Thực hiện vận hành 4 khối dữ liệu đất đai ở Trung ương (thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; điều tra cơ bản về đất đai), 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; 348/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.
Vận hành 4 khối dữ liệu đất đai
Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai” (Dự án VILG) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB). Toàn bộ 231/231 huyện của 28 tỉnh, thành phố thuộc Dự án VILG đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai với đầy đủ 4 thành phần (cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu thống kê kiểm kê đất đai, cơ sở dữ liệu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu giá đất).
Nhiều đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng và vận hành 4 thành phần của cơ sở dữ liệu đất đai.
Đối với các tỉnh, thành phố, ngoài Dự án VILG, có 219/705 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh, thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính...
Về phía Trung ương, đã vận hành 4 khối dữ liệu đất đai, gồm: thống kê, kiểm kê đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giá đất; Điều tra cơ bản về đất đai.
Theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố kết nối, liên thông trao đổi thông tin đất đai giữa Cơ quan đăng ký đất đai với Cơ quan thuế. Đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại 60/63 tỉnh, thành phố (với dữ liệu của 405/705 đơn vị cấp huyện, 5.230/10.599 đơn vị cấp xã).
Triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, đến nay, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”. Đã có 63/63 địa phương triển khai, phát sinh 10.447 hồ sơ.
Hai thủ tục “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và “Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính” đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai, phát sinh 19.029 hồ sơ.
Kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nghiệp vụ cư trú, kết nối dữ liệu của tất cả các tỉnh, thành phố với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 26 triệu thửa đất.
Về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo danh mục được phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, đến nay, đã xây dựng, triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 43/63 tỉnh, thành phố triển khai, phát sinh 5.902 hồ sơ.
Thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai và thông tin nhà ở
Trong xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn I)”.
Tại buổi làm việc về tình hình triển khai thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở mới đây, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục đã chủ trì phối hợp với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai và các đơn vị thuộc các Bộ: Công an, Xây dựng, Y tế, Thông tin - Truyền thông, UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam triển khai nhiệm vụ làm điểm về việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản về quy trình làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam và triển khai làm điểm tại 4 đơn vị cấp xã.
Cụ thể, tại Hà Nội có 2 đơn vị cấp xã/phường gồm: phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) và phường Trần Phú (quận Hoàng Mai). Tại Hà Nam, có 2 đơn vị cấp xã/phường, gồm: phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) và phường Minh Khai (TP. Phủ Lý). Thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8/2023 để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình triển khai nhân rộng.
Cùng với đó, triển khai hướng dẫn chi tiết việc thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở để tổ chức triển khai làm điểm tại tất cả các xã, phường trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam.
Thông tin về kết quả triển khai, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường cho biết, việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trên cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa bàn thí điểm tập trung vào việc bổ sung các thông tin: địa chỉ chi tiết, thông tin tài sản gắn liền với đất (chủ yếu là nhà ở), dữ liệu địa chính thửa đất, thông tin người sử dụng đất,diện tích thửa đất…
Kết quả, tại phường Minh Khai (TP.Phủ Lý - Hà Nam), trên cơ sở 1.097 phiếu thu thập đầy đủ thông tin, đã làm giàu, làm sạch, bổ sung thông tin 914 thửa. Tại phường Hòa Mạc (thị xã Duy tiên, Hà Nam), trên cơ sở 1.051 phiếu, đã làm giàu, làm sạch 1.002 thửa.
Tại phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trên cơ sở 3.339 phiếu, đã làm giàu, làm sạch, bổ sung thông tin 2.489 thửa. Còn tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trên cơ sở 4.225 phiếu, đã làm sạch, bổ sung thông tin 3.350 thửa.
Ghi nhận các kết quả của Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường và Cục Đăng ký và Dữ liệu và thông tin đất đai việc triển khai thí điểm làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh, để thực hiện tốt việc này, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường cần đánh giá cụ thể thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để có thể nhân rộng thực hiện.
Ông Kiên lưu ý tập trung vào việc Bộ sẽ ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn; còn việc thực hiện do các địa phương chủ động triển khai. Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường cần khẩn trương hoàn thiện Báo cáo để Bộ báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ Công an về kết quả thực hiện việc thí điểm làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.