Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 9 năm 2023 | 9:42

Văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân, văn hóa Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Lan tỏa những điển hình tiên tiến

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng ở Định Hóa (Thái Nguyên) là người luôn đau đáu với những giá trị hồn cốt của dân tộc. Sáu mươi năm gắn bó với di sản vô giá của dân tộc, bà Hồng đã “thổi hồn” cho nhiều điệu hát Then, đàn Tính. Bà cũng là nghệ nhân miệt mài “giữ lửa” và “truyền lửa” cho các thế hệ; trực tiếp truyền dạy những nét đẹp văn hoá, đồng thời là hồn cốt trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở những vùng núi cao, đời sống còn nhiều khó khăn.

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng.

Với 700 học trò, em nhỏ nhất mới học lớp 3, người cao niên nhất đã 86 tuổi, là những học viên đặc biệt được NNND Bích Hồng tận tình chỉ bảo. Nhiều người tiếp nối để trực tiếp trở thành những người tham gia vào công cuộc gìn giữ các giá trị văn hoá của dân tộc. Qua những buổi truyền dạy, nghệ nhân Hồng rất phấn khởi khi nhận thấy người dân, nhất là lớp trẻ ngày nay đã hiểu, yêu hơn những câu hát Then, đàn Tính. Những giá trị văn hoá dân gian cũng vì thế sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc.

Là một trong những điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hoá toàn quốc năm 2023, bà Trần Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều sáng kiến thu hút bạn đọc đến với thư viện truyền thống trong bối cảnh những thư viện này chịu sự cạnh tranh từ các thiết bị nghe, nhìn hiện đại.

Bà Trinh bày tỏ, để thu hút bạn đọc đến với thư viện truyền thống, các thư viện cần xây dựng được cảnh quan xanh - sạch - đẹp bên trong và ngoài thư viện. Nguồn tài nguyên thông tin trong thư viện phải phong phú, đa dạng, được phục vụ nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu đọc, học tập suốt đời của mọi đối tượng. Đặc biệt, dù là thư viện truyền thống nhưng vẫn phải được trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại để đảm bảo nhu cầu tra cứu thông tin của bạn đọc.

Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh chia sẻ tại hội nghị.

Cũng theo bà Trinh, thư viện không chỉ là nơi chứa sách mà phải trở thành điểm hẹn văn hoá thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu bạn đọc với nhau hay tác giả với bạn đọc; đưa các lớp giáo dục kỹ năng sống về thư viện… Mô hình thư viện lưu động cũng cần đi theo hướng “xe đi, sách ở lại” để đưa nhiều cuốn sách giá trị đến với bà con vùng sâu, vùng xa, những vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Thuyết Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông (TX. Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) là một trong những điển hình trong xây dựng môi trường văn hoá cơ sở, góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Lâu nay ở các đám tang với quan niệm “trần sao, âm vậy”, việc rải, đốt vàng mã là tập tục ăn sâu vào nhận thức của người dân xã Hoà Tân Đông nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung. Việc rải vàng mã không chỉ gây lãng phí mà còn gây phiền toái cho người đi đường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Theo ông Trình, việc thay đổi nhận thực của người dân để bà con hạn chế, hướng đến không rải tiền giấy, vàng mã tưởng chừng là điều không thể. Thế nhưng, với tinh thần vào cuộc quyết liệt, kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thậm chí đến từng đám tang để vận động, bà con dần nhận ra đây là hủ tục; không còn phù hợp trong thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh hiện nay. Hiện tại, 5/5 thôn trên địa bàn xã Hoà Tân Đông đã đưa việc không rải vàng mã vào thực hiện quy ước, hương ước xây dựng thôn văn hoá, gắn với nét đẹp văn hoá trong việc cưới, tang ma. Đến nay, hầu hết đám tang ở Hòa Tân Đông đã không rải giấy tiền, vàng mã.

Trên đây chỉ là ba trong 78 gương điển hình tiên tiến vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trao biểu trưng và Bằng khen tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Đây là những tấm gương bình dị mà cao quý, có nhiều đóng góp cho toàn ngành văn hóa, cho đất nước bằng những công việc được lượng hóa cụ thể. Những công việc đó đã lan tỏa một tinh thần tích cực "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu" đến toàn xã hội.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả 9 nhiệm vụ

Phát biểu tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen và biểu trưng cho 78 điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực VHTT&DL toàn quốc.

Thủ tướng nêu rõ, nói đến văn hóa là nói đến con người. Văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Văn hóa Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán đăc sắc, phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, hòa quyện thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:  "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đảng và Nhà nươc ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.

Theo Thủ tướng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những kết quả phát triển đất nước. Thủ tướng nêu rõ, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả 9 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Trong đó, tập trung quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trên tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top