So với canh tác truyền thống, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng đã thể hiện nhiều ưu điểm về an toàn thực phẩm, có thu quanh năm, ít chịu tác động từ thời tiết.
Với mong muốn cung cấp sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng, trồng rau theo phương pháp thuỷ canh được người dân xã Phù Ninh (Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) lựa chọn, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp thành phố.
Trồng rau theo công nghệ hiện đại
Được Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Ninh giới thiệu, chúng tôi đến thăm vườn rau thủy canh của gia đình chị Nguyễn Thị Hương.
Lúc này, chị Hương đang cặm cụi bên vườn rau thủy canh, nhìn những giàn rau xanh tốt, ít ai nghĩ rằng chủ nhân nơi này lại là người phụ nữ với vóc dáng mảnh mai đã gần 50 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Hương, chia sẻ quy trình trồng, thu hoạch rau thuỷ canh với Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Ninh.
Năm 2023, chị đi học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng rau má thuỷ canh của gia đình anh trai ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Chị bị thu hút bởi cách làm nông nghiệp hiện dại, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ rộng mở, chị Hương cùng em trai Nguyễn Duy Linh quyết định dùng quỹ đất của gia đình xây dựng nhà lưới, hệ thống máng thuỷ canh trên diện tích 1.000m² để trồng rau. Chí phí ban đầu gần 1 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị Hương cho hay, mô hình trồng rau thuỷ canh của gia đình được thực hiện từ tháng 10/2023. Vì được che chắn, cây rau trồng trong môi trường cách ly nên ít khi nhiễm sâu bệnh, không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc cấp nước liên tục giúp cây luôn tươi tốt và bảo quản được lâu hơn, năng suất cao hơn so với trồng thổ canh truyền thống. Rau thuỷ canh trồng 3 tháng đã cho thu hoạch và được thị trường đón nhận. Do là mô hình mới, nên gia đình chị mới giới thiệu sản phẩm trên facebook, zalo và qua người quen.
Hiện tại, mô hình cung cấp các loại rau má, cải chíp, cải bó xôi, cần tây, diếp cá, su hào, bắp cải, rau muống, xà lách…; giá bán từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg, tùy loại.
Ngoài mô hình của gia đình chị Hương, mô hình trồng rau thuỷ canh theo công nghệ Israel đang được ông Nguyễn Văn Hải (thôn Việt Khê) áp dụng, bước đầu cũng mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình trồng rau thuỷ canh theo công nghệ Israel của ông Nguyễn Văn Hải mang lại hiệu quả tích cực.
Dẫn tôi thăm mô hình trồng rau của gia đình, nhìn khu nhà lưới với đủ các loại rau thuỷ canh xanh mơn mởn, không hề bị ảnh hưởng bởi thời tiết miền Bắc đang mưa phùn kéo dài, ông Hải cho biết: Cuối năm 2023, tôi bắt đầu xây dựng mô hình trên tổng diện tích 300m2, vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Phương pháp canh tác này có ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống như không phải làm đất, không có cỏ dại, không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ; sản phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường…
Nguồn nước sử dụng là nước máy và phải kiểm tra thường xuyên, đảm bảo độ PH từ 5,2 - 6,2. Dinh dưỡng được hòa loãng trong các bồn chứa, chỉ cần mở đầu van thì dinh dưỡng sẽ tự động dẫn tới các máng trồng. Toàn bộ quy trình sản xuất, thông số dinh dưỡng được kiểm tra thường xuyên bằng các dụng cụ chuyên dùng, thực hiện điều chỉnh để bảo đảm điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây trồng. Cách làm này còn làm giảm chi phí đầu vào như phân bón, tăng giá trị lợi nhuận cho người trồng rau.
Chia sẻ về quy trình trồng rau thuỷ canh, ông Hải cho hay: “Trồng rau thuỷ canh được chia thành nhiều giai đoạn, từ ươm hạt đến lên rọ và cho rọ ươm lên giàn; sau 30-40 ngày chăm sóc sẽ được thu hoạch. Hiện nay, rau của gia đình cung cấp cho các bếp ăn của trường học và người dân địa phương. Sản lượng các loại sau cải, xà lách… đạt trên 1 tấn/tháng. Qua 6 tháng trồng rau thuỷ canh, tôi thấy quy mô hiện nay còn nhỏ, sản lượng chưa đủ cung cấp ra thị trường. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, đảm bảo cung ứng nguồn rau sạch cho người tiêu dùng”.
Nhân rộng mô hình
Hiện nay, phương pháp trồng rau thuỷ canh trong nhà màng đã rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng năng suất, hạn chế côn trùng, sâu bệnh, quá trình chăm sóc gần như được tự động hóa toàn bộ. Do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên các sản phẩm trồng thuỷ canh có giá bán cao hơn. Mặc dù giá cao hơn các sản phẩm rau thông thường, nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đủ cung cấp, vì nhu cầu sử dụng nguồn rau sạch hiện nay rất lớn…
Trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh, thân thiện với môi trường, thay đổi tư duy của người làm nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Ninh, gia đình chị Nguyễn Thị Hương và gia đình ông Nguyễn Văn Hải là những hộ tiên phong trồng rau theo phương pháp thuỷ canh của huyện Thủy Nguyên. Việc thay đổi tư duy, đưa công nghệ vào sản xuất giúp hạn chế những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, mùa vụ…, từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy hai mô hình mới đưa vào sản xuất, song bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với nhu cầu sử dụng rau an toàn hiện nay, trồng rau bằng phương pháp thủy canh là hướng phát triển nhiều triển vọng. Hiện, nhiều người dân địa phương mong muốn được chuyển từ trồng rau truyền thống sang trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chí sản phẩm nông sản sạch để tiêu thụ vào các bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị… Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình, cần quỹ đất làm nông nghiệp lớn, gỡ khó về cơ chế chính sách, quy hoạch, thuê đất, vốn đầu tư ban đầu…
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển bền vững, mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ kịp thời; tạo mạng lưới kết nối cung - cầu để tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Đồng thời, giúp các hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư, mở rộng trồng các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thiện hệ thống công nghệ tự động hóa trong canh tác.
Có thể khẳng định, mô hình trồng rau thủy canh ở xã Phù Ninh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị sản xuất mà còn làm thay đổi tập quán canh tác, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.