Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 14:29

Trường Sa trong tim người Việt - Kỳ cuối: Biển Đông vạn dặm giang tay giữ

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, theo truyền thuyết, việc Tổ mẫu Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, Quốc tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển đã cho thấy tổ tiên ta không chỉ gắn bó với đất liền mà còn nhìn thấy tiềm năng lớn của biển đảo trong xây dựng, phát triển đất nước.

Thực tế là, trong suốt chiều dài lịch sử, các triều đại phong kiến nước ta đã chăm lo đến việc bảo vệ, thực thi chủ quyền và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo của mình, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kỳ 3: Trọn Niềm tin cùng Trường Sa

Biển Đông - Kho tài nguyên

Với bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển. Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước thì có 28 tỉnh, thành phố có biển với gần 50 triệu người  (chiếm khoảng 50% dân số).

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam thì nước ta có diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

Một giàn khoan khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam.

Biển Việt Nam là kho tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, có đến trên 160.000 loài, gần 10.000 loài thực vật, 200 loài chim sống ở biển. Trữ lượng các loài động vật ở biển ước khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó, các loài cá chiếm 86%. Biển Việt Nam có trên 2.000 loài cá,  gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao; ngoài ra còn nhiều loại rong biển, các loài động vật thân mềm,… cho giá trị về nhiều mặt. Biển Việt Nam đủ mọi yếu tố để phát triển nghề nuôi biển, vừa bảo tồn tài nguyên biển vừa tạo nên giá trị xuất khẩu rất cao.

Vùng biển Việt Nam nằm án ngữ tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

Biển Việt Nam là khu vực có tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt  

Biển Đông vạn dặm giang tay giữ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cách đây khoảng 500 năm, trong Bạch Vân Am thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà tiên tri nổi tiếng của dân tộc có bài Cự Ngao Đới Sơn, với ý nghĩa:  

Núi tiên biển biếc nước trong xanh/ Rùa lớn đội lên non nước thành/ Đầu ngẩng trời dư sức vá đá/ Dầm chân đất sóng vỗ an lành/ Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chi những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ Tổ tiên mình.

Theo nhà nghiên cứu, ý của bài thơ có nghĩa: Giữ được chủ quyền ở Biển Đông, thì muôn đời cõi trời, đất nước Nam sẽ vững vàng trong thanh bình thịnh trị.

Âu tàu tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân trên đảo Trường Sa.

Ông Mai nhấn mạnh: Tinh thần làm chủ của chúng ta là vừa biết kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, kiên quyết chống lại sự xâm lăng của nước lớn, đồng thời cũng tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các nước trong khu vực. Và xây dựng nền kinh tế biển hoàn chỉnh.

Chuyện về đội Hùng binh

Sử ghi lại rằng: Dưới thời các chúa Nguyễn, sau đó là các vua triều Nguyễn, việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải là minh chứng lịch sử khẳng định trung thực nhất Nhà nước phong kiến Việt Nam trong công cuộc chinh phục Biển Đông, gây dựng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” của Nhà sử học Lê Quý Đôn năm 1776 (từng làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa thế kỷ XVIII): “Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn ngày nay) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển. Khi đi, ngoài những vật dụng cần thiết mang theo cho chuyến đi, mỗi hùng binh của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn chuẩn bị cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán mang theo để đồng đội bó cùng xác nếu hy sinh trên biển”.

Gần 400 năm đã qua đi, nhưng người dân huyện đảo Lý Sơn - vùng đất phên giậu của Tổ quốc chưa bao giờ quên những  Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải oai hùng năm xưa đã giong thuyền, cưỡi sóng vượt muôn trùng biển khơi để gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã nằm lại với sóng nước Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng, để lại nỗi thương nhớ, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người.

Từ hàng trăm năm nay, ngày 16 tháng 2 âm lịch, Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa diễn ra tại Đình làng An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Thả thuyền lễ.

Từ hàng trăm năm nay, ngày 16 tháng 2 âm lịch, Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa vẫn diễn ra tại Đình làng An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thức dậy tiềm năng kinh tế lớn

Trước sức ép về sự cạn kiện dần nguồn tài nguyên trên đất liền và sự tăng dân số cộng với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, con người từng bước nâng tầm khả năng khai thác tài nguyên biển vượt qua các giới hạn về độ sâu. Với sự trợ giúp của khoa học và công nghệ, tiến ra biển trở thành hướng phát triển mới của loài người, một chiến lược lâu dài của những quốc gia có biển trên thế giới. Và thực tế là, thế giới đang bước vào “kỷ nguyên đại dương”.

Việt Nam ta cũng vậy. Với mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36 – NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. với tư duy đẩy nhanh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Chiến lược đưa ra mục tiêu tổng quát và 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển,… Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Thay lời kết

Trao đổi với các thành viên Đoàn công tác số 9 trong chuyến thăm và làm việc với Quân, Dân quần đảo Trường Sa đầu tháng 5/2023 vừa qua, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, để phát triển kinh tế - xã hội trên đất liền, chúng ta thường nói đến Điện - Đường - Trường - Trạm nhưng ở các đảo trên quần đảo Trường Sa thì Điện - Nước - Công trình hạ tầng là điều kiện cơ bản nhất. Không giải quyết được điện thì cũng khó giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt. Đồng thời phải xây dựng các công trình để hỗ trợ ngư dân bám biển, kéo dài thời gian hoạt động trên biển, giảm chi phí chuyến biển,… Nếu chúng ta có nhà máy chế biến hải sản, quy mô vừa thôi nhưng trang thiết bị hiện đại thì quần đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân mong rằng, sau các chuyến đi, khi đã hiểu hơn về khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên biển đảo nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng, các đại biểu đã đến với Trường Sa sẽ có hành động thiết thực hơn, cụ thể hơn, tầm nhìn xa hơn, nhất là việc bảo trì, bảo vệ trang thiết bị trong điều kiện độ muối cao để chúng ta cùng nhau thực hiện chiến lược kinh tế Biển của Đảng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển ở vùng biển xa như Trường Sa cần được quan tâm hơn. Gắn phát triển nuôi xa bờ quy mô công nghiệp với công nghiệp chế biến để khai thác lợi thế biển. Có thể xây dựng các đoàn kinh tế - quốc phòng để vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, vừa khai thác biển hiệu quả.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top