Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2024 | 10:51

Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chuỗi: Giải pháp đột phá phát triển kinh tế VAC

Thông qua diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm OCOP để tạo đột phá cho kinh tế VAC.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Việc thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều rào cản cần có giải pháp để tháo gỡ.

Theo đại diện HTX rau, quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), rào cản lớn nhất để chuyển giao ứng dụng công nghệ số là nhận thức của cán bộ quản lý HTX, người nông dân và cả cơ quan quản lý Nhà nước (cấp huyện, xã) về ứng dụng công nghệ số còn hạn chế. Nhân lực quản trị của HTX còn thiếu và yếu, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của công nghệ số vào quản lý sản xuất, hệ thống kế toán… Cùng với đó, ứng dụng công nghệ số cần vốn lớn, rủi ro cao trong khi vốn của HTX còn yếu, tiếp cận nguồn vốn thương mại và quỹ đầu tư khó khăn do cơ chế thế chấp mặt bằng bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Phó Giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, HTX gặp không ít khó khăn trong việc chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất VietGAP, hữu cơ… Để thay đổi tư duy sản xuất, HTX phải kiên trì vận động để các hộ cùng làm. Bên cạnh đó, sản xuất chè chất lượng cao cần phải đầu tư thiết bị máy móc, từ sao thông thường sang máy sao chè bằng ga nên còn gặp khó  trong việc sử dụng và làm chủ công nghệ.

“Khi mới xây dựng thương hiệu, việc tiếp cận thị trường lúc đầu rất khó, trong khi sản phẩm chè của HTX được sản xuất hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng phân vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học… Nhiều khách hàng còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm”, bà Mỹ cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng đề cập nhiều rào cản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Khó khăn về nguồn vốn đầu tư; nguồn lực; bất cập trong chính sách quy hoạch, tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn; khó khăn về thị trường tiêu thụ…

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng, rào cản về nguồn vốn đầu tư là yếu tố quan trọng, bởi lẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…

Đề xuất giải pháp đột phá

PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhận định, bên cạnh tiềm năng, lợi thế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết sản xuất, do lĩnh vực VAC với đặc điểm quy mô nhỏ lẻ, phân tán; năng suất, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, tổ chức liên kết sản xuất và hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường ngày càng phức tạp đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có kinh tế VAC.

Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh thăm các mô hình tại Thanh Hoá.

Chủ tịch Hội Làm vườn mong muốn, trước những thách thức đang đặt ra cho phát triển kinh tế VAC, thông qua diễn đàn quan trọng này, để hội viên, nông dân cùng nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn những thành tựu, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời nhận diện một cách đầy đủ những tồn tại, hạn chế, thách thức, từ đó xác định giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài để ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị để phát triển kinh tế VAC.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá cho biết, Thanh Hóa hiện có 508 sản phẩm OCOP, trong đó có 450 sản phẩm OCOP 3 sao, 57 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn thăm trang trại Queen Farm (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hoá).

Bên cạnh đó, Thanh Hoá đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Các mô hình này đều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng kỹ thuật sinh học, công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Đồng thời kết hợp ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành sản xuất.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Chúc Sơn, kiến nghị các nhà khoa học cần bám sát  thực tế sản xuất, gần hơn nữa với người nông dân để định hướng nghiên cứu, chế tạo hoặc tư vấn cho HTX, doanh nghiệp và người nông dân áp dụng máy móc thiết bị  phù hợp. Các quỹ về KHCN,  phát triển HTX,  khuyến nông cần ưu tiên cho HTX vay vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ số… Cơ quan báo chí cần tăng cường truyền thông  để thay đổi nhận thức không chỉ của lãnh đạo HTX, người nông dân mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng về ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng đề xuất các giải pháp cần đặc biệt quan tâm để ứng dụng các mô hình nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp du lịch…) và tháo gỡ các rào cản, gồm: Có cơ chế chính sách và hành lang pháp lý dài hạn, các mô hình nông nghiệp  phải được ưu tiên, khuyến khích thông qua chính sách cho vay vốn và thuế để có vốn đầu tư dài hạn;  đào tạo nguồn nhân lực thông qua các tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, tập huấn, sổ tay hướng dẫn thực hành…để có thêm kỹ năng, kiến thức mới và tư duy mới trong phát triển mô hình mới;  đầu tư nghiên cứu, đề xuất các công nghệ mới, hiệu quả và có tính ứng dụng cao để phát triển nông nghiệp trong tình hình mới; về thị trường, chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường có giá trị cao; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cả người sản xuất và người tiêu dùng về các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường và giải pháp hợp tác quốc tế.

Trong các nhóm giải pháp, việc hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng, góp phần vào thành công của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. “Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các nước tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu các thành tựu khoa học của thế giới ứng dụng có hiệu quả trong điều kiện Việt Nam…”, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.

 

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top