Mùa đông năm nay tuy đến muộn hơn nhưng nền nhiệt giảm sâu và kéo dài theo đợt, rét đậm, rét hại. Do đó, nông dân các địa phương đang tích cực dùng nhiều biện pháp giữ ấm cho gia súc và bảo vệ cây trồng.
Than Uyên tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng
Chỉ sau 10 ngày xuống giống, đợt rét đậm kéo dài những ngày qua khiến một số luống mạ của bà con bản Mường 1 và Mường 2 (xã Mường Kim, Than Uyên, Lai Châu) héo đầu lá. Điều này khiến ông Lò Văn Chài (bản Mường 1) khá lo lắng.
Ông Chài cho biết: Dân bản dự kiến cuối tháng 12 sẽ cấy, đảm bảo cấy đồng loạt nên các hộ có ruộng gần nhau thống nhất gieo mạ tập trung. Đi kiểm tra, tôi thấy một số diện tích bị ảnh hưởng và đang tìm hiểu nguyên nhân. Theo suy đoán thì có lẽ thời tiết chuyển lạnh đột ngột và nhiệt độ giảm sâu, các hộ chưa kịp xử lý về nhiệt độ, mực nước trên ruộng. Một số hộ đang thực hiện gieo lại để kịp cấy.
Nông dân xã Mường Kim, huyện Than Uyên kiểm tra mạ.
Còn với gia đình ông Bóng Văn San (bản Mường 2, xã Mường Kim) cũng đã gieo mạ để cấy hơn 1.000m2 ruộng; trồng ngô vụ đông. Khi nghe dự báo thời tiết, biết có đợt rét đậm kéo dài, gia đình ông áp dụng đúng kỹ thuật trong gieo mạ có che phủ nilon; bón phân, làm cỏ cho cây ngô, đảm bảo sự phát triển. Nhờ đó, toàn bộ diện tích cây trồng phát triển tốt.
Mường Kim hiện đang là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông và vụ lúa đông xuân. Đối với cây vụ đông, ngoài ngô (155ha), xã quy hoạch sản xuất tập trung khoai tây, dưa, bí xanh với diện tích 36ha. Riêng vụ đông xuân tập trung sản xuất 328ha lúa giống mới, cho năng suất, chất lượng cao.
Ngay khi bước vào đầu vụ sản xuất, xã quán triệt các bản đôn đốc bà con sản xuất đúng khung, lịch thời vụ, đảm bảo quy trình kỹ thuật. Đồng thời, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đồng hành với nông hộ trong quá trình chăm sóc, phòng chống rét cho cây trồng thông qua nhóm tin nhắn zalo, kiểm tra, giám sát trực tiếp, tham gia họp bản.
Vụ đông đầu tiên, cây dưa nếp Nova 199 bén rễ trên đồng đất của bản Co Phày, xã Mường Cang. Đây là mô hình sản xuất vụ 3 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với Đảng ủy xã Mường Cang và Nhân dân trong bản thực hiện nhằm làm mẫu để thí điểm và nhân rộng các vụ tiếp theo. Đúng thời điểm dưa bắt đầu ra hoa, kết trái thì thời tiết chuyển rét đậm.
Bên cạnh đó, diện tích khoai tây cũng đang trong giai đoạn tập trung chất dinh dưỡng nuôi củ. Lúa vụ đông xuân, bà con hoàn thành gieo mạ, đang làm đất chuẩn bị cấy. Do đó, công tác phòng, chống rét cho cây trồng được bản đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Than Uyên đang tập trung chăm sóc 193ha cây vụ đông, trong đó 114,9ha ngô đông và 78,1ha rau các loại. Vụ đông xuân, dự kiến gieo cấy trên 2.000ha lúa; đã hoàn thành khâu làm đất, gieo mạ đạt 30% và tiến hành xuống giống một số diện tích trà sớm vào cuối tháng 12.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do không khí lạnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu UBND huyện ban hành công văn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023.
Gieo cấy đúng lịch thời vụ là một trong yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định thắng lợi của mùa vụ. Điều này được phòng chuyên môn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác đôn đốc bà con tập trung thực hiện. Theo đó, đối với trà lúa chính vụ triển khai gieo mạ ngày 22/12 – 30/12, cấy 24/1 - 14/2/2023; hạn chế tối đa gieo cấy trà sớm để tránh thời tiết đại hàn.
Tuyên truyền, vận động nông dân che phủ nilon diện tích mạ gieo; không cấy, chăm sóc vào những ngày rét đậm, rét hại. Bón phân, điều tiết nước hợp lý, tăng khả năng chống chịu với nhiệt độ thấp của cây lúa.
Dự báo những tháng còn lại của mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Đối với người nông dân Than Uyên còn phải đối mặt với những khó khăn nhất định. ới sự chủ động vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và nông hộ, Than Uyên sẽ tiếp tục có mùa vụ sản xuất thắng lợi.
Mường Bám chủ động phòng, chống rét cho gia súc
Đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2022 đã làm 8 con trâu, bò của nhân dân xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (Sơn La), bị chết rét, ảnh hưởng đến việc nhân đàn và phát triển kinh tế của các hộ dân. Rút kinh nghiệm, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông năm nay, ngay đầu tháng 11, UBND xã đã triển khai kế hoạch phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Người dân xã Mường Bám chủ động nuôi nhốt gia súc trong mùa đông.
Là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, vào mùa đông, thời tiết nơi đây thường khắc nghiệt, rét rét đậm, rét hại kéo dài khiến vật nuôi giảm sức đề kháng, nguy cơ cao bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho vật nuôi, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trâu, bò, Newcastle, Gumboro.
Ông Lò Tiến Văn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Mường Bám có 1.983 hộ đang nuôi hơn 3.700 con trâu, bò. Ngoài việc ban hành kế hoạch phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi vụ đông xuân 2022-2023, xã đã thành lập các tổ công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi trên địa xã, nhất là ở các bản vùng cao, có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, như: Tư Làng A, Tư Làng B, Pá Nó, Pha Khương... Đồng thời, cử cán bộ về từng bản thống kê số hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại, hoặc chuồng trại tạm, vận động bà con sửa chữa, làm mới, đảm bảo ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên loa truyền thanh của xã, bản để người dân chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, tránh thiệt hại về kinh tế.
Ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hiện nay, các bản đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân không thả rông gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ, bổ sung thêm ngô bột, sắn, chuối... đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tiêm hơn 2.500 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho trâu, bò. Do được tuyên truyền, hướng dẫn, người dân trong xã có ý thức chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông, nhất là những ngày giá rét, sương muối. Đến nay, toàn xã có trên 91% số hộ có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét; trồng gần 110 ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.
Ở bản Nà Hát, người dân đang tập trung chăm sóc, bảo vệ 65 con trâu, 425 con bò; trung bình mỗi hộ nuôi từ 2 con trâu, bò trở lên. Trước đây, do tập quán chăn nuôi, bà con thường thả rông gia súc ở nương rẫy nên vào những ngày rét đậm kéo dài, trâu, bò thường bị chết.
Anh Quàng Văn Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho hay: Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền việc phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Qua rà soát, hầu hết các hộ dân đã có ý thức làm chuồng giữ ấm cho đàn gia súc. Cùng với việc duy trì hơn 15 ha cỏ, các hộ dân tích cực thu gom rơm, rạ vụ mùa và trồng thêm cây chuối để làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, ở bản không có tính trạng gia súc bị chết vì đói, rét.
Thăm nhà ông Lường Văn Sỹ, là hộ đang thực hiện nuôi trâu nhốt chuồng ở bản Nà Hát. Thời điểm chúng tôi đến, ông và các thành viên trong gia đình đang che chắn lại chuồng trại chống gió lùa, giữ ấm cho đàn gia súc. Ông Sỹ chia sẻ: Với người dân vùng cao, con trâu là tài sản có giá trị lớn. Gia đình tôi hiện có 8 con trâu. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, gia đình chủ động tiêm phòng các loại vắc xin; trồng cỏ voi và thu gom rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc, để đảm bảo đàn vật nuôi của gia đình phát triển, không bị dịch bệnh.
Còn tại bản Nà La, có 40 con trâu, 385 con bò. Thời gian này, các hộ dân đã tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; chuyển đổi hình thức chăn thả sang nuôi nhốt gắn với trồng cỏ voi. Ông Tòng Văn Chung cho biết: Chống đói, rét cho vật nuôi trong mùa đông năm nay, gia đình tôi đã tích trữ đủ rơm, trồng thêm cỏ voi, đảm bảo đủ thức ăn xanh và thức ăn tinh cho 4 con trâu. Tranh thủ nắng ấm, gia đình sẽ hoàn thiện khu nuôi nhốt gia súc, không để gió rét lùa, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trước sự khắc nghiệt của mùa đông vùng cao.
Xã vùng cao Thạch Yên chủ động phòng chống rét đậm, rét hại
Cán bộ xã Thạch Yên (Cao Phong, Hòa Bình) tuyên truyền, vận động người dân xóm Rớm Khánh che chắn chuồng trại, đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Tại xóm Rớm Khánh, các hộ đã chủ động dự trữ rơm, rạ nhằm đảm bảo thức ăn cho vật nuôi. Nhanh tay căng bạt, che chắn chuồng trại giữ ấm cho trâu, bò, anh Bùi Văn Toản chia sẻ: "Do địa hình nằm ở vùng núi cao, khi có các đợt không khí lạnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến đàn gia súc. Để ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại, gia đình tôi đã dự trữ rơm rạ, mía trắng và trồng hơn 500 m2 cỏ voi để bổ sung nguồn thức ăn cho vật nuôi. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, mỗi ngày tôi cho ăn từ 4 - 5 lần, khẩu phần mỗi bữa cũng được tăng lên. Nước uống cho trâu, bò trong những ngày giá rét được đun sôi để nguội và cho một chút muối để tăng cường sức đề kháng. Gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, giữ khô nền, ấm chuồng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…”.
Thạch Yên là xã vùng cao, địa hình đa phần đồi núi, nhiệt độ trung bình thường thấp hơn 2 - 3 độ so với các xã vùng thấp. Vào mùa đông, trên địa bàn xã thường xuyên chịu các đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn rất dễ gây thiệt hại cho vật nuôi. Theo rà soát, tổng đàn gia súc của xã hiện có trên 1.800 con. Chăn nuôi tập trung chủ yếu tại các xóm: Rớm Khánh, Bợ, Pheo… Từ điều kiện thực tế, chăn nuôi đại gia súc được xác định là hướng phát triển kinh tế chủ lực giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Để phòng, chống rét đậm, rét hại, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tới các ngành, đoàn thể, thôn, xóm và người dân. Phân công cán bộ bám sát địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi theo dõi diễn biến thời tiết. Chủ động tích trữ thức ăn như rơm rạ, mía, ngô… Tận dụng diện tích đất trồng, vườn tạp để mở rộng diện tích trồng cỏ voi. Đảm bảo mỗi hộ gia đình phát triển chăn nuôi có ít nhất 1 cây rơm, lượng thức ăn dự trữ mỗi ngày đáp ứng bình quân 20 - 30 kg thức ăn thô hoặc 5 - 7 kg rơm cho đàn vật nuôi. Tuyệt đối không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 120C. Sử dụng bạt để che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, đồng thời thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Duy trì tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Thời tiết rét đậm, rét hại không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi mà tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Theo đó, một số bệnh thường gặp chủ yếu về đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp… Từ thực tế đó, chính quyền xã đã chỉ đạo Trạm y tế đảm bảo vật tư y tế phục vụ Nhân dân. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chú ý theo dõi sức khỏe; đảm bảo ăn chín, uống sôi, bổ sung vitamin, khoáng chất thông qua các bữa ăn hàng ngày. Giữ ấm cơ thể, hạn chế ra khỏi nhà vào thời điểm sáng sớm và tối muộn.
Ông Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: "Từ đầu mùa đông đến nay trên địa bàn đã xuất hiện các đợt rét, tuy nhiên, không gây thiệt hại về kinh tế. Không chủ quan, lơ là trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, chính quyền xã tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp nhằm ứng phó với rét đậm, rét hại. Quyết liệt chỉ đạo các ngành, đoàn thể, thôn, xóm và Nhân dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của xã trong công tác phòng, chống rét. Qua đó đảm bảo sức khỏe Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.