hộ dân tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang phải sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” trong hàng chục năm qua.
7.000 hộ dân “sống khổ” bên mỏ sắt
Ngôi nhà cấp 4 của bà Dương Thị Cúc (thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê) nằm trong vùng quy hoạch của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Nhiều năm nay, vì sợ giải tỏa nên phải sống trong cảnh tạm bợ. Gia đình bà cứ thế mòn mỏi sống qua ngày mà không biết mai này sẽ ra sao.
“Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu bị khô hạn. Đến khi mỏ sắt ngừng hoạt động thì người dân cũng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tôi và người dân ở đây đều mong muốn mỏ sắt dừng hoạt động để đời sống Nhân dân được ổn định”, bà Cúc cho biết.
Người dân trong vùng quy hoạch của mỏ sắt Thạch Khê luôn mong muốn sớm được ổn định cuộc sống.
Cũng theo người dân, nỗi khổ nhất của bà con sống trong khu vực này là nước bị nhiễm phèn rất nặng, phải xây bể lọc nhưng cũng chỉ để giặt giũ, tắm rửa, còn nước dùng để nấu ăn thì phải đi mua. Gia đình đông người, mỗi ngày dùng hết hai bình, mỗi bình mất hơn 10 nghìn đồng, rất tốn kém.
Năm nay gần 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Tá Bình (thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) vẫn luôn đau đáu, hy vọng về một ngôi nhà mới khang trang. Ông cho biết, gia đình sống cách mỏ sắt Thạch Khê chưa đầy 1 km, nằm trong diện di dời từ năm 2007. Thế nhưng, từ khi nhận tiền đền bù đến nay, gia đình vẫn chưa được chuyển về nơi ở mới do phía dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa hoàn thiện vùng tái định cư.
Nhiều tuyến đường dân sinh trong khu vực quy hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa được đầu tư.
“Đất không có, nhà cũng không, vợ chồng tôi đành phải quay về sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp. “Đi không được, ở không xong, người dân hiện chỉ mong dự án ngừng hẳn. Kể từ khi có dự án, sướng đâu không thấy mà chỉ thấy khổ, bà con chúng tôi lo lắm”, ông Bình trầm ngâm.
Không chỉ người dân Thạch Khê, Đỉnh Bàn mà người dân 3 xã còn lại nằm trong khu vực dự án, gồm: Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc cũng luôn mong muốn tỉnh, Trung ương xem xét dừng hẳn khai thác mỏ sắt Thạch Khê để bà con yên tâm sinh sống, tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế và xem xét giải quyết tình trạng tụt hậu của địa phương trong nhiều năm qua.
Đề nghị dừng dự án
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 6 xã (nay là 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc) thuộc huyện Thạch Hà.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I là 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn II là 7.739,8 tỷ đồng). Mỏ có trữ lượng, tài nguyên mỏ sắt khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác. Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm.
Tổng diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án là 4.821ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552 ha. Có khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của người dân ở nhiều xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 9/2009, dự án thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện một số bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Trên cơ sở đánh giá cụ thể, Hà Tĩnh nhận thấy việc triển khai Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê rất chậm và đã dừng thực hiện kéo dài hơn 12 năm với khối lượng và kết quả đạt được không đáng kể. Cùng đó, quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân như: đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... chưa được giải quyết, phát sinh nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo báo cáo của địa phương gửi Bộ KH&ĐT, nhiều vấn đề liên quan dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được phân tích khá cụ thể. Theo đó, dự án đã có những bất cập về trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, khai thác mỏ; mức độ nghiên cứu điều kiện về địa chất thuỷ văn, địa chất công trình; công nghệ khai thác, công nghệ chế biến chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu tính khả thi. Dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn và sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Cùng đó, các vấn đề khác của dự án cũng được nêu với nhiều khó khăn, vướng mắc như: phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; quá trình thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nếu thực hiện, dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục nghìn lao động vùng mỏ và lân cận liên quan đến vấn đề mất việc, thu nhập…
Việc chấm dứt dự án sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển; bảo vệ nguồn tài nguyên đến khi đủ điều kiện khai thác hiệu quả...
Bảo đảm phát triển bền vững
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết: “Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt cả về trước mắt và lâu dài, Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê để khắc phục các ảnh hưởng, hệ lụy để lại sau hơn 12 năm tạm dừng triển khai dự án.
Cần sớm có câu trả lời dứt khoát cho việc dừng hay tiếp tục dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Đây cũng là điều kiện quan trọng để Hà Tĩnh có điều kiện sử dụng, phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch biển; đồng thời, có phương án bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước đến khi đủ điều kiện về khoa học, công nghệ, nguồn lực để khai thác một cách an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, thực hiện đúng chủ trương phát triển bền vững theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị”.
Kể từ ngày khởi công đến nay, dự án đã để lại bao hệ lụy, khó khăn cho Nhân dân vùng mỏ. Bà con bị nhốt trong “vòng kim cô” của dự án phải sống lay lắt, tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất trên chính mảnh đất của họ... Rõ ràng, để phát triển bền vững, cần có sự đánh giá, rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý để việc tái khởi động hay dừng dự án đều bảo đảm các bước phát triển bền vững.
Người dân chịu khổ quá nhiều và quá lâu, Dự án mỏ sắt Thạch Khê dù tạm dừng, dừng hay tiếp tục triển khai thì câu chuyện di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ là vấn đề cần hết sức lưu tâm. Quan trọng nhất là các cấp, ngành cần sớm có câu trả lời dứt khoát để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.