Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND thay thế cho quyết định số 18/2019/QĐ-UBND quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, những quy định trong quyết định này đang gây khó cho tổ chức cá nhân có nhu cầu tách thửa chính đáng.
Nhiều quy định mới
Theo đó, Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND (Quyết định 15) được ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn.
Quyết định 15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021 và thay thế cho Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành từ ngày 22/7/2019.
Điều kiện chung để tách thửa, hợp thửa là thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận. Việc tách thửa phải theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.
Theo quyết định 15 mới, đất ở có nhà tại khu vực đô thị (phường, thị trấn) và huyện Côn Đảo thì diện tích tối thiểu tách thửa là 45m2 và cạnh tiếp giáp đường giao thông không nhỏ hơn 5m và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m tại đường phố có lộ giới từ 20m trở lên.
Đất ở có nhà tại khu vực đô thị nói trên có diện tích tối thiểu tách thửa là 36m2 và có cạnh tiếp giáp đường giao thông không nhỏ hơn 4m, chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m tại đường có lộ giới nhỏ hơn 20m. Còn tại địa bàn các xã, diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất ở có nhà là 40m2, chiều sâu thửa đất và cạnh tiếp giáp đường giao thông không nhỏ hơn 4m.
Với đất ở chưa xây dựng nhà tại khu vực đô thị và huyện Côn Đảo, diện tich tối thiểu tách thửa là 60m2, cạnh tiếp giáp đường giao thông và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m. Tại địa bàn các xã còn lại, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở chưa xây dựng nhà là 80m2, cạnh tiếp giáp đường giao thông và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy định diện tích tối thiểu tách thửa là 100m2, cạnh tiếp giáp đường giao thông và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất nông nghiệp tại các phường, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố và huyện Côn Đảo, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2. Tại các xã còn lại là 1.000m2.
Đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, các thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu như trên và phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý.
Cơ quan nhà nước áp lực, người dân mòn mỏi chờ tách thửa
Từ khi quyết định 15 chính thức có hiệu lực từ 01/10/2021 người dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các quyền sử dụng đất gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính. Về phía các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sở Tài nguyên – Môi trường) hiện đang gặp nhiều áp lực, tồn đọng một lượng lớn hồ sơ thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế số hồ sơ tồn đọng còn rất nhiều.
Theo anh Phương người dân tại thôn Tân Lễ A xã Châu Pha (Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, gia đình anh có nhu cầu tách thửa cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đã mang hồ sơ lên Văn phòng Đăng ký đất đai để làm thủ tục. Tuy nhiên, hồ sơ của anh Phương được hướng dẫn chưa đủ điều kiện tách thửa theo quyết định 15 của UBND tỉnh ban hành.
“Gia đình tôi có nhu cầu tách thửa chính đáng nhưng việc tách thửa không thực hiện được dẫn đến khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Nếu được tách thửa tôi sẽ chuyển nhượng một phần để trang trải nợ và lấy vốn để phát triển kinh tế”, anh Phương chia sẻ.
Một người dân khác ở xã Châu Pha (Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông đứng tên bị mất, làm lại sổ mới cũng mất gần 2 tháng mới xong. Đầu tháng 5/2022, ông tiếp tục đến Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ xin cấp lại bản vẽ vị trí lô đất để bổ sung hồ sơ vay vốn ngân hàng, mà không biết khi nào mới được giải quyết.
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới tôi có rồi, bây giờ làm lại bảng vẽ của hồ sơ miếng đất của tôi thôi. Làm lại để mình cần làm thủ tục vay ngân hàng hay thủ tục gì đó phải cần có đầy đủ hồ sơ. Bây giờ tôi chờ lấy số, gọi tên theo thứ tự. Lúc trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất cấp lại cũng mất hơn 1 tháng, bây giờ không biết sao?” người dân chia sẻ.
Trả lời báo chí Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Thị xã Phú Mỹ cho biết, nguyên nhân tồn đọng số hồ sơ trên là các thửa đất sau khi đo đạc thực tế thì diện tích có biến động (tăng hoặc giảm diện tích) nhưng không liên hệ được với chủ đất liền kề để ký giáp ranh, do đó phải niêm yết, thông báo, dẫn đến thời gian trả kết quả trễ hẹn so với quy định.
Còn theo ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết, 14 đơn vị hành chính cấp xã đều phải thực hiện việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ với tổng số hồ sơ cần cấp đổi là hơn 42.340 hồ sơ. Tính đến thời điểm hiện nay, mới có gần 10.000 hồ sơ đã được xử lý .
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện các chi nhánh địa phương đang cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục đất đai cho người dân khiến khối lượng hồ sơ đất đai quá tải, trong đó có thủ tục cấp đổi Quyền sử dụng đất của người dân. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường nhân lực về các Văn phòng đăng ký đai địa phương, đồng thời tăng thời gian xử lý đối với các hồ sơ lồng ghép để chi nhánh có thời gian xử lý hồ sơ cho người dân đúng hẹn.
So với quy định cũ, diện tích tối thiểu tách thửa và việc quy định tiếp giáp đường giao thông của các thửa đất sau khi tách thửa từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có sự thay đổi.
Quy định mới đã bỏ một số quy định "tréo ngoe" trước đó như: Người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng khi tách thửa đất ở (từ 500m2 – 2.000m2 tại TP.Vũng Tàu và từ 1.000m2 – 5.000m2 tại các địa phương còn lại), phải lập dự án đầu tư khi tách thửa đất ở (hơn 2.000m2 tại TP.Vũng Tàu và hơn 5.000m2 ở các địa phương còn lại).
Tuy nhiên, tại quyết định 15 ban hành lần này vẫn phát sinh những bất cập như đối với thửa đất ngoài đô thị thì thực hiện việc tách thửa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì áp dụng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy chế quản lý kiến trúc (nếu có) được duyệt. Điều này, đang gây những khó khăn đối với nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.