Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:19

Ăn cơm nếp, nét đặc trưng của người Thái Quan Hóa

Từ bao đời nay, phong tục ăn xôi nếp đã được các thế hệ người Thái ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) nối tiếp nhau lưu giữ và tạo thành nét đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ dân tộc nào. Một năm có 365 ngày thì gần như cả 365 ngày bà con đều ăn xôi nếp.

Cơm nếp là món ăn hàng ngày của người Thái Quan Hóa.

Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Quan Hóa, tôi có dịp tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái nơi đây. Được biết, Quan Hóa nằm cách TP. Thanh Hóa hơn 150km về phía Tây. Nơi đây, đồng bào Thái chiếm tới 65% dân số toàn huyện. Sau nhiều giờ đồng hồ vượt qua con đường dài hàng trăm kilômét, chúng tôi có mặt tại Trung Sơn, xã nằm giáp ranh với tỉnh Sơn La, nơi có công trình thủy điện Trung Sơn đang được xây dựng.

Do quãng đường xa nên khi lên tới trung tâm xã thì trời đã gần trưa. Nơi tôi ghé thăm đầu tiên là gia đình ông Lò Khằm Quyến ở bản Tà Bán, lúc này gia đình ông đang chuẩn bị ăn cơm trưa. Quan sát mâm cơm đã bày sẵn, tôi thấy nổi lên món xôi nếp đồ cùng với gấc, tạo thành một màu đặc trưng. Tôi tò mò tự hỏi, sao trong bữa trưa mà bà con lại dùng cơm nếp, bởi theo phong tục của người miền xuôi, cơm nếp thường dùng để ăn sáng hay các ngày lễ, Tết…

Thấy có khách, ông Quyến đã mời dùng bữa cùng gia đình, tôi vui vẻ nhận lời. Rồi sự tò mò của tôi cũng dần được giải đáp. Vừa ngồi xuống mâm, già Quyến nhanh miệng giới thiệu về phong tục của người Thái trong bữa ăn. “Chắc cơm nếp các chú rất khó ăn, nếu biết có khách chúng tôi lại nấu thêm cơm tẻ. Ở trên này, chúng tôi chỉ ăn cơm nếp thôi, cơm tẻ khi nào có khách dưới xuôi lên mới nấu”.

Cơm nếp của đồng bào Thái nơi đây khi ăn vào có hương vị và cảm giác rất khác, không giống như loại cơm nếp mà tôi đã từng ăn. Như tự hào về nét đẹp của dân tộc mình, già Quyến cho biết: “Bao đời nay người Thái ở Quan Hóa đều ăn cơm nếp đồ như thế này. Không có cơm nếp là chúng tôi không chịu được. Ngày thường hay ngày lễ, tết đều ăn đồ nếp cả”.

Cơm nếp (còn có cách gọi khác là xôi nếp) của người Thái được đồ bằng hông gỗ, hạt gạo chín nhờ hơi nước nên khi nhìn vào đĩa xôi hạt cơm dường như không nở hơn so với hạt gạo là bao. Hạt cơm rất trắng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng của giống lúa nương. Lúa nếp được bà con trồng trên các ngọn đồi và sườn núi. Do địa hình cao, đất đai cằn cỗi nên chỉ thích hợp trồng giống lúa nếp. Lúa nếp trên đồi một năm chỉ trồng được một vụ, kéo dài từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, thời gian của vụ ngắn hay dài còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.

Muốn cơm được ngon, nhanh chín, gạo trước khi đồ phải được ngâm ít nhất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Người đồ sẽ đổ nước vào trong cái niêng đồng, bỏ gạo đã ngâm vào trong cái hông làm bằng gỗ, đặt hông lên trên niêng và đồ lên. Thời gian đồ phụ thuộc vào lượng gạo đồ trong hông nhiều hay ít.

Sau khi đồ xong dùng nống sạch đổ ra, đánh tơi, vừa đánh vừa quạt cho xôi bay hết hơi nóng, có như vậy xôi mới khô và để được lâu hơn. Có một điều đặc biệt khi thưởng thức món xôi nếp phải tinh ý mới nhận ra đó là khi đồ người ta không bỏ thêm bất cứ một thứ gia vị nào nhưng khi thưởng thức vẫn cảm nhận được sự đậm đà, mùi thơm của gạo nương vùng cao.

Sớm ngày hôm sau, tạm biệt gia đình ông Quyến, tôi lại có mặt tại nhà chị Đinh Thị Hương, ở bản Nam Thành, xã Thành Sơn và được tận mắt chứng kiến chị cùng con gái mình đang đồ xôi chuẩn bị cho một ngày mới đi nương.

Vừa đồ xôi, chị Hương cho biết: “Ngày nào cũng vậy, chúng tôi dậy sớm đồ một nồi xôi để ăn sáng, khi đi làm bà con còn mang theo lên nương ăn trưa luôn. Chúng tôi đi rừng, leo đèo vượt núi nhiều nên ăn đồ nếp cho chắc cái bụng, chứ ăn đồ tẻ giống dưới xuôi thì nhanh đói lắm, chịu không được”.

Đồ xong nồi xôi, chúng tôi lại được thưởng thức món xôi cùng gia đình chị Hương, sự đậm đà, hương thơm của loại gạo nương khiến tôi ấn tượng mãi. Rời gia đình chị Hương ra về, hình ảnh những ngôi nhà sàn nằm trên các sườn đồi, sự thân thiện của các cô gái Thái cùng hương vị của xôi nếp khiến chúng tôi không thể nào quên được những ngày lưu lại vùng đất này.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top