Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2023 | 15:18

Tác nghiệp an toàn tại các “điểm nóng” thiên tai

Dải đất miền Trung hầu như năm nào cũng phải lo “gánh gồng” chuyện nắng hạn, mưa lũ. Với Hà Tĩnh, vùng đất được coi là “chảo lửa, túi mưa” thì thiên tai lại càng khắc nghiệt.

Cũng giống như người dân nơi đây, làm báo ở Hà Tĩnh luôn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tác nghiệp mỗi khi trên địa bàn có thiên tai ập đến. Với tôi, mỗi chuyến đi về với bà con vùng lũ đã trở thành kỷ niệm khó quên trong nghề báo.

Sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ

Còn nhớ, sáng 19/10/2020, mưa lớn kéo dài và hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xả lũ với lưu lượng lớn khiến nhiều xã ở 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và gần như toàn bộ TP. Hà Tĩnh ngập sâu. Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi bắt đầu hành lý, máy móc, phương tiện lên đường đến với bà con vùng lũ nhằm đưa thông tin sớm nhất, trung thực nhất về Tòa soạn.

Tác nghiệp ở vùng lũ, mọi hiểm nguy có thể rình rập.

Từ trung tâm TP. Hà Tĩnh vào Cẩm Xuyên bình thường đi xe chỉ mất 30 phút  nhưng do mưa, lũ, để đi vào được các điểm dân, phải mất hàng tiếng đồng hồ. Chòng chành trên chiếc thuyền nhỏ, bốn bề chỉ thấy nước, những con đường, đồng ruộng chìm trong biển nước mênh mông, mọi hiểm nguy đều có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bao lo lắng giờ không chỉ dành cho bản thân, mà còn dành cho máy ảnh, máy tính và các phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp.

Dấn thân vào vùng bão lũ đối với phóng viên thường trú đã vất vả thì với nữ phóng viên không còn “son rỗi” như tôi lại càng khó khăn hơn.

Bữa ăn vội vàng của phóng viên khi đi làm tin vùng lũ.

Thế nhưng, khi đến nơi, thấy những ngôi nhà ngập tới nóc, những đôi bàn tay chới với giơ ra đón nhận hàng cứu trợ, những cụ già, em nhỏ run rẩy ngồi trên nóc nhà giữa biển nước, mọi vất vả, lo lắng như đều tan biến. Lúc này, tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của mình là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà người dân vùng lũ đang phải chịu đựng, chuyển tới bạn đọc, để cả nước cùng chia sẻ với họ.

Trở về nhà khi đã muộn, bụng đói cồn cào, người ướt sũng, nhem nhuốc bùn đất, ăn tạm gói mì tôm rồi ngủ một mạch đến sáng hôm sau vì mệt. Ngày hôm sau lại tiếp tục lên đường đến với các vùng lũ khác.

Phóng viên tác nghiệp ở vùng lũ Cẩm Xuyên.

Gần 1 tuần bám sát thông tin lũ lụt, chúng tôi tận mắt chứng kiến những khuôn mặt ngơ ngác, bàng hoàng của người dân trở về sau lũ. Những cánh đồng trơ trọi, xác xơ nhuốm màu đất bùn vàng sệt, người dân khẩn trương giúp nhau thu dọn, sửa sang lại nhà cửa và cố lần tìm trong bùn đất, vớt vát chút tài sản đổ nát sau lũ, nghe thấy những tiếng khóc ai oán, bi ai kêu gọi người thân mất mát trong lũ… khiến chúng tôi không cầm được nước mắt, trăn trở vô cùng.

Phóng viên kết nối các nhà hảo tâm trao quà cho người dân vùng lũ xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh).

Nghề báo, chẳng có chuyến đi nào giống chuyến đi nào, đồng nghĩa cảm xúc trong mỗi chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp cũng đều khác nhau. Sau mỗi chuyến đi về với người dân vùng bão, lũ, ngoài việc chuyển tải thông tin nhanh, chính xác về tòa soạn, thì trăn trở nhất đối với những phóng viên địa bàn như chúng tôi là chuyển tải được thông tin “đắt giá” về những mất mát, đau thương mà người dân đang phải gánh chịu. Không có niềm vui nào lớn lao hơn là khi mỗi bài viết của mình trở thành “cầu nối” để bạn đọc chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua mất mát.

Trưởng thành sau mỗi chuyến “hành quân”

Người xưa bảo “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả không sai. Chính những trải nghiệm sau mỗi chuyến “hành quân” khi đi làm tin lũ lụt cũng giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm sau này.

Tác nghiệp tại địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng thì kỹ năng tác nghiệp an toàn là rất quan trọng. Ngay khi có thông báo về tình hình mưa bão, phải sẵn sàng về mọi mặt, đặc biệt là phương tiện tác nghiệp như: Điện thoại, 3G, máy tính, máy ảnh… được sạc pin đầy đủ. Bên cạnh đó, những thứ không thể thiếu khi đi tác nghiệp mưa bão là áo phao, áo mưa, túi nylon để bảo vệ máy và không quên nhét vào ba lô vài chiếc bánh, chai nước...

Điều tiên quyết là phải hiểu rõ địa bàn qua các lần tác nghiệp, hoặc thăm dò tình hình trước khi quyết định tiếp cận vùng ngập lũ; phải xác định rõ muốn đến được cần đi bằng đường nào, ở đó đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, cứu hộ, cứu nạn hay chưa?

Tác nghiệp ở vùng lũ, phóng viên biết bơi sẽ là một lợi thế. Khi vào đưa tin ở vùng nguy hiểm, nhất thiết phải đi cùng nhóm để có sự hỗ trợ lẫn nhau, nếu có được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng như bộ đội, công an…  sẽ an toàn hơn.

Ngoài ra, lựa chọn trang phục phù hợp trong từng hoàn cảnh, điều kiện tác nghiệp; bài học ứng xử “nhập gia tùy tục” đối với văn hóa, phong tục tập quán ở mỗi nơi đến;  “tùy cơ ứng biến” khi thực tế ở cơ sở không như ta hình dung;  sắp xếp lịch trình khoa học cho một chuyến đi để việc khai thác thông tin đạt hiệu quả cao nhất... Tác nghiệp ở các “điểm nóng” thiên tai, rất nhiều tình huống bất ngờ diễn ra mà ta phải đối mặt và xử lý nên “sợi dây kinh nghiệm” chắc hẳn sẽ dài theo năm tháng. Đến một “độ” nào đó, khi gặp vấn đề “khó đỡ” trong quá trình tác nghiệp, có kinh nghiệm sẽ biết cách xử lý khôn khéo, không để công việc bế tắc, nguy hiểm, chuyến đi lãng phí, mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những năm tháng gắn bó với nghề, kinh nghiệm và bài học mỗi lần tác nghiệp sẽ là hành trang quý trên chặng đường mới. Tôi luôn tâm niệm, khi có đủ niềm tin, nhiệt huyết, chăm chỉ, trách nhiệm với công việc thì mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ. Chính những tình cảm của người nông dân chân chất luôn là nguồn động lực, đề tài hay trong mỗi sản phẩm báo chí của tôi, để tôi cố gắng nhiều hơn, để thấy rằng nghề báo vất vả, hiểm nguy nhưng cũng có niềm vui riêng, muốn thành công cần lắm “lửa” say mê và cái Tâm của người cầm bút.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top