Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 9:57

Trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị

“Trời không chiều lòng người”, năm nay nhãn lồng Hưng Yên không đậu quả nhiều vì thời tiết không thuận, dự kiến sản lượng không cao, vì thế, thương lái, doanh nghiệp vào vườn không dồn dập, dẫn đến thị trường kém sôi động.

Tuy nhiên, với những vườn nhãn trồng theo phương pháp hữu cơ, cây vẫn sai quả và cho trái đẹp, nên không những đông thương lái mà giá còn có phần cao hơn năm ngoái.

“Trời không thuận”

Thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên)  có đất đai màu mỡ, do được phù sa sông Hồng bồi đắp hàng trăm năm qua, rất thích hợp với việc trồng lúa và cây ăn quả.

Nễ Châu nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng. Năm 2016, HTX nhãn lồng Nễ Châu được thành lập, hiện có 37 thành viên, canh tác trên 20ha, bình quân thu 300 tấn nhãn/năm. Sản phẩm nhãn được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu lớn cho các thành viên.

Nhưng năm nay, thời tiết không thuận lợi cho cây nhãn ra hoa, kết trái, dự kiến sản lượng nhãn của Nễ Châu giảm đến 60%. Nói theo nhiều người dân ở đây thì năm 2023 “trời đã không thuận lòng người dân trồng nhãn”.

Bất lợi do thời tiết nên rất ít vườn nhãn ở Hưng Yên cho quả như thế này 

Theo bà Trần Thị Bắc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu, năm nay, nhãn ra hoa bạt ngàn, đáng ra sẽ cho vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó, xuất hiện một đợt mưa kéo dài, trong đó 2 ngày có mưa a xít đã làm hỏng gần hết lượng hoa vừa trổ bông. Nhãn không đậu quả gây thiệt hại tới 60-70% sản lượng dự kiến thu hoạch.

Giống như xã Hồng Nam, người trồng nhãn ở xã Tân Hưng cũng không vui vẻ gì khi nhãn năm nay không ra hoa, đậu quả như mong muốn. Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng thất thu. Nếu như hàng năm, với 40ha canh tác, lượng nhãn thu hoạch đạt 100 tấn thì năm nay chỉ còn khoảng 10 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên BCH Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên, chưa năm nào “trời lại không thuận lòng người” như năm nay, ước thiệt hại lên đến 90%.

Người làm vườn trong nhiều năm qua đã biết “bắt ông trời phải thuận theo ý mình” nhưng số đó không nhiều, phải có kiến thức, kinh nghiệm và nhiều năm nghiên cứu từ thực tiễn mới có được. Bên cạnh đó, phải biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật để ứng dụng vào trồng trọt đúng lúc, đúng thời vụ thì mới đạt kết quả cao.

Trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ

Do bị ảnh hưởng rất nhiều từ thiên nhiên, nhiều hộ trồng nhãn và các HTX đã chuyển đổi sang trồng nhãn bằng phương pháp hữu cơ, vừa đảm bảo được môi trường, vừa nâng cao giá trị của nhãn lồng Hưng Yên.

Một trong những người tiên phong sản xuất theo hướng hữu cơ ở Hưng Yên là anh Bùi Văn Sử, Phó giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu. Năm 2022, anh chuyển 1,5 ha vườn nhãn sang canh tác hữu cơ, nên bán được nhãn với giá 40.000 đồng/kg, thu được hơn 200 triệu đồng. Năm nay, vườn nhãn hữu cơ nhà anh  được doanh nghiệp thu mua gần 2 tấn với giá 45.000 đồng/kg.

Ứng dụng phương pháp trồng nhãn hữu cơ để có năng suất và chất lượng cao

Từ thành công của anh Sử, một số thành viên được HTX hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi hình thức sản xuất. Anh Sử cho biết, ban đầu thuyết phục các thành viên rất khó. Không ít người băn khoăn, anh làm được nhưng họ làm liệu có bán được giá cao như anh không? Để hỗ trợ các thành viên, anh Sử tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn quy trình, hỗ trợ phân bón và đảm bảo đầu mối thu mua nhãn nếu đạt chuẩn chất lượng.

Sản xuất nhãn hướng hữu cơ là phương pháp canh tác giảm dần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, dần thay thế bằng những sản phẩm sinh học an toàn với môi trường, không gây hại sức khỏe cho người canh tác, người tiêu dùng. Theo đó, phân bón hóa học được thay thế bằng các loại phân chuồng ủ hoai mục kết hợp chế phẩm vi sinh. Một số nơi dùng ngô, cá, đỗ tương ủ với chế phẩm vi sinh trong vòng 6 tháng, tạo ra loại phân bón sinh học. Để xua đuổi côn trùng, ngăn ngừa sâu bệnh, dùng gừng, tỏi, ớt giã ra làm thuốc xịt. Bên cạnh đó, người trồng nhãn còn phun dung dịch nano bạc thay thế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhờ đó, quả nhãn không bị tồn dư hóa chất, tăng độ thơm ngon,  đủ tiêu chuẩn xuất sang nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ…

Gia đình ông Trịnh Văn Cương (đội 8, thôn Nễ Châu) có gần 4.000m2 nhãn đường phèn - loại nhãn chất lượng hàng đầu của Hưng Yên, quả có hình dạng hơi vuông, mùi thơm đặc trưng, năm nào cũng cho thu 4-6 tấn. Trong bối cảnh nhiều nơi mất mùa, vườn nhà ông Cương năm nay trái vẫn sai, đẹp.

“Vấn đề tiêu thụ chưa bao giờ phải nghĩ, không phải lo quảng bá sản phẩm. Hàng năm gần giáp vụ, khách quen của tôi đã điện thoại về đặt hàng. Năm nay, cả vườn nhãn cho sản lượng hơn 6 tấn đã có khách đặt mua hết, chỉ chờ ngày thu hoạch. Năm ngoái, tôi bán nhãn với giá 70.000 đồng/kg, năm nay khoảng 75.000-80.000 đồng/kg”, ông Cương chia sẻ.

HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng hiện cũng có 10ha nhãn  sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Trần Văn Mý, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, cho hay, HTX đang làm thương hiệu nên chấp nhận bán giá không chênh nhiều so với nhãn VietGAP. Nhãn hữu cơ tại vườn hiện được bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Vườn nhãn của nhà ông, khách đã đặt mua từ đầu vụ.

Khẳng định vị thế nhãn là đặc sản của Hưng Yên, bà Trần Thị Thu Hiền,  Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Kim Hưng, doanh nghiệp được Sở Công Thương Hưng Yên ủy thác liên kết hỗ trợ hàng chục nhà vườn và các HTX trồng nhãn trên địa bàn tỉnh, cho rằng, ngày nay, giống nhãn Hưng Yên đã đưa đến một số tỉnh trồng đạt sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như Sơn La, Đắc Lắk... Tuy nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, cách thức canh tác của người Hưng Yên đã tạo cho quả nhãn đặc sản nơi đây có độ thơm ngon, hương vị đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. Nhãn Hưng Yên vẫn là thứ quả được nhiều thực khách “khó tính” tin dùng. Việc cải tiến kỹ thuật trồng nhãn theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, sự an toàn cho người tiêu dùng mà chất lượng quả nhãn còn được nâng tầm, thơm ngon hơn.

Theo bà Hiền, giá nhãn Hưng Yên cao hơn thị trường cũng không đáng lo, bởi người tiêu dùng giờ rất thông thái, biết sản phẩm nào ăn ngon, sạch, dù giá có cao vẫn chấp nhận. Chỉ cần sản phẩm đạt chuẩn chất lượng thì không lo vấn đề tiêu thụ.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm nhãn lồng đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao thu nhập cho nhà vườn. Đây vừa là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng bảo tồn giống đặc sản “tiến vua” nức tiếng của người dân quê nhãn.

Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top