Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 5 năm 2022 | 15:21

Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị

Theo các chuyên gia, khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản và con người, nhưng không nghĩ đến môi trường xung quanh như thế nào, trong khi chất ô nhiễm nguy hại tồn tại rất lâu sau khi cháy.

Theo thống kê, hiện nay tại TP. Hà Nội có hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Năm 2020, thành phố cũng đã công bố danh tính 79 chung cư mới được xây dựng vi phạm quy định về PCCC. Tại TP. HCM, công an thành phố cũng vừa điểm tên 315 doanh nghiệp, sơ sở, công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. Trong đó không chỉ công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất vi phạm quy định về PCCC mà Trường mầm non cũng vi phạm.

Mỗi khi có cháy nổ xảy ra là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và môi trường sống của người dân. Những sự cố cháy, nổ đều gây ảnh hưởng đến môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài.

Chất ô nhiễm nguy hại tồn tại sau khi cháy rất lâu

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Nhà chung cư cao tầng, đường thoát hiểm chứa đầy đồ dùng, vật dụng, khoảng cách giữa 2 nhà chung cư ở Việt Nam rất gần, nên khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền không chỉ trong từng căn hộ mà còn len lỏi sang khu vực lân cận vì khoảng cách giữa các chung cư rất gần.

“Môi trường không chỉ khu vực xảy ra vụ cháy mà môi trường khu vực lân cận 200m-300m hay đường kính 500m theo luồng gió tản ra sẽ bị ô nhiễm, nên môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường thay đổi”- bà Kim Chi nói.

 

chay-rang-dong.jpg
Trong vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông - Hà Nội, những bóng đèn huỳnh quang bị thiêu rụi sẽ khiến thủy ngân phát tán vào không khí và tồn tại rất lâu

 

Khi xảy ra cháy nổ, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, phải sử dụng nước để dập cháy, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước này trở thành nước ô nhiễm, sẽ vào các nguồn tiếp nhận như ao hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, nước gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống tại hồ. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. “Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại và tác động xấu đến môi trường sau khi cháy rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy”.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cùng một số yếu tố khác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong các siêu đô thị như Hà Nội, TP. HCM có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu như xăng dầu dễ cháy, nhiều hóa chất độc hại dễ cháy nổ. Khi quản lý không tốt thì tại các cơ sở sản xuất kinh doanh để xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, trong nhiều trường hợp có thể đạt đến mức thảm họa.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, song hành với quá trình phát triển đô thị thì nguy cơ cháy nổ và tác động môi trường tăng lên rất nhiều. Về mặt quản lý nhà nước đã có bộ luật về PCCC, quy định trong Luật Xây dựng, quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế cho thấy các vụ cháy nổ vẫn xảy ra, thiệt hại lớn, còn nguyên nhân nằm ở đâu đó, có lỗ hổng trong pháp luật hay trong quá trình thực thi pháp luật, thực tế tất cả đô thị, một phần không nhỏ nó là khu dân cư hình thành rất lâu trước khi có Luật PCCC, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng.

“Những khu này, nhà xưởng họ xây dựng rất không ổn, nhưng nó là tồn tại lịch sử nên tôi nghĩ bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật đối với đô thị mới, thì đối với đô thị hình thành lâu rồi phải có giải pháp đặc thù. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến 4 cấp các loại dự án, trong đó có cấp dự án rất nhỏ có thể hộ gia đình thậm chí không phải Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phải đăng ký xả thải, phải đăng ký môi trường nó là cam kết môi trường trước đây, yếu tố đặc biệt quan trọng là ý thức nội tại và quy định nội tại của chủ căn hộ, chủ cơ sở đó’ – ông Đồng nói.

Bất cập trong công tác PCCC

Thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhất là tại các nhà dân, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, gây tác động đến môi trường.

Ví dụ, có nhiều tòa nhà cao tầng trên 40 tầng, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị loại xe thang với chiều cao có hạn, cao nhất mới chỉ 72m, còn chủ yếu là 32m và 52m. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong công tác PCCC tại Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Minh Hải chia sẻ: Theo quy định của phát luật tất cả các tòa nhà, công trình từ khi thiết kế, xây dựng hoạt động đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC.

Đặc biệt đối với nhà siêu cao tầng đối với trường hợp này phải đảm bảo phòng cháy rất khắt khe, có thể lấy ví dụ thực hiện ngăn cháy lan trên các tầng, yêu cầu về hành lang thoát nạn của từng tầng đảm bảo yêu cầu chống cháy lan chống tụ khói.

Tòa nhà cao trên 100m yêu cầu thực hiện đầy đủ về cứ cách khoảng 15 - 20 tầng có gian lánh nạn, đảm bảo sức khỏe thời gian lánh nạn và đảm bảo trong quá trình di chuyển, ngoài các yêu cầu đó các trang thiết bị các hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động.

Về xe thang chữa cháy là phương tiện hỗ trợ hoạt động bên ngoài, Chỉ hoạt động hiệu quả từ tầng 10 - tầng 15 hạ tầng, xe hoạt động đô thị hiệu quả. Tuy nhiên đối với hệ thống hạ tầng đô thị của nước ta hiện nay nhiều khu vực di chuyển sẽ khó.

Đánh giá về công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: Trong việc kiểm soát và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các đơn vị, bao giờ đơn vị quản lý về môi trường cũng đều quan tâm đến các phương tiện phòng cháy chữa cháy ở trong đơn vị. Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải có chương trình phòng chống ứng phó sự cố trước khi cháy nổ đều phải được thông qua và có dự thảo chương trình này và phải được cơ quan PCCC thông qua. Như vậy, rất nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy đều co dự thảo về chương trình phòng chống và ứng cứu sự cố cháy nổ được cơ quan có trách nhiệm về PCCC phê duyệt.

 

toa-dam-1-5-8621.jpg
GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

 

Sau này khi kiểm tra để cấp giấy phép môi trường hoặc cấp các xác nhận bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng thường thấy các phương tiện phòng chống chữa cháy, các biện pháp đã được đưa ra tương đối đầy đủ – đó là ưu điểm. Bên cạnh đó vẫn không phải tất cả các đơn vị làm được. Có rất nhiều nhà máy, công xưởng, khu chung cư, khu đô thị cũng làm chương trình dự thảo, chương trình PCCC trình lên để phê duyệt nhưng khi đưa vào thực tế không được như bậy. khi xảy ra sự cố cháy nổ, chúng ta không đủ phương tiện như kế hoạch đã được xây dựng và được cơ quan PCCC phê duyệt.

Trong công tác PCCC, tôi rât quan tâm đến việc phòng ngừa, ứng cứu các ự cố gây nên ô nhiễm môi trường do hoạt động do cháy nổ. Nhiều cơ sở sản xuất, nhà chung cư, nhà cao tầng không quan tâm đến hậu quả của hỏa hoạn dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường về mặt không khí, nước, đất đai, cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe của cộng đồng. Như vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông , lúc đầu chúng ta rất lúng túng trước việc xử lý hậu quả của cháy phòng hóa chất. Không chỉ có vậy, hậu quả của cháy nổ đều gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có biện pháp quan tâm hơn đến việc này.

Xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ: Cần làm gì? 

GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh, hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau khi dập tắt đám cháy, các đơn vị quản lý môi trường cần đến ngay khu vực xảy ra sự cố cháy nổ tìm hiểu mức độ cháy, vật liệu cháy, hóa chất cháy, hướng phát tán khói thải ra các khu vực lân cận bị ảnh hưởng thế nào, xem xét nguồn tiếp nhận nước thải và các hiện trạng sinh thái tại khu vực chịu ảnh hưởng của cháy nổ, đặc tính của các loại chất thải rắn-sản phẩm phát sinh của quá trình cháy như thế nào, để dự báo có khả năng thành phần ô nhiễm nào sẽ phát sinh ra sau quá trình cháy đi vào môi trường không khí, đất, nước và các loại chất thải. Tùy mức độ và quy mô khu vực cháy, khả năng lan truyền chất ô nhiễm phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường để khẳng định thành phần, mức độ ô nhiễm với môi trường khí nước, chất thải.

“Phải di dời người già, trẻ nhỏ, người ốm ra khói khu vực bị cháy trong khoảng thời gian nhất định, tránh không sử dụng bồn chứa nước, nơi tiếp nhận nước thải đã dập cháy, tránh sử dụng các loại rau quả, vật nuôi bị nhiễm bụi, khí độc trong khu vực chịu tác động của vụ cháy. Điều nữa là chúng ta không thể thu gom lại khí để xử lý vì lúc đó đã lan truyền tất cả các nơi, phải có thời gian cho thông thoáng khí ở khu vực cháy và khu vực lân cận vì có quá trình pha loãng với các nơi khác và làm giảm thành phần độc hại có trong thành phần khí tới tiêu chuẩn an toàn về mặt môi trường”- bà Chi nói.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, phải xử lý nước thải sinh ra gây ô nhiễm bằng cách thu gom nước thải về cơ sở xử lý nước thải để đạt được yêu cầu xả thải an toàn môi trường. Phải có kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt là sản phẩm của quá trình cháy theo đúng quy định thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại. Cùng với đó, cần có thêm việc kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi cháy nổ để kịp thời phát hiện các hiện tượng ngộ độc, tác động xấu đối với con người do hậu quả sinh ra trong quá trình cháy. Đồng thời cảnh báo cho khu dân cư có biện pháp tự bảo vệ mình trước tác động ô nhiễm này để giảm thiểu tác động xấu của môi trường bị ô nhiễm đối với cá nhân họ.

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top