Hiện nay, việc giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đang gặp phải nhiều rủi ro nếu khách hàng không tỉnh táo. Trong Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), các nhà làm luật đã đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý cho khách hàng. Do đó, việc hạn chế những rủi ro cho các khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh ba nội dung nhằm hạn chế rủi ro mà khách hàng gặp phải. Cụ thể, về thị trường BĐS, từ năm 2013, thị trường đã có sự khởi sắc do dòng tiền đổ vào thị trường BĐS phong phú (vốn FDI, kiều hối, tín dụng ngân hàng), cùng việc hạn chế nguồn vốn tín dụng cho vay ngắn hạn để tăng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn đã làm cho thị trường thực sự khởi sắc. Việc bảo lãnh từ phía ngân hàng đối với các dự án, việc cho vay đối với các dự án với mức phí rất cạnh tranh từ phía các tổ chức tín dụng cũng hạn chế các rủi ro gặp phải khi khách hàng tiến hành giao dịch.
Bên cạnh hồ sơ về pháp lý, khách hàng còn gặp phải nhiều rủi ro từ ngân hàng, rủi ro từ chính chủ đầu tư, thậm chí rủi ro trong tiến độ, chất lượng căn hộ. Cụ thể, rủi ro từ phía ngân hàng đối với những dự án sử dụng vốn vay mà tài sản hình thành trong tương lai đã được chủ dự án thế chấp cho ngân hàng. Do đó, phải có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh trường hợp người mua nhà dễ dàng trở thành nạn nhân vừa mất tiền vừa không nhận được nhà khi có tranh chấp phát sinh giữa chủ dự án và ngân hàng. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến việc bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đối với hầu hết các dự án.
Ngoài ra, khách hàng còn gặp rủi ro từ chính chủ đầu tư dự án. Theo đó, tại Điều 26 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định, sau thời hạn 50 ngày bàn giao nhà cho người mua đã thanh toán đủ tiền theo thoả thuận thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Tuy nhiên, trên thực tế việc cấp giấy chứng nhận này không đúng theo quy định. Nhiều khách hàng mua nhà thương mại đã nhận nhà nhiều năm nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận vì nhiều chủ đầu tư phải chờ bán hết nhà trong dự án mới tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc dự án đó sai phạm trong việc xây dựng không đúng giấy phép nên cơ quan nhà nước chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, người mua nhà còn có thể gặp những rủi ro trong tiến độ, chất lượng căn hộ trong các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể về chất lượng, nhiều căn hộ sau khi khách hàng nhận bàn giao sử dụng chưa được bao lâu đã có tình trạng xuống cấp trầm trọng, nền nhà sụt lún, tường nứt nẻ gây tâm lý hoang mang cho khách hàng. Để hạn chế những rủi ro cho khách hàng, các cơ quan chức năng cần hạn chế tình trạng lách luật của các chủ đầu tư dự án BĐS, góp phần đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường được công bằng, minh bạch, mang tính ổn định lâu dài nhằm đảm bảo đến mức tối đa những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải trong các giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.