Xử lý rác thải nông thôn luôn được đánh giá là “bài toán” khó trong thập kỷ nay nhưng vẫn chưa có lời giải tối ưu. So với đô thị, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí ngay cả những địa phương đã được công nhận là nông thôn mới, người dân cũng đang phải sống chung với rác… Cần phải có giải pháp thật sự hiệu quả.
Vùng nông thôn quá tải rác thải sinh hoạt
Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại…
Một số người dân thiếu ý thức đã xả rác xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối…
Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối… Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, Việt Nam hiện có khoảng 85% lượng rác thải đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, tương đương khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn. Các nhà chuyên môn cho rằng nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55% - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.
Nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Điển hình tại các địa phương như:
Tại Bắc Ninh, theo thống kê, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình… lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch.
Hiện, cả tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có ba địa phương là thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) thành lập được hợp tác xã dịch vụ - môi trường. Còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp.
Tại Nghệ An, vùng nông thôn hàng ngày phát sinh ra môi trường gần 900 tấn rác thải. Hầu hết các chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy (nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật…). Riêng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn của tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng như chợ, đường giao thông và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm…
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Tại Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn mỗi ngày khoảng 202 tấn. Theo dự báo đến năm 2025, khi dân số tỉnh Tuyên Quang tăng trên 713 nghìn người, khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải sẽ tăng lên 285 tấn/ngày.
Trong khi tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực đô thị của Tuyên Quang đạt trên 96% thì tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%, tương đương 60,6 tấn/ngày. Tuyên Quang hiện chỉ có 11 đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Tuy nhiên những đơn vị này chưa có đủ năng lực về phương tiện cũng như nhân lực để thu gom, vận chuyển rác thải của cả khu vực nông thôn.
Hầu hết ở các thôn phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 5 ngày mới thu gom một lần. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Cùng với đó, điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt được bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm xấu cảnh quan xóm, làng...
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hiện mỗi ngày phát sinh khoảng 650 tấn chất thải, trong đó ở khu vực nông thôn có khoảng 250 tấn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn ở Sóc Trăng mới chỉ đạt khoảng gần 50%.
Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi.
Đặc biệt, rác thải từ các chợ ở cả khu đô thị lẫn nông thôn cũng khiến cho ngành môi trường của Sóc Trăng khó khăn trong xử lý. Theo báo cáo, khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn Sóc Trăng có hơn 130 khu chợ, mỗi ngày hoạt động tại các chợ phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn và gần 1.000m3 nước thải.
Qua kiểm tra các đơn vị chức năng cho biết, nước thải ở các chợ nông thôn và chợ tự phát đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh; chất thải rắn không ngừng gia tăng về khối lượng, đa dạng về thành phần đang tác động xấu đến môi trường nước tại các sông, kênh, rạch ở địa phương.
Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn
Còn tại Vĩnh Phúc, Sở Tài Nguyên và Môi trường, cho biết: Mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác thải nhưng khả năng thu gom, xử lý rác ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường; xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên... chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý…
Mặc dù, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bàn bạc, đưa ra giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như quy hoạch xây dựng bãi rác rộng hơn, đầu tư lò đốt rác, nhà máy xử lý rác có quy mô, công suất lớn để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải tại địa phương... song đến nay tỉnh vẫn chưa có dự án nào chính thức được đầu tư xây dựng vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông thôn...
Tương tự, tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tình trạng xả thải bừa bãi ra ruộng đồng các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hay chỉ tập kết rác vào một khu vực mà không có biện pháp xử lý đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở các vùng quê.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cần đi dọc theo các tuyến đường liên ấp, liên xã… chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những túi nylon, những bao chứa rác thải sinh hoạt được vứt bừa bãi 2 bên lề đường, ném quanh các bụi rậm, có khu vực, rác thải sinh hoạt được chất thành từng đống bên vệ đường. Dọc các kênh, mương cũng không ngoại lệ, nhiều nơi, rác thải được đổ trôi lềnh bềnh trên mặt nước với mật độ càng ngày càng nhiều. Những bãi rác như vậy đang hình thành ngày càng nhiều, chủ yếu là do thiếu nơi tập kết rác thải.
Các chai, lọ vứt bừa bãi do hoạt động sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Internet
Ông Trần Văn Hữu, một nông dân ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết, “mỗi vụ sản xuất gia đình ông phải dùng cho mỗi một sào cấy lúa là khoảng trên dưới hai chục loại bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm hai vụ, nhân lên 10 sào của gia đình ông Hữu sẽ thấy một khối lượng rác thải từ bao bì là khá lớn, và hoàn toàn không được xử lý, cho thấy mối nguy hại chỉ riêng từ rác thải nói trên là rất lớn”.
Vậy, phải chăng còn nhiều điểm nghẽn, những mối buộc, những đoạn đường vòng… khiến cho nhu cầu được xử lý rác ở khắp các địa phương chưa gặp được việc cung cấp, triển khai các mô hình, phương pháp hiệu quả? Những điểm nghẽn ở đâu và cần tìm ra để làm cho thông thoáng? Việc này rất không nên để lâu hơn nữa nếu đặt bên cạnh nhau để so sánh về các nguồn lực đầu tư để giải quyết với một tương lai tiếp tục ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếp tục nguy cơ và kéo dài tình trạng người dân mắc các bệnh liên quan, gây thiệt hại về sức khỏe, tốn kém về tiền bạc mà hậu quả vẫn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Khó khăn trong xử lý rác thải ở nông thôn
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng. Nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Cũng theo khảo sát của ngành chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55%.
Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn. Rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc, trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường hiện chưa phát triển đúng mức. Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực nông thôn vẫn bằng thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp.
Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư.
Xử lý rác thải nông thôn luôn được đánh giá là “bài toán” khó trong thập kỷ nay nhưng vẫn chưa có lời giải tối ưu
Hầu hết ở các thôn, ấp, xã, phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm... Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân...
Một số địa phương có phương án hoặc có khó khăn về địa điểm chôn lấp rác đã tính đến việc xây dựng các lò đốt rác, nhưng lại vướng phải những khó khăn do không có kinh phí hoặc kỹ thuật vận hành. Thông thường, lò đốt rác ở khu vực nông thôn được xây dựng hiện nay chỉ là loại nhỏ, công suất khoảng 2 tấn/ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Hầu hết các xã vùng nông thôn chưa có quy hoạch địa điểm xử lý rác, dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu. Một số lò đốt không đủ điều kiện để hoạt động. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cho nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn thấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực để thu gom, xử lý rác chưa tốt…
Có thể thấy, ở các vùng nông thôn để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường rất khó do nhiều yếu tố tác động như về phương tiện thô sơ, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đồng bộ hay ý thức của người dân ở đây không cao. Đáng quan tâm hiện nay là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm môi trường từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen xả rác thải; chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối quản lý, ngay từ cấp trung ương. Bởi theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng trong quy định về chức năng nhiệm vụ chưa nêu rõ trách nhiệm quản lý môi trường nông thôn.
Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân - Ảnh: Internet
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã giao trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung lại là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Cùng với đó, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao đầu mối triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…
Tại các địa phương, công tác quản lý chất thải rắn cũng đang trong tình trạng không thống nhất, nơi do ngành tài nguyên và môi trường quản lý, nơi lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt ở vùng nông thôn và chất thải rắn làng nghề, công tác quản lý vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Nguyễn Thượng Hiền: Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền. Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung. |
Thay vì chôn lấp sang tái chế có hiệu quả
Ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, có yêu cầu rõ việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương áp dụng công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn.
Tự ủ phân hữu cơ từ thức ăn dư thừa.
Quyết định số 491/QĐ-TTg đặt mục tiêu và yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch mỗi địa phương; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; thống nhất quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
Hiệu quả của phương pháp xử lý khí thải lò đốt rác được thể hiện bằng thông số cụ thể như sẽ loại bỏ được 80-90% hoàn toàn các chất độc có hại chứa trong rác thải.
Đề xuất giải quyết khó khăn về rác thải nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường định hướng xử lý rác thải thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang tái sử dụng, tái chế có hiệu quả. Trước mắt, cần đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay; đồng thời, tìm kiếm và công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Trên cơ sở đó, yêu cầu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phải được các địa phương ưu tiên hàng đầu; thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để hạn chế nguồn phát sinh rác: Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra các sông, kênh rạch…; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn; rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn; rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương...
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.