Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 6 năm 2024 | 10:43

Trà Vinh: Thanh niên 9x thành công với mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa

Đó là Trần Minh Nhật, sinh năm 1996, ngụ tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Trò chuyện với P.V KTNT, anh Nhật cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Cơ khí, anh lên đường nhập ngũ, hoàn thành nghĩa vụ, anh không đi làm đúng chuyên môn đã học, mà trở về bắt đầu thực hiện kế hoạch nuôi cua trong hộp nhựa tại quê nhà.

Năm 2022, anh mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng để mua 50 hộp nhựa về nuôi cua.

Anh Nhật cho biết, nuôi cua lột, cua cốm giá trị cao gấp 2-3 lần so với cua thịt thông thường. Anh đã tìm hiểu một số công ty ở Việt Nam làm mô hình này, sau khi nghiên cứu thấy có tiềm năng nên quyết định thực hiện.

Mô hình nuôi cua biển trong hộp của anh Trần Minh Nhật

Mô hình nuôi cua biển trong hộp của anh Trần Minh Nhật.

Mọi chuyện khởi đầu cũng không dễ dàng, anh Nhật chia sẻ, vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu mua nhầm cua giống kém chất lượng tỉ lệ hao hụt hơn 50%. Lúc đó, tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm khi nuôi trong hộp nhựa khá nhỏ, chật chội và cách xử lý nguồn nước cũng khó khăn, nên việc chăn nuôi ngay từ đầu gần như thất bại.

Không nản, với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, anh bắt đầu nghiên cứu bài bản, khắc phục dần những sai sót trong quá trình nuôi, sau đó tìm mua được con giống chất lượng và biết cách xử lý nguồn nước.

Sau 2 năm vừa nuôi, vừa mày mò học hỏi, tự rút kinh nghiệm, đến nay, anh Nhật đã thành công nhân rộng mô hình nuôi lên tới 800 hộp nhựa, đồng thời, đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết nuôi cua theo mô hình này, anh cho biết, giống được mua từ các hộ nuôi quảng canh tại địa phương, trọng lượng từ 100 – 200g/con đảm bảo khoẻ mạnh để dễ thích nghi với môi trường trong hộp nhựa.

Về nguồn nước, anh sử dụng nguồn nước ở đầm gần nhà có độ mặn tương ứng với các đầm nuôi tôm quảng canh mà anh mua cua giống, cho nước qua hệ thống lọc sạch trước khi dẫn vào những hộp nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra vệ sinh hộp nhựa, kiểm tra thông số, chất lượng nguồn nước, bổ sung khoáng chất cần thiết cho cua phát triển tốt, thức ăn đơn giản như cá tươi, ốc… cua nuôi khoảng 45 ngày là có thể xuất bán, anh Nhật chia sẻ.

Cua cốm khi thu hoạch được, bán được giá cao hơn cua thịt thông thường

Cua cốm khi thu hoạch bán được giá cao hơn cua thịt thông thường.

Với mô hình nuôi cua trong hộp, mỗi tháng anh Nhật xuất bán khoảng 15kg cua lột và 50 kg cua cốm. Cua lột thường có giá trung bình từ 650.000 đồng/kg, còn cua cốm giá 690.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi cua biển trong hộp được đánh giá cao tại địa phương, anh Lê Vĩnh Lâm, Phó bí thư Huyện đoàn Duyên Hải nhận xét, đây là một trong những điểm sáng về phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Anh là điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần khơi dậy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên tại địa phương, thúc đẩy kinh tế điạ phương phát triển.

 

Võ Dương
Ý kiến bạn đọc
Top