Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021 | 15:48

Áp dụng chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam: Người dân đồng lòng, cả nước sẻ chia

Trước diễn biến nhanh, khó lường của chủng virus mới Delta, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi 19 tỉnh, thành phố phía Nam theo Chỉ thị số 16, thời gian 14 ngày.

Và có thể phải tiếp tục áp dụng giãn cách khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Mặc dù đây là quyết định khó khăn để đẩy lùi dịch Covid-19 nhưng hầu hết người dân tại địa bàn đều đồng lòng ủng hộ.

 

t14a.jpg
Nhiều tuyến đường trung tâm TP. HCM như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng... thưa vắng người.

 

TP. Hồ Chí Minh, tại những nơi đông đúc trước kia, như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát lớn, Hội trường Thống Nhất, Bưu Điện TP, Bến xe miền Đông, chợ đầu mới và một số chợ truyền thống... đều vắng vẻ.

Ngay từ sáng sớm, không khí vắng vẻ đã bao trùm cả thành phố, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh hoa lệ ngày thường; các trung tâm thương mại sầm uất đều “cửa đóng then cài”, các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu được phép hoạt động, một số chợ truyền thống tạm thời đóng cửa, người dân ở nhà hoặc làm việc theo quy định, không tụ tập và hạn chế ra đường, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và có giấy tờ hợp lệ. Khu vực phong tỏa thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Những nơi thường có đông người như công viên được kiểm soát nghiêm ngặt.

Một số tuyến đường nội thành, đại lộ Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... cũng thưa vắng người qua lại.

Cùng diễn biến, tại TP. Cần Thơ, trên các tuyến đường nội đô của các quận Ninh Kiều, Cái Răng…, chỉ lác đác vài xe, khác xa với sự đông đúc, náo nhiệt của ngày thường. Nhiều cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống đóng cửa khiến không khí càng vắng lặng.

Tại Bến Tre, người dân hạn chế ra đường, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa. Tại các chợ truyền thống, hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường nhưng được kiểm soát phù hợp với điều kiện phòng chống dịch, số lượng người đi chợ rất ít.

Người dân đến mua đều thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn theo quy định. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… phục vụ đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Buổi sáng ở TP. Vị Thanh (Hậu Giang), đường sá vắng vẻ, nhiều hàng quán ăn uống đóng cửa hoặc để bảng bán mang về; một số hàng quán đã căng dây để tránh tiếp xúc gần giữa người mua và người bán...

Còn tại các chợ truyền thống như chợ chợ phường 4, chợ Vị Thanh (Cái Nhúc) ở phường 3…, hàng hóa không thiếu, nhưng người mua rất ít, thậm chí không có người mua. Còn tại chợ trung tâm TP. Ngã Bảy, nơi tập trung đông người mua sắm, phục vụ cung ứng hàng hóa không chỉ trong tỉnh mà cả các tỉnh lân cận cũng khá vắng vẻ.

Một số tuyến phố trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) như đường 16 Tháng 4, đường Ngô Gia Tự, đường Thống Nhất, đường 21 Tháng 8… đều vắng bóng người, rất ít phương tiện đi lại trên đường. Hầu hết các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ.

 

t14.jpg
Một chốt kiểm soát người dân đi lại tại TP. HCM trong việc thực hiện Chỉ thị 16.

 

Người dân, doanh nghiệp đồng lòng 

Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ và tự nguyện chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Chia sẻ về không gian sinh hoạt tại nhà trong những ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly toàn thành phố, anh Nguyên Vũ (đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh) kể: “Thành phố đang ở một thời điểm rất khác. Thay vì dậy sớm để chăm cho con, mua đồ ăn về cho người thân trong gia đình, nay tôi tự tay chuẩn bị bữa sáng cho tất cả thành viên trong nhà. Nhịp sinh hoạt tuy hơi khác ngày thường, nhưng trong thời điểm hiện tại, việc này là bình thường. Bản thân và gia đình tôi luôn ủng hộ thành phố áp dụng quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi dịch bệnh”.

Tại khu vực đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, nơi bị phong toả từ vài ngày trước vì có ca nghi nhiễm Covid-19, không khí cũng khá yên ắng. Người dân ở đây bắt buộc phải ở trong nhà, không tiếp xúc với các gia đình khác. Vì thế, việc đón nhận thông tin khi thành phố tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội rất bình thản.

“Trong thời điểm bị cách ly, người dân được chính quyền hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm tươi hoặc thức ăn trong ngày. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tổ chức dịch vụ mua hộ hàng hoá, nhu yếu phẩm khi người dân có yêu cầu từ 6-21h hằng ngày. Vì thế, dù đang bị phong toả nhưng cuộc sống sinh hoạt khá thoải mái, ngoại trừ việc không được đi ra ngoài”, anh Quang Phương, người dân sống trong khu vực chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Xuân Tình, ngụ quận 12, chia sẻ, bản thân và gia đình luôn nghiêm túc chấp hành việc giãn cách xã hội. Cá nhân bên cạnh việc nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 16,  cũng khắc phục khó khăn để phản ánh đến người dân những thông tin về tình hình dịch bệnh.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc và nguồn thu nhập của gia đình chịu ảnh hưởng ít nhiều, hai bé Mimi và Kitty, con gái anh Giang Nam ở phường Linh Đông (TP. Thủ Đức) đã hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng đang tham gia tuyến đầu chống dịch trên địa bàn phường Linh Đông bằng việc dành số tiền tiết kiệm để trao tặng 20 phần quà trị giá 6 triệu đồng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường thông qua đầu mối là Uỷ ban Mặt trậnTổ quốc phường Linh Đông.

Anh Sơn,  người buôn bán hàng ăn tại Đồng Tháp,  chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được thông báo giãn cách xã hội đối với 19 tỉnh và thành phố trong khu vực, tôi rất tán thành. Tôi vận động gia đình dừng việc kinh doanh, thực hiện nghiêm quy định cách ly, tiền có thể kiếm cả đời, bán thêm 1-2 ngày không giúp mình giàu lên”.

Là chủ doanh nghiệp, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy, hải sản Sài Gòn (quận Bình Tân) đã “khăn gói” vào ở cùng với người lao động để thực hiện “3 tại chỗ”. Ông Dũng cho biết: “Là ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, không được để gián đoạn chuỗi cung ứng ra thị trường nên công ty triển khai phương án này từ rất sớm. Lúc đầu là lực lượng sản xuất nòng cốt, nay bảo đảm gần 50% lao động làm việc “3 tại chỗ”. Công ty đã tận dụng khu vực hội trường, văn phòng, khu tiếp khách... để làm chỗ nghỉ ngơi cho lao động và huy động bộ phận nhà bếp ở lại để phục vụ đủ ba bữa ăn cho người lao động”.

Có thể nói, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng tại thời điểm này là quyết sách đúng đắn, đây được xem là biện pháp mạnh nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng nhanh nhất.

Hướng về miền Nam ruột thịt

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lo ngại về  thị trường hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 có sự xáo trộn, nhiều tấm lòng tương thân tương ái của người dân từ thành phố tới các vùng quê trên địa bàn cả nước cùng nhau gom rau, củ quả, làm cá khô, muối lạc... gửi vào phía Nam “tiếp sức”, mong bà con, những lao động nghèo sớm vượt qua đại dịch.

Theo đó, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phát động Tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác”, từ ngày 17 đến ngày 23/7/2021 đã tiếp nhận gần 1.500 tấn hàng hóa các loại gồm: Gạo, lạc, đậu, miến, cá khô, moi khô, các nhu yếu phẩm khác (dầu ăn, nước mắm...), củ quả các loại (bí xanh, bí đỏ, đu đủ xanh…).

Số hàng hóa trên được đóng gói cẩn thận, ghi rõ tên mặt hàng, số lượng túi, gói, trọng lượng, đơn vị, cơ quan, cá nhân gửi tặng, có số điện thoại liên hệ, hướng dẫn sử dụng. Các loại hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều loại có nhãn mác đã được đăng ký theo quy định, có nhiều hàng hóa là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.

Còn tại Nghệ An, từ khi biết tin TP. Hồ Chí Minh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, số ca mắc tăng nhanh, người dân đã cùng nhau đóng góp để ủng hộ nhu yếu phẩm. Trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Nam Giang (huyện Nam Đàn) những ngày này chất đầy bao rau, củ, quả chuẩn bị đưa vào phía Nam. Những nông sản sạch này được bà con thu hoạch từ chính vườn nhà mình để gửi vào cho người dân vùng dịch. Ai có gì góp thứ đó, có cụ già mang chục trứng, có em bé mang cả bao gạo thật to, có người chị, người mẹ bớt đôi ba phần nông sản của gia đình mang sang, từ bao gạo đến trái bí, quả cà, đậu, lạc khô… đều được người dân chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tình ở xã Kim Liên (Nam Đàn) cho biết: “Đây là tình cảm đong đầy yêu thương của bà con Nam Đàn quê Bác gửi tới thành phố mang tên Người”. Những ngày qua, bà con đã góp 21.308 quả trứng; 11.399kg chanh tươi; 38.460kg bí xanh, bí đỏ; 846kg lạc nhân và 8.190kg lạc cả vỏ… Số thực phẩm này sẽ được trao đến những bếp nấu thiện nguyện, những gian hàng 0 đồng cho bà con vùng cách ly tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi người góp một ít, với tinh thần tương thân tương ái, ai cũng đồng lòng cùng hướng về miền Nam để động viên người dân trong đó thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Ở TP. Vinh và các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc… cùng một số địa phương ở Hà Tĩnh như Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh..., chị em phụ nữ cùng nhau làm hàng trăm kilôgam cá khô, ruốc bông, hũ muối lạc… để hỗ trợ bà con lao động khó khăn xa quê đang bị kẹt lại vì dịch ở TP. Hồ Chí Minh.

 

t14b.jpg
Công an Gio Linh (Quảng Trị) vận chuyển 22 tấn lương thực, thực phẩm vào giúp đỡ người lao động nghèo ở TP. HCM.

 

Những món quà yêu thương được gửi tới miền Nam theo nhiều cách khách nhau. Mấy ngày hôm nay, tại TP. Vinh, tập thể cán bộ giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã làm  46kg ruốc bông từ thịt lợn đen nuôi thả tự nhiên để dành tặng người dân.

“Từ khi tình hình dịch phía Nam phức tạp, tập thể giáo viên trong trường đồng lòng, của ít lòng nhiều, ai ai cũng vui vì góp sức nhỏ vào công việc chung với hy vọng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi chọn làm ruốc bông từ thịt lợn vì đây là thực phẩm bổ dưỡng, lại là đồ đóng hộp có thể ăn liền với cơm, xôi, bánh mỳ và bảo quản được lâu dài. Dịch giã khiến giá rau củ tăng cao, chúng tôi nghĩ đây là thứ bà con cần nên các thầy cô đã huy động gom nhiều loại rau củ gửi vào cho người dân…”, đại diện Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng  chia sẻ.

Đi chợ online, giảm khả năng lây nhiễm

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.

Mỗi người dân cần cập nhật tình hình dịch bệnh, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, tránh tụ tập nơi đông người, chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm các quy định về phòng chống dịch tại nơi cư trú.

Có thế thấy, điểm mấu chốt để chống dịch thành công là việc người dân tuân thủ giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người. Do vậy, những ngày này, sau khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để tránh tiếp xúc nơi đông người như ở chợ và các siêu thị cùng với việc hàng loạt chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, người dân dần chuyển từ đi siêu thị theo cách truyền thống sang đặt thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng hình thức online. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cũng nhanh chóng triển khai thêm các kênh bán hàng để người dân dù ở độ tuổi nào cũng có thể đặt hàng một cách đơn giản, dễ dàng.

Chính vì thế, việc “đi chợ online” tại thời điểm này không chỉ giúp giảm tải cho siêu thị, chợ truyền thống mà còn đảm bảo an toàn cho người dân trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng.

Một số siêu thị cho phép người dân mua hàng online có thể kể như: Big C/Go, Co.opmart, Satra Mart…

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể mua hàng qua nhiều nền tảng ứng dụng 4.0 như: Zalo, Grap, Shopee, Now, Baemin, Foody…

Cụ thể, để đặt hàng tại siêu thị Co.opmart, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Zalo, tìm kiếm từ khóa “Co.opmart - Bạn của mọi nhà”, nhấn quan tâm, sau đó nhấn nút đặt hàng để tham khảo và chọn mua sản phẩm. Về hình thức thanh toán, người mua hàng có thể thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng banking hoặc ví điện tử Momo.

Chung tay giúp đỡ, sẻ chia, tuân thủ những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta sẽ chiến thắng. 

 

Siết chặt thực hiện Chỉ thị 16, TP. Hồ Chí Minh tăng cường một loạt biện pháp mạnh

Ngày 23/7, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị khẩn số 12, về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. 

Chỉ thị nêu rõ: Sau 15 ngày nỗ lực quyết tâm có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành Trung ương thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tình hình dịch tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Cụ thể là số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...

Trước tình hình hết sức cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điêu trị, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch đang tập trung triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.

 


 

 

Thanh Xuân - Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top